Nhạc R&B đã được vinh danh tuyệt đối trên sân khấu trao giải Grammy lần thứ 60 (diễn ra ngày 29-1, giờ Việt Nam) tại trung tâm Madison Square Garden ở TP New York - Mỹ, với chiến thắng ngoạn mục của Bruno Mars - ông hoàng dòng nhạc này.
Gom cả 6 tượng kèn vàng
Bruno Mars đã mang về tất cả giải thưởng quan trọng nhất tại lễ trao giải Grammy lần này, gồm Album của năm dành cho "24K Magic", Ghi âm của năm dành cho ca khúc "24K Magic" và Ca khúc của năm dành cho "That’s what I like". Ngoài ra, anh còn đoạt thêm 3 giải thưởng khác, gồm Album R&B xuất sắc, Ca khúc R&B xuất sắc và Màn trình diễn R&B xuất sắc. Như vậy, Bruno Mars đã gom tất cả 6 tượng kèn vàng Grammy danh giá.
Kết quả này ít nhiều gây bất ngờ bởi nhiều ứng viên khác được đánh giá có cơ hội chiến thắng cao hơn như ca khúc "Despacito" của Luis Fonsi & Daddy Yankee, Justin Bieber; "4:44" của Jay Z hay "Humble" của Kendrick Lamar. Dù vậy, chiến thắng của Bruno Mars hoàn toàn xứng đáng. Thậm chí, báo chí phương Tây còn nhận định "đáng lý Bruno Mars phải có chiến thắng này từ nhiều năm trước".
Bruno Mars đại thắng tại lễ trao giải Grammy lần thứ 60-2018 với 6 tượng kèn vàng Ảnh: REUTERS
Tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ) cho rằng Bruno Mars đã có được vị thế lạ thường trong nền công nghiệp âm nhạc. Anh là ngôi sao hiếm hoi có thể đến và đi tùy theo ý thích của bản thân mà không cần lo ngại sự nghiệp bị ảnh hưởng. Thế mạnh của Bruno Mars nằm ở khả năng tự điều tiết để tránh khỏi những luồng tin bài nhạt nhòa xoay quanh đời tư của các ngôi sao. Bruno Mars không bị cuốn vào những thông tin gây sốt, sốc. Anh không cố tạo kịch tính để báo chí phải đưa tin về mình - điều mà rất nhiều ngôi sao giải trí thường làm để hâm nóng tên tuổi.
"24K Magic" là sản phẩm âm nhạc mới nhất mà Bruno Mars giới thiệu với công chúng sau 4 năm không làm gì. Qua đó giúp Mars tạo nên cú "hit" cho chính mình. Báo chí phương Tây gọi "24K Magic" của Bruno Mars là "chuyến tàu đưa ta về thời của nhạc punk" khi nó đánh dấu thời kỳ thống trị trở lại của nam ca sĩ da màu này trên các bảng xếp hạng âm nhạc.
"24K Magic" trở thành điểm sáng của làng nhạc. Không chỉ vậy, sản phẩm này còn được xem là cách "thiên tài đến từ sao Hỏa" Bruno Mars làm mới chính mình. Album "24K Magic" ra mắt ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Billboard 200 và bán được 231.000 bản trong tuần đầu tiên phát hành tại Mỹ. Riêng bài hát chủ đề cũng xếp trong tốp 10 của các quốc gia khác nhau: Argentina, Úc, Canada, Scotland, đồng thời đạt được gần 1 tỉ lượt nghe trên YouTube tính đến nay.
Xếp sau Bruno Mars, Kendrick Lamar giành 5 giải thưởng tại Grammy lần này, trong đó có Album rap xuất sắc với "Damn", Màn trình diễn rap/sung xuất sắc với "Loyalty" (cùng Rihanna), Video ca nhạc xuất sắc với "Humble"... Hạnh phúc khi lên nhận giải, Kendrick phát biểu rằng Jay Z, Diddy chính là người truyền cảm hứng để anh có được thành quả như ngày nay. Trong khi đó, Jay Z ra về trắng tay dù dẫn đầu số đề cử với 7 hạng mục.
