Ký âm văn bản, nốt nhạc thường là hình bầu dục. Quả đất hình bầu dục, vậy tiếng đàn tròn lạc điệu rồi ư? Đường cong hình tròn, đường cong bầu dục, buộc nước chảy về trũng. Mưa lùa tuốt hết xuống cống. Công cốc. Vớ vẩn, sao mình vớ vẩn thế. Ừ, mà những vớ vẩn ấy từng là đề tài chúng tôi điên điên mổ xẻ, nó làm ấm hơn tình cảm đồng điệu với vài thằng bạn. Cái quán cà phê nhỏ xíu ở đường Trần Quang Khải, khu Tân Định ăm ắp kỷ niệm, đủ thứ chuyện thượng vàng hạ cám, chúng tôi phơi ra... phơi ra hết, có điều đã khô quéo, có điều đến giờ trong tôi vẫn ướt, thằng Việt khóc dã man khi cuộc tình đầu tiên gãy sụm, thằng Thái cười hiền với bài thơ mới, thằng Nhơn công tử phóng khoáng bụi bụi, Thành lùn xuề xòa từng câu nói...
Phê phiêu nhất vẫn là cây đàn guitare sinh động, âm nhạc phơi phới bên nắng bên mưa. Ấn tượng khi mùa mưa đến, âm thanh guitare bỗng ướt hơn, dịu mềm rồi điếng hơn khi bỗng có tiếng lốc cốc... lách cách bên kia đường. A! Hủ tiếu gõ... Trong âm thanh xe cộ, tiếng lách cách vẫn tỉnh queo, thong thả từng hồi ngắn, như đạt đạo, mặc kệ những đảo điên hối hả phận đời. Tôi lặng nghe, sởn gai, hình như tiếng gõ buồn như chính nó. Nó ném tôi về chốn cũ, loáng thoáng hương vị thân quen gần gũi, đẫm mùa quê. Một lần nữa, tôi lạnh người, bên kia đường chiếc xe hủ tiếu gõ nho nhỏ, xập xệ nhưng ngăn nắp có mái che phía sau trong mưa ấy, nhúc nhích bởi đôi tình già, tóc cả hai người lưa thưa, lún phún trắng đen, ông đứng bên trái, bà đứng bên phải, tay trái bà quàng tay phải ông, tay trái ông và tay phải bà nắm hai bên tay đẩy, trắng đen đối xứng, chiếc xe chầm chậm lăn, hình như hai tay nắm đẩy xe ấy là hai chiếc nạng dìu nâng bước ông bà, vệt lăn buồn và đẹp như cổ tích. Tuổi này đúng ra ông bà đã phải được nghỉ ngơi, sao vẫn còn lộc cộc gió mưa? Gia đình, con cháu đâu, hay phận đời úp thế? Mà không... tôi thấy đôi mắt bình lặng, an nhiên ngọt lên mưa chiều của bà, tay trái vẫn quàng tình yêu trong tay phải ông, gương mặt vẫn rạng ngời lên những nếp nhăn kiên nghị, mặc kệ đôi môi tái thâm vì lạnh.
Tiếng của Việt ngắt dòng suy nghĩ tôi:
- Chú ơi! Cho 5 tô hủ tiếu.
Ông bà cụ không nghe, làm sao nghe khi dòng đời cuồn cuộn và sấm mưa chớp giật, đám lá rụng bị thổi tung, mù bụi. Ông lấy thêm chiếc áo khoác nữa khoác lên đôi vai mỏng của bà, rồi lấy tấm ni-lông che hai phần ba phía trước chiếc xe. Lại trắng đen đối xứng, bà trìu mến quàng tay phải ông. Cả ba cùng chịu trận. Tôi nói:
- Để tao. Tôi đứng dậy bước qua đường. Chú ơi, cho... Hai mái tóc quay lại, ngược gió, tung tơi tả, tôi giật thót:
- Ủa... ủa... chú A Xừng phải không? Cháu là Tấn, con cô sáu Kim Sa nè, chú nhớ không?
Ngạc nhiên, cái nốt ruồi như một logo có lọn râu nay đã muối tiêu, gọn và hơi hơi dài bên trái mé cằm giật giật, tôi nhận ra chú là nhờ cái logo ấy. Vẫn với giọng nói lơ lớ:
- "Chòi oi, nhớ dồi, cháo dờ cũng chung liên dồi hé".
- Dạ, ba mươi mốt rồi chú.
- Cô sáu "phẻ hông"?
- Cảm ơn chú, ba mẹ cháu vẫn khỏe, vẫn ở Bình Đông. Mưa vậy sao chú và cô không chờ hết mưa?
