xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hai người hào hiệp Ở SÂN TINH VÕ

LÊ THANH PHONG

Phiêu bạt vào TP HCM hơn 30 năm, sống được trên mảnh đất này là nhờ vào những con người bao dung, cho nên tôi từng viết bút ký "Sài Gòn bao dung chi lạ". Còn hôm nay, xin kể hai trong nhiều câu chuyện của những bạn bè hào sảng ở thành phố này.

Anh Trung dạy đọc sách

Năm 1987, nhận nhiệm vụ của võ sư Nguyễn Văn Dũng, tôi vào TP HCM nhận dạy môn karate tại sân Tinh Võ ở đường Nguyễn Trãi, quận 5. Hồi đó vào Nam bằng xe đò (người Huế gọi là xe ca), khi thầy đưa ra Bến xe An Cựu, thầy mượn câu của Tư Mã Tương Như dặn dò: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa). Ý thầy dặn dò là ra đi, phải thay thầy dạy cho tốt, phát triển karate tại đất này, không thành công thì đừng quay về gặp thầy nữa.

Hai người hào hiệp Ở SÂN TINH VÕ - Ảnh 1.

Kí họa: TR. PHÚ

Trước đó, tôi có vào TP HCM nhiều lần nhưng chỉ đi chơi, còn vào để mưu sinh thực sự lại là câu chuyện khác. Còn quá trẻ, lại dạy võ ở Tinh Võ - nơi hội tụ nhiều võ sư, huấn luyện viên tên tuổi của Hiệp Khí Đạo, Thái Cực Đạo, Nhu Đạo, Thiếu Lâm Tự…, lại lạ xứ lạ người thì không khỏi lo lắng.

Một buổi chiều vừa xong giờ huấn luyện, dắt xe đạp ra cửa, tôi gặp một người cao, to, đưa tay ra bắt, miệng nở nụ cười rất tươi, rất thân thiện. Anh tự giới thiệu tên là Phi Quang Trung, công tác tại sân Tinh Võ, anh biết tôi từ Huế mới vào dạy karate, nên tìm đến chào.

Hai anh em kéo ra quán bia làm vài chai cho vui. Tôi bị thu hút bởi cách nói chuyện của anh, bởi tôi chưa từng gặp ai như thế bao giờ. Anh nói ào ào, thoải mái, không cần giữ ý giữ tứ như dân Huế, nhất là khi gặp ai đó lần đầu. Anh Trung bụng nghĩ sao nói vậy, kể hết chuyện của anh, vợ con, gia cảnh, kỷ niệm buồn vui. Anh kể thật thà, kể say sưa ngay cả chuyện buồn, coi những gì đi qua cũng đã qua rồi. Nhưng cái hay là không triết lý, không tỏ vẻ suy tư đúc kết của người từng trải, kể nghe cho vui vậy thôi. Sau buổi gặp rồi tự nhiên trở thành anh em, Trung vai anh vì hơn tôi 10 tuổi.

Nói anh em không phải đầu môi chót lưỡi, mấy hôm sau anh đưa tôi về nhà. Nhà anh ở con hẻm bên trái sân bóng đá Lam Sơn ở đường Trần Bình Trọng, quận 5. Anh giới thiệu bạn mới với vợ, vợ anh phóng xe đi một lát là có vài món. Xem qua biết ngay chuyện này quá quen thuộc với chị, nên việc thu xếp một bữa nhậu bất ngờ không có gì khó khăn. Thế là tôi trở thành người em trong gia đình.

Cũng mấy hôm sau, gặp nhau ở sân Tinh Võ, anh hỏi tôi có thu nhập gì thêm ngoài dạy võ không, rồi kéo nhau về nhà, giao cho tôi ki-ốt sách báo của anh ở đầu hẻm. Tin là giao, tôi ở nhà anh, buổi sáng đưa sách báo (cũ) ra ki-ốt, nhận báo mới, bán đến chiều, cho đến giờ đi dạy võ thì nghỉ. Ngày bán được bao nhiêu chỉ cần ghi trên tờ giấy và giao tiền lại cho vợ anh, không một câu hỏi. Anh còn nhắc tôi, khi không có khách, cố gắng tranh thủ đọc sách để tích lũy kiến thức, sau này hữu dụng. Anh dạy dỗ tôi rất chân thành, chân thành đến mức anh tâm sự rằng biết điều đúng nên chỉ vẽ cho tôi, còn anh không đọc sách, chỉ đọc báo thôi.

Ngoài công việc ở sân Tinh Võ, anh còn chạy lui chạy tới buôn bán làm ăn, hôm nào có được ít tiền, anh hẹn tối dạy võ xong về nhà anh, lại vài chai bia. Có lúc, tiền bán sách báo ngày đó anh bảo tôi giữ luôn mà xài, vì hôm nay anh có kha khá rồi.

