Trong lúc thị trường nhạc Việt đang dần có bản sắc riêng, tiếp thu mạnh mẽ làn sóng K-pop cũng như những trào lưu từ làng nhạc Âu - Mỹ thì có một "cơn gió lạ" mang tên SGO48 với phong cách J-pop (âm nhạc đại chúng Nhật Bản) đầy mới mẻ và lạ lẫm hình thành ở Việt Nam. Ra mắt từ năm 2018 nhưng đến nay, SGO48 mới có MV (video ca nhạc) đầu tay và phản ứng của cư dân mạng Việt Nam trước sản phẩm này rất chia rẽ.
Xa lạ với khán giả số đông
Sau 3 ngày ra mắt, MV "Heavy Rotation" đã có gần 1,9 triệu lượt xem, một con số tương đối ấn tượng với một nhóm nhạc tân binh hoạt động theo mô hình rất mới mẻ như thế này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là việc lượng dislike của "Heavy Rotation" hiện đang bằng 1/8 lượt like (4.500 dislikes so với 36.000 likes). Điều này chứng tỏ có một lượng lớn khán giả vẫn chưa đón nhận các cô gái SGO48 và phong cách âm nhạc này. Lý giải vấn đề này không quá khó hiểu: phong cách "nữ sinh trung học" có phần sặc sỡ, nhí nhảnh và trẻ con này quả thực không phải thị hiếu hiện tại của khán giả Việt Nam, phần âm nhạc được phổ lời Việt từ một ca khúc Nhật lại càng không phải dòng nhạc mà công chúng ai cũng có thể dễ nghe. Bên cạnh đó, phương thức hoạt động của SGO48 vẫn quá xa lạ với người Việt Nam nên dễ dẫn đến những phản ứng chưa tích cực.
Nhóm nhạc thần tượng SGO48. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Cùng với SGO48, nhóm P336 được nhắc đến nhiều nhất hiện nay, cả hai được xem là soán ngôi những nhóm nhạc thần tượng trước đó được xây dựng theo mô hình Hàn Quốc như: Uni5, Monstar, Lime hay Lip B. Dù Uni5 hoạt động khá tích cực từ ngày ra mắt nhưng khán giả lại thấy nhóm giậm chân tại chỗ vì quá an toàn với hình tượng âm nhạc của họ. Khán giả vốn mong nhóm Uni5 bùng nổ nhưng nhóm này nhất quyết không thoát ra khỏi vòng an toàn của mình.
Trong khi đó, được đánh giá cao và cũng là nhóm nhạc có mô hình thần tượng kiểu Hàn Quốc gặt hái được thành công đáng kể nhưng Monstar lại thiếu những bản hit (ăn khách) đình đám đủ để tạo nên vị thế vững chãi cho mình.
Khi mới thành lập vào tháng 5-2015, Lime được kỳ vọng sẽ trở thành "nhóm nhạc nữ quốc dân" bởi được đào tạo theo mô hình nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc, hội tụ đủ các yếu tố ngoại hình, khả năng ca hát, rap, vũ đạo. Tuy nhiên, trong 4 năm hoạt động, nhóm này vẫn chưa thể gây tiếng vang đủ lớn, kèm thêm việc phát hành MV thưa thớt, dẫn đến không đủ duy trì độ nóng. Cộng thêm việc hoạt động cầm chừng trong thời điểm hiện tại và sự ra đi liên tiếp của các thành viên, Lime đã chính thức tuyên bố tan rã, để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khán giả.
Thay đổi thành viên liên tục, Lip B nhiều lần đứng trước nguy cơ tan rã. Đến nay, Lip B vẫn là "girl group" hoàn toàn mờ nhạt dù từng rất được yêu thích và đã rất cố gắng.
Thần tượng thường ngắn ngủi
Một trong những nhóm nhạc đầu tiên có thể xem như thần tượng là Mắt Ngọc, hoạt động không nghỉ trong 20 năm. Mắt Ngọc là nhóm nhạc rất nổi tiếng ở Việt Nam ngay những năm đầu thập niên 2000, là "khoảng trời tuổi thơ" của nhiều khán giả, chính thức ra mắt vào năm 2001, gồm 4 thành viên: Thanh Ngọc, Ngô Quỳnh Anh, Duy Uyên và Thúy Nga với album Vol.1 đầu tay "Mặt trời trước biển". Các thành viên đều là những giọng ca tiềm năng đến từ đội ca của Nhà Thiếu nhi TP HCM với những ưu thế: giọng hát khá, ngoại hình xinh xắn dễ thương, khả năng trình diễn tốt cùng vũ đạo giỏi. Từng là nhóm hát thần tượng một thời nhưng Mắt Ngọc không còn là nhóm nhạc được mong đợi ở nhiều sân khấu hiện nay. Bởi lẽ, khán giả ngày nay đã có những thần tượng phù hợp với chuẩn mực của họ hơn.
Đây cũng chính là tình trạng chung của nhiều nhóm nhạc từng nổi tiếng trước đây như Mây Trắng, thậm chí là nhóm nhạc vẫn đang còn phong độ như MTV. Thiên Vương (thành viên nhóm MTV) thừa nhận: "Không thể theo kịp những bạn trẻ bây giờ cả về sức đầu tư lẫn tư duy âm nhạc và sự nhạy bén về xu hướng. Nếu muốn tồn tại, MTV phải đi con đường hoàn toàn khác. Nhưng để tìm được con đường khác biệt cũng là một vấn đề lớn chưa có lời giải. Sự tồn tại của MTV hiện tại không dễ. Vậy nên, đôi lúc MTV cũng phải chấp nhận đi được đến đâu hay đến đó mà thôi".
Không thể phủ nhận thực tế là khi đã đi qua thời kỳ đỉnh cao, việc duy trì danh tiếng là điều mỗi nhóm phải chật vật đối mặt. Họ chỉ dựa vào một số hoạt động như đi tour lưu diễn hoặc các thành viên có thể tự duy trì hoạt động cá nhân. Nhưng phần lớn các thành viên của nhóm nhạc thần tượng đã chọn cho mình một công việc khác để sinh nhai, thậm chí còn không liên quan đến hoạt động giải trí như bán hàng online, kế toán, nhân viên văn phòng, mở shop…
Ngành giải trí là môi trường khắc nghiệt với tốc độ đào thải nhanh. Thần tượng là cảm tính. Tình cảm của khán giả vì thế nhanh chóng thay đổi theo thời gian. Nhất là trong giai đoạn khó khăn của thị trường biểu diễn như hiện nay, việc trở thành nhóm nhạc thần tượng đã khó, giữ được lâu bền càng khó hơn.
Nhanh chóng bị lãng quên
Điểm chung của các nhóm nhạc thần tượng chính là không ngừng thay đổi phong cách của mình, trở thành một mảnh ghép đa năng, đáp ứng thị hiếu thưởng thức của công chúng. Họ chính là những người chiều khán giả nhất, khi ở sân khấu nào, họ cũng biến đổi bản thân cho phù hợp thị hiếu người nghe. Nhưng chính vì cái gì cũng biết, họ lại không có những điểm nhấn đặc trưng, thứ giúp cho một nhóm nhạc định hình lâu dài. Độ nổi tiếng của một nhóm nhạc ở thời kỳ phong độ tốt chủ yếu dựa trên tần suất xuất hiện trên truyền thông cũng như số lượng hợp đồng quảng cáo của cả nhóm hoặc một vài thành viên. Đây là nguồn lợi lớn cũng như thước đo cho sự phổ biến của họ. Thực tế cho thấy khi đã đi qua thời kỳ đỉnh cao, việc duy trì danh tiếng hết sức áp lực với họ, bởi dễ bị công chúng lãng quên.
Bình luận (0)