- Không sao, quen rồi, giông gió xíu thôi, mưa nhỏ mà. Năm ngoái, bả bịnh, tui đi một mình, gió thổi lật cái xe, nước lèo đường mưa bốc khói... Chú cười.
Tôi được biết chú lấy vợ và ra ở Bà Chiểu đã lâu, đây là tuần đầu tiên chú qua khu Tân Định. Hai người không có con, già rồi vẫn rong ruổi, buồn, chú cố vui với nỗi buồn đó. Chú nói và đằm thắm nhìn vợ đang nấu hủ tiếu. Tôi nghĩ ngày xưa có lẽ cô rất duyên, bây giờ tôi lại thấy nụ cười cô mong manh, cam chịu, hạnh phúc và ấm.
Ngoắt gọi nhóm bạn qua lề bên đây, cả bọn ngồi dưới hiên căn nhà phố, hít hà 5 tô hủ tiếu nóng hổi. Tôi ngửi và rít sâu mùi vị ngày cũ, thoáng nghe cái vị the the tháng ngày xa xứ, cay cay mùi lưu lạc mưu sinh của chú A Xừng. Gió giông bỗng mạnh bất thình lình, quặt gãy nhánh cây khô khá to rơi xuống gờ lề bên kia, cách bàn cà phê bọn tôi ngồi chừng mét rưỡi.
Nhơn nói với tôi:
- Ông bước ra chỗ đó trước 10 phút là xong.
Thành lùn:
- Tụi mình mới 3 phút nè...
Ừ! Có những điều huyễn hoặc, cảnh báo để mình ngó lại mình. Định mệnh. Kệ. Lo chi nếu đã là định mệnh.
Lách cách... lốc cốc... tiếng hai thanh tre va vào nhau không thanh không đục. Ngày ấy, Bình Đông trưa yên ắng lạ, tiếng cu gáy man man hòa điệu, tình cờ ngân nga như hát khúc điền dã êm đềm, đạm bạc như tô nước lèo ngút khói những ngày mưa, mẹ tôi hay hỏi:
- Tấn, hủ tiếu gõ kìa, con ăn không...?
Tất nhiên tôi thích, sau này, tôi chưa hề cảm nhận vị ngon của tô hủ tiếu nào được vậy nữa, kể cả lúc tôi có dịp thưởng thức ở Quảng Châu và Thượng Hải. Cái ngon của ký ức bao giờ cũng ám ảnh sâu sắc, ngọt từ tiếng mẹ gọi:
- Hủ tiếu, cho hai tô nhe, tiêu ớt hành ngò đầy đủ he.
Chú A Xừng bê hai tô hủ tiếu trên cái khay ám màu đời như màu da của chú với một tay, tay kia chú cầm cái nón che hai tô hủ tiếu, lom khom bước vào sân nhà tôi, khói vờn tô hủ tiếu.
Nhóm bạn tôi bây giờ đều định cư ở nước ngoài, tôi không còn ở Tân Định nữa, cái quán cà phê nhỏ ấy cũng mất tiêu. Thời gian tuột dốc mọi điều. Tôi cũng lãng quên nếu chiều nay không mưa, không về ngang chùa Phước Lâm trong con hẻm nhỏ, tiếng mõ cầu kinh đều như tiếng hai thanh tre chạm vào nhau, hai âm thanh hai cảnh đời, tôi tự hỏi cảnh nào khốc liệt? Khốc liệt, thanh nhã tự tâm? Tôi vòng ngược về Trần Quang Khải rồi quay xe về phía Đa Kao, rõ ràng chú A Xừng đang lầm lũi, chiếc áo vá lỗ chỗ, bốn cái bánh xe vẹo hết hai cái, tôi thấy cái áo của vợ chú treo trên thanh gỗ tay đẩy bên phải. Đẩy chỉ bằng mỗi cánh tay trái, chiếc xe rướn qua mấy cái ổ gà, nảy giật giật, cằm bên trái giật giật. Có lẽ tôi mệt nên hoa mắt ù tai, không thấy chú nhịp gõ, tôi vẫn nghe tiếng hai thanh tre ngạo nghễ.
Phố bỗng lên đèn, ánh sáng trắng nhợt chiếu xuống, những sợi mưa như một đũa sợi hủ tiếu khuya. Giông gió dữ hơn, tấm bạt vỗ phừng phực hối hả lửa reo. Cánh tay phải chú A Xừng từ từ hẫng lên. Hình như có bóng ai đang quàng...
Bình luận (0)