Chiều lòng khán giả
Trước khi lễ trao giải lần thứ 60 diễn ra, những dự đoán về một Grammy khác lạ đã tràn ngập trên mặt báo. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua danh sách đề cử được công bố trước cả tháng.
Đầu tiên chính là việc Grammy lần này quyết định vinh danh 4 nghệ sĩ da màu khác nhau trong hạng mục Album của năm. Nghệ sĩ da màu vốn bị Grammy "hắt hủi" liên tục nhiều năm qua. Từ Kanye West, Frank Ocean, Drake cho đến đỉnh điểm là năm ngoái, khi album "Lemonade" của Beyoncé dẫn đầu với tổng cộng 9 đề cử nhưng chỉ nhận được 2 giải phụ và hụt hết những giải quan trọng vào tay Adele. Chính Adele cũng phải thốt lên: "Beyoncé cần phải làm gì nữa thì mới chiến thắng được chứ?" và dành cả 2 bài phát biểu ca ngợi ca sĩ này. Câu hỏi của Adele khiến nhiều người phải lật lại lịch sử và giật mình khi nhận ra suốt 14 năm qua, chưa có album nào của nghệ sĩ da màu giành chiến thắng ở hạng mục Album của năm cả.
Thất bại của Beyoncé tại Grammy năm ngoái như giọt nước làm tràn ly. Hàng loạt bài báo đã đua nhau chỉ trích Grammy. Có lẽ vì vậy mà Grammy lần này đã tôn vinh R&B/hip hop và cả nghệ sĩ da màu. Điều này hoàn toàn hợp lý khi R&B/hip hop đã có một năm 2017 đại thắng. Dù có muộn màng, sự tôn vinh dù có mang tính bù đắp nhưng điều đó cũng an ủi phần nào các nghệ sĩ da màu.
Grammy lần này nắm bắt xu thế nhạc streaming (ca khúc ăn khách nổi bật trên các bảng xếp hạng âm nhạc) nói riêng và những thành công về thương mại nói chung thay vì ngó lơ như các năm trước. Cả 5 đề cử trong hạng mục Album của năm đều có ít nhất một bài hát lọt vào tốp 25 của Billboard. Đây là cách chiều lòng khán giả rõ nét thay vì cố chấp làm theo điều mà Grammy muốn. Tất cả điều này đã tạo nên sắc màu giải thưởng Grammy lần thứ 60 rất khác so với những lần trước. Những điểm nổi bật của Grammy năm nay là những gì thiếu sót mà giới nghệ sĩ phàn nàn về giải thưởng này những năm trước, thậm chí đòi tẩy chay.
Hai năm trước, khán giả đại chúng tự hỏi tại sao nghệ sĩ chưa bao giờ nghe tới như Alabama Shakes lại được đề cử trong hạng mục Album của năm với đĩa "Sound and Color". Năm ngoái, người nghe lại tiếp tục ngạc nhiên với đề cử "A Sailor’s Guide to Earth" của Sturgill Simpson khi không biết ông này là ai. Trước khi được đề cử, album của Sturgill Simpson bán được 200.000 bản, quá nhỏ bé so với Adele hay Drake trong cùng hạng mục. Các đề cử quan trọng năm nay đều có lượt nghe streaming rất cao, cũng như được bàn tán nhiều trên các mạng xã hội. Ví dụ, hạng mục Ghi âm của năm: "Redbone" có lượt nghe gần 400 triệu, "Humble" gần 700 triệu, "Despacito" gần 1 tỉ (bản gốc gần 800 triệu), "24K Magic" gần 550 triệu… Đây chỉ là lượt nghe trên Spotify - dịch vụ streaming có lượng người dùng lớn nhất hiện nay. Trên YouTube, số lượt nghe của "Despacito" là hơn 4,7 tỉ.
Có lẽ Grammy lần thứ 60 đang bắt kịp các dòng chảy nổi bật, định hình nền văn hóa đương đại khi gắn liền với các phong trào xã hội nổi bật. Điều này thực sự đã được khơi mào từ Grammy mùa trước, khi Jennifer Lopez phát biểu tại lễ trao giải: "Vào thời điểm này trong lịch sử, tiếng nói của chúng ta là cần thiết hơn bao giờ hết". Grammy 59 nhuốm màu chính trị với những phản ứng của giới nghệ sĩ đối với các chính sách bài người Hồi giáo hay chính sách nhập cư hà khắc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiện nay, toàn bộ giới nghệ sĩ phương Tây đang dõi mắt theo những phong trào về quyền bình đẳng giới, bình đẳng màu da diễn ra rầm rộ. Grammy 60 không đứng ngoài cuộc. Tiếp bước lễ trao giải Quả cầu vàng (tất cả nghệ sĩ đến dự đều mặc đồ đen), lễ trao giải Grammy 60 ngập tràn hoa hồng trắng để phản đối sự phân biệt giới tính và những vụ quấy rối tình dục phụ nữ. Hoa hồng trắng đại diện cho hy vọng, hòa bình, sự cảm thông và sức đề kháng. Đây được coi như bước tiếp theo của #metoo và Time’s Up - hai phong trào xã hội lan tỏa nhất thời gian gần đây, được những ngôi sao nữ quyền như Lady Gaga, Reese Witherspoon, Gwyneth Paltrow... góp sức.
Thông điệp nhân văn
Lễ trao giải Grammy 60 vẫn giữ được nét riêng của mình với những khoảnh khắc lấy nước mắt người xem bằng các thông điệp nhân văn hay tôn vinh những huyền thoại đã khuất.
Điểm đặc biệt thú vị là dù R&B/hip hop lên ngôi lần này nhưng sắc màu âm nhạc chính của sân khấu trao giải Grammy 60 vẫn là những bản pop tình ca da diết, sâu lắng. Âm nhạc đỉnh cao suy cho cùng vẫn là những câu chuyện dài có chương hồi, kịch tính, được kể bằng âm nhạc. Thế nên, dù có khác thế nào thì bản chất Grammy vẫn ủng hộ những câu chuyện kể bằng âm nhạc. Đó là lý do Bruno Mars đã chiến thắng và "Despacito" phải trắng tay.
Một số giải thưởng khác
MV xuất sắc: "Humble" của Kendrick Lamar.
Nghệ sĩ mới xuất sắc: Alessia Cara.
Màn trình diễn pop xuất sắc: "Shape of you" của Ed Sheeran.
Màn trình diễn pop của bộ đôi/nhóm nhạc xuất sắc: "Feel it still" của Portugal. The Man.
Album pop xuất sắc: " (Divide)" của Ed Sheeran.
Ca khúc dance xuất sắc: "Tonite" của LCD Soundsystem.
Album dance/electronic xuất sắc: "3-D The Catalogue" của Kraftwerk.
Màn trình diễn rock xuất sắc: "You want it darker" của Leonard Cohen.
Ca khúc rock xuất sắc (giải dành cho nhạc sĩ): "Run" của Foo Fighters.
Album rock xuất sắc: "A Deeper Understanding" của The War On Drugs.
Tuyển tập các ca khúc hay nhất trong phim: "La La Land".
Bản thu hay nhất trong phim (dành cho nhạc sĩ): "La La Land" - Justin Hurwitz.
Ca khúc hay nhất trong phim: "How Far I’ll Go" trong phim "Lin-Manuel Miranda" (Auli’i Cravalho thể hiện).
Phim ca nhạc xuất sắc: "The Defiant Ones".
Bình luận (0)