xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hai người hát rong

Truyện dự thi của VŨ VĂN SONG TOÀN

Bữa ở đường Nguyễn Trung Trực, nhậu một mình, tôi uống đến chai thứ tư. Bia uống một mình đắng lắm, tôi như đốn ngộ, hóa ra vị bia cũng là chủ quan, ý là lúc đắng, lúc ngọt là do mình, chứ không phải do bia.

Những đứa bé ngậm dầu hỏa phun lửa phì phì như Hồng Hài Nhi trong phim "Tây Du Ký", chúng biểu diễn màn đưa con rắn vào miệng, rồi rắn chui ra đằng mũi, nhìn hơi ghê tởm nhưng cũng động lòng thương vay cho những kiếp mưu sinh trên đường phố.

Hai người hát rong - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đã ba lần tôi nhìn đàn bà cụt tay đi cạnh một người đàn ông. Người đàn ông được người đàn bà dắt đi, có vẻ như bị mù. Ông ta kéo nhị, một bản nhạc Hoa, "Mùa thu lá bay". Tôi cũng mê bài này do ca sĩ Kim Anh hát. Nhưng người đàn bà mới làm tôi chú ý. Chị ta độ ngoài bốn mươi, dù mưa gió cuộc đời vùi dập nhưng trên gương mặt còn lưu những nét xuân sắc. Chị cụt một tay. Tôi nghĩ ngay đến chị Phượng. Định gọi vợ chồng này lại để hỏi han nhưng tôi lại ngại ngùng. Thời gian đã trôi quá lâu. Anh Hân đã chết gần hai mươi năm nay. Một cái chết bi thương. Người kém may mắn hơn chị Phượng là chị Hoàng. Anh Hân là người chặt tay chị Phượng và đâm chết chị Hoàng.

Ngà ngà say, hơi men bốc lên, tôi hết ngại ngùng. Tôi gọi hai người ấy lại. Tôi bảo anh mù uống một ly. Anh mù gật đầu. Bia mang ra, anh mù uống một hơi, khà một cái rồi bảo, trời mấy hôm nay oi quá, có được ly bia lạnh ngon hết sẩy. Tôi bảo hai người cứ nhậu đi, hôm nay tôi bao. Tôi đưa menu cho anh mù, bảo thích món nào cứ chọn. Anh mù bảo, tôi có đọc được đâu, rồi đưa cho chị cụt tay. Anh mù nói, này Phượng, em chọn món đi. Tôi hơi mắc cỡ, vì đưa menu cho người mù đọc. Anh này cũng giống hệt một người mù tôi đã quen. Lẽ nào họ là đồng hương với tôi. Đời tôi đã gặp nhiều chuyện kỳ thú nhưng chẳng lẽ họ là vợ chồng? Đợi họ uống vài ly tôi sẽ hỏi. Ba người chúng tôi chạm ly. Tôi nhìn chằm chằm vào anh mù, thi thoảng lại liếc qua mặt chị cụt tay.

Bao nhiêu ký ức lại quay về. Tôi nhớ quê hương mình qua mùi hoa chanh tháng giêng, ổi găng chín thơm tháng tám. Nhớ cây gạo như ngọn hải đăng ở đầu làng, nở hoa đỏ chói một góc trời quê mỗi dịp tháng ba. Nhớ những bạn bè thuở chăn trâu, cắt cỏ.

Quê hương là những câu chuyện kể của bà, những người làng chân chất. Có cả những vụ dân làng giết nhau. Đó là thứ tôi không muốn nhớ. Nhưng hình ảnh người ta bị pháp y mổ banh ra từng bộ phận, tôi không thể nào quên. Giờ là nhà văn, tôi như sử quan của làng, bao nhiêu ký ức tuôn ra khi tôi cầm bút chép lại.

Tôi gọi thêm món cơm chiên cá mặn. Chị cụt tay lấy thìa múc cơm bỏ vào chén anh mù. Tôi hỏi chị cụt tay có nhớ tôi không? Chị bảo không thể nhớ. Tôi hỏi chị là Phượng, em chị Hoàng, phải không. Chị nâng ly uống một hơi, xong gật đầu. Tôi hỏi anh mù, có phải anh là anh Thái phải không. Anh gật. Khi anh chị đến tuổi dựng vợ gả chồng tôi mới lên năm. Nhưng tôi không quên những gì thuộc về tuổi thơ, bắt dế mèn, đuổi bướm, kể cả cái nốt ruồi đen dưới mắt chị Phượng, người có nốt ruồi dưới tuyến lệ là suốt đời buồn đau. Tôi bảo anh Thái đàn, chị Phượng hát một bản, bản nhạc vàng có tên "Đêm vũ trường". Tôi ngà ngà say, ngồi im nghe hai người hát, giọng chị Phượng khê khê, khàn khàn, buồn bã.

***

Phượng và Hoàng là chị em sinh đôi. Họ giống nhau như hai giọt nước. Chỉ nốt ruồi dưới tuyến lệ chị Phượng mới phân biệt được. Anh Hân là giáo viên cấp 1, anh dạy tôi năm lớp 1, năm thứ 2 tôi không còn học với anh nữa, vì anh đã chết. Nếu anh không chết chắc cũng nhận án tử hình. Về cái chết của anh có nhiều giai thoại, người làng bảo, gia đình anh đã nhờ người quen để anh được chết. Anh đã can đảm mổ bụng mình, rồi moi ruột, dùng dao cắt trước mặt dân làng.

Lúc còn nhỏ, mẹ tôi hay sai tôi đi đòi nợ. Mẹ bán hàng xén, nhiều người làng thiếu nợ lặt vặt. Nhà anh Hân cũng là nơi tôi đến đòi nợ mỗi ngày. Nhưng mẹ anh Hân khất lần khất lữa.

Mẹ anh Hân, tức bà giáo Hân, nợ nần cả làng. Họ ở trong căn nhà cổ, nghe nói là nhà đại khoa đã dựng ba trăm năm nay. Mỗi buổi chiều đến, tôi cứ ngồi ở ngạch cửa, ngồi đến khi trời chập choạng tối tôi lại về, tôi luôn nhận được lời hứa ngày mai nhưng cái ngày mai đó chưa bao giờ tới. Cho đến khi anh Hân mất đi, tôi không đến đòi nữa, mẹ tôi bảo đó là số tiền phúng điếu, khỏi đòi.

Chị Phượng với chị Hoàng ở tuổi cập kê khá là kháu gái. Bố của hai chị đã có bằng diplôme thời Pháp, ông không làm gì cả, suốt ngày đọc sách tiếng Pháp, ông không bạn với ai ngoài những người bạn thời đi học, họ gặp nhau uống rượu, lúc ngà ngà họ hay nói tiếng Pháp với nhau. Bà giáo Hân cũng nợ của mẹ chị Phượng một món tiền khá lớn. Anh Hân tuy làm giáo viên cấp 1 nhưng tiền lương không đủ tiêu, anh có nghề tay trái là buôn mật mía và cau khô. Anh Hân có cảm tình với chị Hoàng. Hai anh chị cũng ưng nhau. Mẹ chị Hoàng nói với anh Hân, hãy trả hết đi, bà sẽ gả chị Hoàng cho. Thật ra món nợ này là của mẹ anh Hân, chứ không phải anh Hân.

Anh Hân ngoài dạy học, còn siêng năng buôn bán, vay nợ người này người kia. Anh bán đi cả hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng. Đến bộ cánh cửa bằng gỗ tếch chạm trổ cầu kỳ anh kêu lái bán nốt. Cuối cùng cũng xong món nợ với mẹ chị Phượng, Hoàng.

Anh Hân vui sướng, chuẩn bị lễ bỏ trầu lấy chị Hoàng. Nhưng việc không thành.

Mẹ chị Hoàng trở mặt, bảo cho chị Hoàng đi miền Nam, giấu kế hoạch đi Nam với anh Hân. Không hiểu sao anh lại biết được. Anh Hân uống rượu thật say, nhưng anh càng uống càng tỉnh. Anh không thể quên được chị Hoàng, đời này không lấy được chị Hoàng coi như vô nghĩa.

Một buổi tối nọ anh Hân lên nhà mẹ chị Hoàng, Phượng chơi, anh mặc cái áo thùng thình như có giấu vật gì đó trong bụng.

Anh Hân thấy Phượng liền vung dao chặt tay chị. Chị Phượng gục xuống lăn lộn trên đất. Và mười tám phát dao trên người chị Hoàng. Rồi anh Hân tự rạch bụng mình, gục xuống trên vũng máu...

Tôi tự hỏi mình rằng: "Sao anh Hân yêu chị Hoàng thế mà nỡ lòng giết chị Hoàng?". Còn chuyện chặt tay chị Phượng, thì đấy là sự nhầm lẫn, anh Hân tưởng chị Phượng là Hoàng, cho tới khi nhận thấy nốt ruồi tuyến lệ.

Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng tôi luôn bị ám ảnh. Bởi tôi chứng kiến pháp y mổ tử thi chị Hoàng, đầy ám thị.

Tại sao một người như anh Hân, ăn ở rất hiền lành, nhưng khi phát hiện người ta lừa mình đã lên máu giết người và tự sát? Mãi mãi tôi không hiểu được.

Câu chuyện này đi theo tôi bao nhiêu tháng năm, hôm nay tôi kể lại, tôi muốn đọc một bài chú đại bi cho cả hai linh hồn siêu thoát.

Có người nghe chú đại bi thì bảo những từ trong kinh không ý nghĩa gì hết.

Tôi nghe một nhà sư nói, không quan trọng hiểu hay không hiểu, bởi pháp không hình không tướng mà pháp ở mọi nơi, pháp không trừ cái gì.

***

Quay lại bàn nhậu, tôi gọi chị Phượng ơi, chị ngạc nhiên hỏi sao anh biết tên tôi. Tôi kể một hồi về các mối quan hệ họ hàng ở làng thì chị hiểu ra.

Anh Thái trước kia sống nhà đối diện anh Hân, anh hay đi lang thang bán tiếng đàn bầu khất thực. Đám con nít chúng tôi hay trêu anh Thái, đưa cho anh ta tấm ảnh và bảo, ảnh bạn gái anh đây, xem có đẹp không, bọn em mai mối cho. Anh để sát mắt, nhướng mày lên xem, rồi bảo, đẹp lắm, đẹp như mỹ nhân. Anh mang đi khoe hàng xóm. Chúng tôi còn nhỏ, hay nghịch ngợm, không biết làm thế sẽ tổn thương người khác.

Mỗi lần đến nhà anh Hân đòi nợ, chị Phượng đều nán lại trước hàng rào dâm bụt nhà anh Thái để nghe tiếng đàn, đôi khi chị còn hát phụ họa theo. Giọng chị buồn và tha thiết hát "con nhện giăng mùng" khiến anh Thái vô cùng cảm động. Bọn con nít chúng tôi kháo nhau rằng chị Phượng mê anh Thái. Bà mẹ chị Phượng biết được, đánh cho chị Phượng một trận thừa sống thiếu chết. Bà chỉ vào bụng chị và bảo: Nó mà phình ra là cạo đầu bôi vôi trôi sông. Đàn bầu ai đánh nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Mẹ chị Phượng mỗi lần thấy anh Thái liền bĩu môi: Cóc ghẻ mà đòi ăn thịt thiên nga.

Nhưng rồi như định mệnh. Ông trời khéo xe duyên cho anh Thái mù lấy chị Phượng cụt tay. Chị không làm gì nên tội mà bị cụt tay. Nhưng chị chính là mắt cho anh. Anh đánh đàn kiếm tiền nuôi cả hai người.

Nếu một ngày trên đường bạn gặp một cặp như thế, có lẽ là anh Thái, chị Phượng.

Đời này run rủi, những số phận không may cưu mang nhau sao cho đi hết đoạn đời còn lại.

Thôi thì, nhân sinh như mộng. 

Trần gian này, dường như chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Đây là một câu chuyện có thật. Tác giả bảo thế. Nhưng việc chuyện có thật hay không thật, có lẽ cũng không mấy quan trọng, bởi bản chất của văn chương là hư cấu, là mang lại cho người đọc những cảm xúc thật.

11-chan-dung

Thì đây là câu chuyện mang lại nhiều cảm xúc. Dù tác giả cố tình tiết chế, giọng văn lạnh và câu văn thì ngắn. Nhưng cảm xúc như dồn nén bên trong. Phượng là một nhân vật tưởng chừng rất phụ lại trở thành nhân vật chính. Một người tưởng không liên lụy gì bỗng dưng bị chặt cụt tay, để rồi đời chị gắn với anh Thái mù - nhạc sĩ lang thang.

Cứ như thế họ trôi vào dòng đời để buông lời ca tiếng hát mua vui cho thập loại chúng sinh.

Truyện buồn, nghẹn ngào. Nhưng cũng ấm áp và nhẹ nhàng như lẽ vô thường.

Trần Nhã Thụy

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Hai người hát rong - Ảnh 4.
Hai người hát rong - Ảnh 5.
Hai người hát rong - Ảnh 6.
Hai người hát rong - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo