Một bà mang bầu gần 9 tháng vẫn cưỡi xe máy đưa đón con tới trường rồi lao ra phim trường hò hét dàn dựng, xong lại nhốt mình trong phòng hậu kỳ theo dõi những khâu cuối cùng trước khi đi sinh. Đó là hình ảnh Hạnh Thúy cách đây 5 năm làm tôi ấn tượng mãi đến giờ. Không biết cô lấy đâu ra sức lực và nghị lực trong con người vốn mảnh mai như thế.
Đẹp trong từng nhân vật
Cách đây mười mấy năm, khi đi xem tấu hài, thấy Hạnh Thúy bước ra sàn diễn, tôi buột miệng: "Trời đất ơi, con nhỏ nào mà ốm nhách như cây củi!". Lúc đó, Hạnh Thúy mặc áo tứ thân nhưng hỡi ôi, áo đi đằng áo, người đi đằng người. Gương mặt thì xương xẩu với 2 con mắt rất to. Nói thật, lúc đó tôi không tin cô gái này sẽ thoát khỏi "kiếp" tấu hài để bước lên sân khấu kịch và trở thành minh tinh màn bạc.
Thế mà, 10 năm sau, Hạnh Thúy đã có mặt trong gần 40 bộ phim, hơn chục vở kịch, một huy chương bạc cho vở "Dòng nhớ", một giải Cánh diều vàng Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai Ba Thuận trong phim truyện nhựa "Sống trong sợ hãi" của Bùi Thạc Chuyên và thêm một ấn tượng nữa trong phim "Vịt kêu đồng". Chị Sáu Bé, người phụ nữ vùng sông nước làm vợ một ông chăn vịt đồng, quanh năm du mục trên chiếc ghe và cắm sào trên từng bến bãi quạnh hiu của đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc áo bà ba vải thô nâu sẫm cũng buồn như đời chị, cam chịu kiếp nông dân nghèo, không mảnh đất cắm dùi, nhìn nước, nhìn trời mà mơ về cuộc sống bình yên. Còn với vai Thà trong kịch "Dòng nhớ", người đàn bà mỗi năm lại lặng lẽ chèo ghe về đậu nơi bến sông xưa, lặng lẽ dõi theo hạnh phúc của cố nhân, leo lét ngọn đèn dầu với nỗi lòng như hóa đá…
Hạnh Thúy và Thanh Tuấn trong vở “Trời trao của lạ” tại Sân khấu 5B
Gương mặt Hạnh Thúy khi ấy lại trở nên rất đẹp - cái đẹp của nhân vật. Một gương mặt rất điện ảnh và có thể hóa thân thành đủ loại vai: hiền lành, nanh nọc, chất phác, cam chịu, lẳng lơ, hài hước, bản lĩnh… Một gương mặt mà đạo diễn và khán giả thì mê nhưng khổ thay, có mấy cô gái trẻ lên Facebook nói thiệt tình: "Sao hổng đẹp". Tôi bèn hỏi: "Hạnh Thúy nè, em có nghĩ mình đẹp hay không mà dám bước vào cái nghề đòi hỏi thanh sắc khốc liệt như vầy?". Cô cười ha ha: "Trời, hồi đó em nghĩ là em đẹp mới chết chứ! Cho nên, em mới lên thành phố thi làm diễn viên".
