Trình diễn hát Xoan Phú Thọ
Vào 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8 – 12 , tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản hát xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, hát Xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Hát xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Những người lưu giữ và thực hành hình thành nên bốn phường xoan, trong đó, trùm nam và nữ đóng vai trò quan trọng nhất: họ giữ gìn các bài hát, lựa chọn đệ tử, truyền dạy phong cách hát và các tiết mục và tổ chức thực hành. Họ cũng tích cực giới thiệu và giảng dạy hát xoan tại các phường xoan và trong các câu lạc bộ. Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, hát xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hoá, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau.
Đoàn Việt Nam khi UNESCO công nhận hát xoan là Di sản Văn hoá phi vât thể của nhân loại
Thông thường, nghệ thuật hát xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ bao gồm ba chặng: Hát thờ (tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), hát nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), hát hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn, được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng sở tại và các đào, kép của phường xoan...).
Trước đó, với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, ngày 24-11-2011, UNESCO đã chính thức ghi danh hát xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
Bình luận (0)