Thời đó, lúc chân ướt chân ráo vào thành phố, tôi có nơi để lui tới, có công việc để thu nhập thêm, đặc biệt là có một quầy sách báo để đọc cả ngày. May mắn như vậy quả là xưa nay hiếm. Nhưng tất cả là do gặp được một người Sài thành hào hiệp.

Chú Hai cho ăn tổ yến

Trong các lớp tôi dạy ở sân Tinh Võ có một cậu ấm chừng 15 tuổi. Bộ võ phục của cu cậu khi nào cũng sạch sẽ, trắng muốt, chứng tỏ sau buổi tập nào về cũng giặt và cu cậu có nhiều bộ để thay đổi. Nhưng lác mắt nhất là sau buổi tập, bước ra cửa, đi một đoạn đến ngã tư để bớt đông đúc, có một chiếc xe hơi bóng loáng đón cậu.

Nhiều hôm, tôi quan sát có người đàn ông trung niên, khoảng 45 tuổi, ngồi xem lớp tập của tôi từ đầu đến cuối. Nhiều hôm như thế, rồi có lần, người đàn ông đó đón con và chào tôi, giới thiệu là ba của cháu. Sau đó mời tôi ra đầu đường uống nước mía, hỏi han vài câu, ông bảo tôi cứ gọi ông là chú Hai. Những hôm khác, sau buổi tập, đón con, như thường lệ, ông lại mời tôi uống nước, hỏi chuyện gia đình, ông biết tôi không phải ở TP HCM, mà từ Huế vào dạy võ, xa gia đình.

Một hôm, ông hẹn gặp nhau ngày nghỉ, rồi đưa tôi đến một nhà hàng ở khu vực Chợ Lớn. Ông gọi những món ăn tôi chưa từng biết, trong đó có món tổ yến. Còn nữa, ông lấy trong túi xách ra chai rượu, ông gọi là rượu Tây, mời tôi uống. Lúc đó, tôi không biết phân biệt rượu loại gì, chỉ biết là nó quý, đắt tiền nhưng ông dành mời tôi, một thanh niên mới lớn, cách xa tuổi của ông, rất vui vẻ, hào sảng.

Nhưng chuyện đãi đằng sơ giao không ấn tượng với tôi bằng tấm lòng hào hiệp của ông với cuộc đời. Lúc còn trẻ, với tôi rất có ý nghĩa, nó như những bài "giáo khoa thư" giúp tôi trưởng thành. Có lần ông đón con, gọi tôi ra, nói ông quan sát, trong lớp có mấy em không có võ phục, chắc là vì nhà không có tiền. Ông xin được giúp các cháu. Nói là làm, ông gọi cả mấy đứa đến, dẫn ra quầy bán võ phục, mua cho sáu đứa sáu bộ mới toanh, cả bọn ngẩn ngơ như vừa gặp ông Bụt.

Bọn học trò của tôi lúc đó khoái ông Hai vì ông vui vẻ, lại thương trẻ con. Nhớ buổi sau khi lớp học của con ông thi đai xanh xong, ông đưa cả bọn ra quán, cho ăn uống rất vui. Nhưng không chỉ thế, ông còn dạy dỗ đám trẻ, học võ nhưng không được đánh nhau, phải học chữ thật giỏi, phải quan hệ với bạn bè thật tốt, phải ngoan ngoãn với thầy cô, phải vâng lời cha mẹ. Những lời ông Hai dạy ngắn gọn, không hoa hòe tô vẽ, rất dễ nhớ. Cũng như anh Phi Quang Trung, với tôi, chú Hai không hề tỏ vẻ triết lý, không bao giờ nói chuyện chữ nghĩa, không cần tầm chương trích cú, cứ tự nhiên nhưng thuyết phục lòng người.

Lần cuối cùng tôi gặp ông trò chuyện, thấy ông hơi buồn buồn. Ông hỏi tôi có trở về Huế không hay chọn TP HCM làm quê hương thứ hai; tôi có cần trang bị một tấm thảm lót để tập và vài bộ dụng cụ tập võ, thi đấu trang bị cho võ sinh, bảo đảm an toàn. Tôi nói cần dụng cụ võ thuật nhưng võ sinh đóng phí chưa đủ nên chưa mua, còn thảm thi đấu thì không cần vì khi đấu sẽ sử dụng thảm của sân Tinh Võ.

Vài hôm sau, tôi không thấy cu cậu võ phục trắng muốt đến lớp nữa. Ông Hai cũng không đến; và tôi nhận được một gói hàng gồm hai đôi găng tay, bộ giáp và bộ bảo hộ hạ bộ. Sau này, tôi đoán rằng ông Hai đi định cư nước ngoài nhưng không tiện nói.

Nay thì hai người hào hiệp ở sân Tinh Võ ngày xưa đã đi xa. Anh Phi Quang Trung đã mất, hôm đến thắp nhang cho anh, tôi cúi đầu hứa làm theo lời anh chỉ dạy, siêng năng đọc sách. Còn ông Hai, không biết bây giờ ông ở phương trời nào.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo