.Phóng viên: Vào đúng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình, cố GS-TS Trần Văn Khê (24.7.1921 - 24.7.2021), ông có suy nghĩ gì?
- GS-TS TRẦN QUANG HẢI: Tôi xúc động khi đọc và xem những bài viết của các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình cuộc thi "Tìm hiểu về GS-TS Trần Văn Khê" được tổ chức trong lúc TP HCM giãn cách xã hội. Họ là những tác giả trẻ đã lan tỏa trong cộng đồng tình yêu âm nhạc dân tộc, văn hóa cội nguồn đến công chúng để cùng gìn giữ, nâng niu tâm hồn Việt trước sự tấn công mạnh mẽ của nhiều loại hình giải trí trong thời đại hội nhập hiện nay. Tôi tin dưới suối vàng, ba tôi cũng sẽ mỉm cười không phải vì được vinh danh mà vì nhìn thấy di nguyện của ông đã được hậu thế vận hành đúng quỹ đạo.
GS-TS Trần Quang Hải và cố GS-TS Trần Văn Khê trong chương trình giới thiệu về âm nhạc dân tộc tại TP HCM .Ảnh: THANH HIỆP
.Hơn 40 năm làm việc, nghiên cứu ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học tại Bảo tàng Con người ở Paris (Pháp) và tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới, ông đã có những đóng góp lớn trong việc giới thiệu, quảng bá âm nhạc Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới. Phải chăng đó là con đường mà ông đang tiếp nối cha mình?
- Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có nhiều đời hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, lại là con trai trưởng nên sớm được cha định hướng đi theo con đường nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Tốt nghiệp Khoa Violin Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, tôi sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violin, sau đó đổi sang học các loại nhạc cụ dân tộc và lấy bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc của người Việt tại Pháp. Trong thời gian làm việc, định cư ở Pháp, tôi tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức âm nhạc, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp và Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, nơi cha tôi từng công tác. Định mệnh đã đưa tôi theo con đường của cha từ rất lâu, tôi xem đó là trọng trách thiêng liêng và quyết tâm noi theo.
.Ông là người sáng tạo nghệ thuật gõ muỗng độc đáo, người truyền dạy cho mọi người cách chơi đàn môi của dân tộc Mông. Phải chăng ông muốn có một hướng đi khác với cha mình, người giới thiệu các nhạc cụ dân tộc Việt?
- Trong quá trình học tập, nghiên cứu, tôi có điều kiện đưa âm nhạc dân tộc của Việt Nam đến với công chúng hơn 70 nước trên thế giới; đặc biệt là môn nghệ thuật gõ muỗng và đàn môi của dân tộc Mông. Cha tôi lúc sinh thời đã rất tự hào về sự khác biệt mà tôi đã chọn. Bởi, từ những chiếc muỗng bình thường vốn được làm ra để phục vụ nhu cầu ẩm thực, qua bàn tay tài nghệ và cách xử lý nhạc học, đã mang đến cho người xem những cung bậc sinh động. Còn đàn môi là một loại nhạc cụ độc đáo có mặt ở 30 nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Ở châu Âu, đàn môi rất thông dụng với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Anh người ta gọi đàn môi là jew’s harp, Pháp là guimbarde, ở Đức và Áo được gọi là maultrommeln... Đàn môi có nhiều hình dáng và chất liệu khác nhau nhưng đều có 2 bộ phận chính là khung cố định và "lưỡi gà" di động. Đàn môi ở các nước châu Mỹ được làm bằng thép, sắt, đồng hoặc nhôm, kiểu dáng giống nhau. Còn tại châu Á, tùy theo truyền thống và bản sắc từng dân tộc mà đàn môi ở mỗi nước có độ dài ngắn khác nhau với tên gọi rất đa dạng: mukkuri (Nhật Bản), genggong (Indonesia), kubing (Philippines). Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ được đồng bào các dân tộc thiểu số ưa chuộng. Tôi đã làm điều cha mình không làm nhưng cùng chung một tư tưởng, đó là góp phần quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới.
.Ông có bao giờ ngại bị so sánh với cha mình, cố thoát khỏi cái bóng quá lớn của cha?
