Trong thông cáo, Hiệp hội Phát hành - Phổ biến phim cho biết những năm gần đây, doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 65% thị phần rạp chiếu phim và gần 70% thị phần phát hành phim. Trong đó, Công ty TNHH CJ CGV (CGV) là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật Điện ảnh và Cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. CGV là doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO), do vậy chỉ được phép kinh doanh trong một số lĩnh vực hạn chế đã đăng ký, trong đó không được phát hành phim Việt Nam.
CGV tiếp tục bị "tố" chèn ép doanh nghiệp Việt
Sau khi xem xét giấy phép của CGV, các luật sư cho rằng có biểu hiện rõ ràng về việc CGV có hành vi kinh doanh trái phép, không đúng với giấy phép kinh doanh hạn chế đã có để thu lợi bất chính lớn trong một thời gian dài. Ước tính doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết quý III/2017 là 881,6 tỉ đồng.
Trong nhiều năm nay, CGV bị cáo buộc có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để chèn ép các doanh nghiệp khác. Cụ thể, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp khác, CGV đòi tỉ lệ phân chia doanh thu cao. Trong khi đó, đối với phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành tại rạp của CGV, CGV lại yêu cầu tỉ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành. Như vậy, trong khi CGV hưởng lợi từ cả hai mảng rạp chiếu và phát hành, các doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt lợi nhuận và dần không còn đủ sức đầu tư, cạnh tranh trên thị trường.
"Bằng cách thức như trên, thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam gia tăng nhanh chóng, ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, việc CGV chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường phát hành phim Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai gần" – thông cáo nhấn mạnh.
Hiệp hội cho rằng một doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu ngang nhiên kinh doanh trái phép, thu lợi bất chính lớn trong thời gian dài để chiếm lĩnh đến 61% thị trường mà không bị xử lý sẽ ảnh hưởng đến kỷ cương phép nước, tạo tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu không xử lý quyết liệt, các công cụ pháp luật đặt ra để bảo vệ một số ngành sản xuất - kinh doanh trong nước, cụ thể trong trường hợp này là ngành điện ảnh, cũng như các cam kết quốc tế của nước ta, sẽ không được thực hiện.
Đồng thời, mục tiêu phát triển ngành điện ảnh Việt Nam mà Chính phủ đặt ra theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ) khó có thể đạt được.
Quan trọng hơn, việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường phim Việt Nam, quyết định phim nào được đến với công chúng, về lâu dài sẽ tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với bản sắc văn hoá và sự phát triển lành mạnh của các thế hệ người Việt trong tương lai.
"Cần khẳng định, hiệp hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các nhà đầu tư nước ngoài tôn trọng pháp luật, không xâm hại đến môi trường tự nhiên, môi trường văn hoá – xã hội và môi trường kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý hữu quan thực hiện các biện pháp cần thiết để chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị cần bổ sung sửa đổi các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Điện ảnh, Luật Đầu tư... để ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi lũng đoạn thị trường, độc quyền hoá trong lĩnh vực điện ảnh, cũng như bổ sung các chính sách cụ thể để bảo vệ sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam..." – hiệp hội nhấn mạnh trong thông cáo.
Đây không phải lần đầu CGV gặp phải những tố cáo tương tự, năm 2016, họ từng bị 8 nhà sản xuất, phát hành phim trong nước: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA khiếu nại với Hiệp hội Điện ảnh về việc ăn chia thiếu công bằng, bất hợp lý tại các cụm rạp của mình.
Phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" được xem là điểm nhấn trong vụ "tố" CGV năm 2016
Theo đó, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Trong khi đó, phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (chủ phim chỉ hưởng 45%). Các đơn vị cho rằng tỉ lệ này chưa từng có trên thế giới, hệ thống rạp phim nhận lợi lớn trong khi nhà sản xuất, phát hành bỏ nhiều chi phí để sản xuất, quảng bá lại nhận phần trăm thấp hơn. Các doanh nghiệp cũng khiếu nại CGV ủng hộ các phim do chính nước họ (Hàn Quốc) sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn.
CGV ngay sau đó cũng đưa ra thông cáo phản bác. Vụ việc chìm dần, không có hướng giải quyết hay thông tin mới nào được đưa ra.
Hiệp hội Phát hành - Phổ biến phim Việt Nam sau đó cũng gửi thông cáo khẳng định việc CGV chèn ép các doanh nghiệp về tỉ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là vấn đề có thật và khẳng định vụ việc phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" là giọt nước tràn ly. Tuy nhiên, vụ việc cũng không có thông tin tiếp diễn.
Bình luận (0)