"Gang of Five" khoảng năm 1993. (Ảnh do Gerhard Jörén chụp)
Nhóm 5 họa sĩ đến từ miền Bắc xuất hiện tại triển lãm "Lạc bước tân kỳ" (diễn ra ở Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory TP HCM, từ ngày 20-7 đến 20-9). Dự án nghệ thuật do giám tuyển Lê Thuận Uyên thực hiện, khảo sát thực hành kéo dài hơn 3 thập kỷ của 5 họa sĩ gạo cội (Gang of Five) đến từ miền Bắc: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh.
Đa dạng tư liệu lịch sử sống động
Với gần 40 tác phẩm hội họa và đa dạng tư liệu lịch sử sống động (bao gồm chuỗi các bài bình luận và phỏng vấn, hình ảnh tài liệu, sổ cảm tưởng, 2 phim tư liệu ngắn và một dòng thời gian lần theo sự ra đời, phát triển của nhóm 5 họa sĩ), "Lạc bước tân kỳ" là một trong số ít triển lãm được tổ chức tại Việt Nam khảo sát thực hành và đời sống của nghệ sĩ thế kỷ XX mang tính bao quát và chuyên sâu.
Triển lãm không chỉ giới thiệu 5 gương mặt nghệ sĩ với khán giả TP HCM và nhìn nhận lại vị trí của nhóm trong giai đoạn mỹ thuật Việt Nam sau thời kỳ đổi mới mà còn cung cấp cơ hội để người xem tham quan và nghiên cứu khung cảnh nghệ thuật thời bấy giờ - một phần lịch sử nghệ thuật nước nhà mang đầy nội lực và biến chuyển.
Tác phẩm "Artist and Model" của Phạm Quang Vinh. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Người yêu nghệ thuật Việt Nam không còn xa lạ với 5 cái tên của "Gang of Five", giữ vị trí rất đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời kỳ sau đổi mới. Nhiều năm, họa sĩ Phạm Quang Vinh làm công tác quản lý, trở thành Giám đốc NXB Kim Đồng; Trần Lương viết phê bình mỹ thuật, là một curator (giám tuyển) thượng hạng, một quý ông tự do mở đường cho nghệ thuật trình diễn; Đặng Xuân Hòa không ngừng sáng tạo, tìm tòi, luôn đúng nghĩa là một thủ lĩnh của hội họa đương đại.
"Sun Reflection" của Trần Lương. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Tranh Đặng Xuân Hoà – "A New Morning". (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Tác phẩm" Village Tree" của Hồng Việt Dũng. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Tranh của Hồng Việt Dũng từng "phá giá" gần 650% - đây là từ mà giới buôn bán nghệ thuật dùng để diễn tả một bất ngờ trong phiên đấu giá, khi một tác phẩm nào đó tăng giá ngoài dự đoán. Đó là trường hợp đã xảy ra với bức "Con đường phía trước" của Hồng Việt Dũng, trong phiên đấu giá Modern & Contemporary Art năm 2013 của nhà Larasati (Singapore).
Tác phẩm "A World" của Hà Trí Hiếu. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Về tranh của Hà Trí Hiếu, Susan Lecht, Giám đốc Art Vietnam Gallery, nói: "Từ những bức tranh phong cảnh làng quê với con trâu và cô thôn nữ, họa sĩ đã dần phát triển phong cách sáng tác của riêng mình với cách nhìn đa diện. Đường nét vững vàng, chín chắn, đề tài mới mẻ thể hiện những góc nhìn vừa sâu rộng, lại có sức hấp dẫn của một nghệ sĩ đi tìm vẻ đẹp chân thật trong những phức tạp và biến đổi của cuộc sống". Cũng là phong cảnh Việt Nam nhưng tranh Hà Trí Hiếu không phải tính "dân gian mới" dễ dãi, không phải sự hoài cổ lãng mạn nhàm chán, hội họa của ông là một ánh xạ của tâm thức, tình cảm và nhân cách của một thế hệ về với truyền thống dân tộc, với nội giới cá nhân và hội nhập hội họa hiện đại.
Thoát khỏi ràng buộc và bó hẹp
Hoạt động của nhóm 5 họa sĩ gạo cội hình thành vào nửa sau thập niên 1980, trưởng thành và phát triển thực hành nghệ thuật trong giai đoạn chuyển giao sang một chương mới của lịch sử. Đây là giai đoạn các họa sĩ bắt đầu gỡ bỏ những ràng buộc của nghệ thuật dòng chính đã không còn thích ứng được với nhu cầu của xã hội, những thứ đã bó hẹp mỹ thuật Việt Nam trong không gian tư tưởng và địa lý chật hẹp.
Nghệ thuật của "Gang of Five" mang nét táo bạo, với biểu hình đa dạng hơn, cái nhìn cá nhân hơn. Thông qua nỗ lực thử nghiệm với các dạng thức biểu đạt thẩm mỹ khác nhau mà nổi trội là bán trừu tượng và trường phái biểu hiện; nhìn nhận lại những hiểu biết và giảng dạy phổ thông về hội họa; tái hiện sự vật, hiện tượng dựa trên cảm xúc và quan điểm cá nhân chứ không chỉ từ những hiện thực nhìn thấy; xoáy sâu khắc họa chủ đề tâm lý con người và đời thường chứ không phải tái tạo một thế giới được tô hồng, tác phẩm của "Gang of Five" dường như bắt đầu cái quyền được lãng mạn. Tuy vậy, yếu tố "tân kỳ" của họ không chỉ toàn cái mới, mà phía sâu bên dưới vẻ bề ngoài biến đổi không ngừng kia còn chất chứa trĩu nặng cả những giá trị, những thái độ, hành vi và những tư duy cũ. Đằng sau cánh cửa của vô vàn những cơ hội lại là không ít những ẩn số, bất trắc/những va chạm, mâu thuẫn về phương thức, về quan điểm thực hành.
Việt Nam, cụ thể hơn là Hà Nội những năm cuối 1980 đầu 1990 mang một đời sống vô cùng đặc biệt, được định hình bởi không gian xã hội, điều kiện kinh tế thay đổi không ngừng. Đây là giai đoạn bản lề chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Rất nhiều kỷ niệm, ký ức, dấu ấn còn lưu lại trong tâm thức của người dân Việt Nam về giai đoạn này. Sự trăn trở của các họa sĩ gạo cội - nghệ thuật đến từ trái tim - đã góp phần tạo dựng lại khá hoàn chỉnh khung cảnh nghệ thuật ở miền Bắc thời kỳ hậu đổi mới, về tình bạn giữa 5 người với nhau cũng như với các bạn bè đồng nghiệp 2 miền và những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc về chuyện đời, chuyện nghề. Người thưởng thức sẽ tìm thấy những hy vọng và giấc mơ của các họa sĩ Việt mạnh mẽ và đầy bản sắc.
Bình luận (0)