Hạnh Thúy nhớ lại: "Thật ra, hồi còn ở dưới quê, đám con trai cứ tới nhà em liên tục, lại còn mang đồ ăn đến cho nữa, thành ra em nghĩ mình đẹp thiệt. Vì vậy, em hớn hở nộp đơn vô trường sân khấu. Đi thi mà không biết trường có mấy khoa, không biết nội dung thi, chỉ nghĩ đơn giản mình không biết hát cải lương, không biết nhảy múa, thôi thì vô kịch nói. Chừng đậu rồi, thầy Minh Nhí - chủ nhiệm - bước vô lớp, quét mắt qua một lượt, hét lên: "Trời ơi, nhớ là tao lựa kỹ lắm mà sao nhìn lại tụi bay xấu như cú vậy!". Thế là thầy bắt tụi em trang điểm mỗi ngày đi học. Mấy đứa hùn tiền nhau ra chợ mua cây son đỏ lét quệt vô môi, thầy nhìn muốn xỉu. Nhắc chuyện xưa để thấy hồi đó tụi em rất ngây thơ. Mà nói thật, lúc đó đứa nào cũng quá nghèo, tự bươn chải lo cho mình, không dám xin tiền cha mẹ nên ăn uống cầm hơi, quần áo đẹp cũng không có, ốm và xấu như con ma. Vậy mà vẫn sống chết với nghề. Rồi dần dần hiểu ra rằng cái đẹp nhân vật còn quan trọng hơn, phải nỗ lực rèn luyện. À, mà hình như bây giờ nhìn cũng không đến nỗi, cũng đèm đẹp chứ bộ!".
Hạnh Thúy dí dỏm y như giọng văn của cô trên Facebook, ai đọc sẽ cười lăn ra. Bây giờ Hạnh Thúy đẹp thiệt rồi, mặt đầy đặn hơn, người cân đối, lên sân khấu sáng trưng. Nhưng nếu cần vai khắc khổ, già nua thì cũng dễ, chỉ quệt vài đường chì là ra. Hạnh Thúy không hề sợ xấu, giao vai gì cô cũng "chơi tới bến".
Chiều sâu và nghị lực
Lẫn trong cái duyên hài là một chiều sâu trí tuệ và tâm hồn nhờ mê đọc sách, từ sách mà bước ra một "Dòng nhớ" thăm thẳm nỗi niềm của Nguyễn Ngọc Tư. "Dòng nhớ" là một điểm son của Hạnh Thúy, cô chuyển thể ngọt vô cùng, cũng chính cô là đạo diễn. Trong không gian rất thật của miền sông nước Nam Bộ vẫn thấy nét hiện đại, cách điệu, không rơi vào kiểu tả thực cũ mòn mà một số vở bi kịch thường mắc phải, cũng không thấy gào thét để cường điệu nỗi buồn. Nó cứ lặng lặng mà đau, cứ ẩn ẩn mà thấm. Hình như người sao văn vậy! Hạnh Thúy đã bộc lộ mình trong "Dòng nhớ" - một kiểu nghị lực không ồn ào, cứ nén mình chịu đựng và cao lớn từng ngày, cao lớn tự lúc nào không rõ.
Hạnh Thuý và Quang Thảo trong vở “Đàn ông ơi anh là ai” tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Rời sân khấu, về tới nhà là Hạnh Thúy lại trở thành một người mẹ nghị lực. Người mẹ 15 năm đi tìm lại thính lực cho con, dù phải chảy bao nhiêu nước mắt cũng quyết không đầu hàng. Và niềm hạnh phúc đã tới, con gái cô đã hết bệnh, vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Còn cái bầu lúc cô làm đạo diễn phim "Bụi trần phiêu phiêu" thì nay đã thành cô bé 5 tuổi.
Hạnh Thúy "tả xung hữu đột" từ nhà ra sàn diễn lo cho tác phẩm lẫn con cái của mình. Rảnh chút nào, cô lại lên Facebook quan tâm xã hội, viết nhiều bài với giọng văn rất hay hoặc làm gương bảo vệ môi trường bằng cách xài túi vải thay cho túi nhựa. Hạnh Thúy không bỏ lỡ chuyện nhỏ xíu nào nếu nó đóng góp cho cuộc đời tươi đẹp. Cô tự chủ mọi thứ, không chờ đợi, dựa dẫm vào ai, sợ làm phiền người ta, sợ người ta coi thường mình. Người đàn bà ấy mềm mại, nữ tính nhưng vẫn gai góc, cứng cỏi, bởi cô biết mình không thể làm một "công chúa" thì thôi, cứ làm một "siêu nhân" cho xong, theo cái nghĩa là gánh hết mọi nhọc nhằn cho người thân của mình sung sướng.
Bình luận (0)