"Gốm" là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Hữu Nam (NXB Văn học), vẫn như các tiểu thuyết trước, lịch sử trở lại như một niềm cảm hứng lớn nhưng không chịu đi vào lối mòn, "Gốm" khai thác lịch sử dưới góc nhìn của những đồ vật.
Gồm 12 chương sách, tuần tự luân chuyển qua 12 cổ vật, mỗi món cổ vật "kể" câu chuyện dưới điểm nhìn của mình để từ đó phát ra trước mắt độc giả một tao đoạn lịch sử đầy biến động, khi Hàm Nghi hoàng đế bước vào những thời khắc cam go nhất đời mình cũng như vận mệnh đất nước, bắt đầu tham gia phong trào Cần Vương và dự phần vào những biến động cuối thế kỷ XIX.
Để đồ vật cất cao tiếng nói không phải là một lối lạ, "Tên tôi là đỏ" của Orhan Pamuk cũng sử dụng lối kể ấy khái quát tấn kịch về sự phân cách của những tư tưởng văn hóa dị biệt. Ở đây, Nguyễn Hữu Nam áp dụng nó trong một quy mô nhỏ hơn nhưng không kém cạnh về hiệu quả.
Cuộc hội ngộ tình cờ giữa chàng thợ gốm làng Phước Tích với ông chủ lò gốm Long Tường đến từ nước Pháp xa xôi, dưới sự chứng kiến của những tạo tác gốm tuyệt mỹ. Cuộc hội ngộ từ chỗ "vị nghệ thuật" với hai con người cùng chung ước muốn hoàn thiện bức chân dung của đương kim hoàng đế bằng chất liệu gốm. Tiểu thuyết dường như muốn phản biện lại những ai nói rằng: Nghệ thuật là không biên giới.
Trên những trang của tiểu thuyết "Gốm", độc giả như thực hiện một chuyến tham quan đến những làng nghề gốm cổ truyển, được quan sát từ lúc lên ý tưởng đến lúc hình thành nên một tác phẩm nghệ thuật, một tác phẩm nghệ thuật làm nên từ bùn đất quê hương không còn vô tri giác mà có những cảm quan riêng, trong đó chứa đựng cho riêng mình cả lịch sử - được hình thành từ những việc tưởng chừng tình cờ, những điều bé mọn chẳng liên quan mà vô tình là chứng nhân cho cả một thời đại.
Bình luận (0)