- Cha tôi là GS-TS chuyên về nhạc Việt Nam và nhạc Á châu. Trên con đường hấp thụ tất cả tinh hoa và sự giáo dục của cha dành cho tôi, ông luôn khuyên tôi không dừng lại ở đó mà cần đi xa hơn về nhạc thế giới bao gồm Phi châu, Úc châu, Mỹ châu... Do vậy, ngoài âm nhạc truyền thống, tôi đã bước vào thế giới của những người trẻ với các thể loại nhạc techno, hip hop... Tôi đã trình diễn hơn 3.500 buổi tại 70 quốc gia trên thế giới để quảng bá những nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đó là cách mà tôi dấn thân nhưng không phải thoát khỏi cái bóng của cha mình mà đồng hành cùng cha trong sứ mệnh thiêng liêng.
.Kỷ niệm nào khó quên nhất trong đời ông khi nhớ về GS-TS Trần Văn Khê?
- Ngày tôi bày tỏ ý định quay về nước, cùng cha tôi tiếp nối con đường giữ vững truyền thống của Việt Nam thông qua âm nhạc dân tộc, cha tôi đã ôm tôi thật chặt, hai cha con rơi những giọt nước mắt của hạnh phúc và sẻ chia. Tôi hiểu cha đã mong điều này từ lâu lắm rồi. Và chính ông đã nói với giáo sư violin khuyên tôi nên trở về với âm nhạc dân tộc. Suốt 10 năm đi học, tôi đã khám phá rất nhiều thú vị về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi đi theo con đường của cha không phải do ông áp đặt hay bắt buộc. Ông chỉ truyền dạy cho tôi kiến thức, đam mê và cho tôi lựa chọn con đường để đi.
Tôi chưa hề bế tắc, tuyệt vọng nhưng tôi đã khóc trong ngày ba tôi mất, ông đi mang theo một tâm nguyện sẽ thành lập quỹ Trần Văn Khê và một không gian văn hóa để các học trò, giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc tìm đến sinh hoạt. Cho đến phút cuối trong đời, cha tôi vẫn muốn được cống hiến.
.Được biết, ông đang bị ung thư và từng ngày trôi qua, ông đối diện với nó như thế nào?
- Tôi bị ung thư máu, vẫn kiên trì xạ trị chiếu điện và theo dõi bệnh thường xuyên. Nhưng, hễ làm được điều gì tốt đẹp cho âm nhạc dân tộc, trao truyền cho thế hệ trẻ những kiến thức mà tôi có thì tôi vẫn sẵn lòng. Điều tôi quý trọng cho đến thời điểm này là không có sự lai căng nào tồn tại trong đại gia tộc, vẫn giữ 2 chữ "thuần Việt" như cha tôi hằng trân quý.
. Điều khiến ông trăn trở nhất về việc bảo tồn, gìn giữ âm nhạc dân tộc hiện nay là gì?
- Để gìn giữ và phát triển âm nhạc cổ truyền dân tộc, điều cấp thiết nhất là cần có giáo trình chuẩn mực về đào tạo tại Việt Nam. Khi đã đi vào chuẩn, làm thành một chiến lược sẽ có nhiều người tiếp nối, giảng dạy, theo nghề. Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên tổ chức những hội thảo trực tuyến, phác họa chương trình giáo dục âm nhạc trong nhà trường thông qua hình thức sân khấu học đường online. Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc từ nội thành đến vùng sâu, vùng xa, để ngay từ lúc các em học sinh cấp I, cấp II đã có một kiến thức căn bản về âm nhạc Việt Nam. Đến cấp III và vào đại học, các em được học thêm về nhạc cổ điển Tây phương và các nước láng giềng. Và quan trọng hơn là được học miễn phí, nhà nước phải tạo mọi điều kiện để thầy và trò cùng nâng niu âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó, các đài truyền hình nên thực hiện những chương trình giáo dục âm nhạc, định hướng âm nhạc, giới thiệu những nét tinh hoa, độc đáo, tiêu biểu của âm nhạc dân tộc và các quốc gia trên thế giới.
Bình luận (0)