Ngày 30-4-1975 trong ký ức của NSND Kim Cương, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Minh Vương là một cuộc đổi đời với niềm vui sướng của người làm nghệ thuật.
NSND KIM CƯƠNG: "Dâng trào niềm xúc động"
Trong dòng hồi ức của NSND Kim Cương, bà nhớ như in cảm xúc của mình: "Cùng với niềm vui lớn của cả nước và của nhân dân thành phố, giới nghệ sĩ sân khấu đã tìm được con đường hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp, xóa đi những tháng năm dài u ám".
Rồi bà tiếp: "Trước ngày đó, rất nhiều cuộc điện thoại của anh chị em nghệ sĩ báo cho tôi biết có nhiều nghệ sĩ đã quyết định ra đi. Hai chữ di tản được nhắc đến nhiều nhất. Có người đã rủ tôi cùng đi, gieo vào tôi những suy nghĩ không tốt. Nhưng tôi quyết định ở lại. Bởi trên hết vẫn là vì gia đình tôi sống với sân khấu bao đời qua. Tôi nhớ ngày 30-4-1975, khi biết tin Sài Gòn giải phóng, đông đảo nghệ sĩ, soạn giả, những người của ngành sân khấu cùng đổ về đường Nguyễn Du - trụ sở tạm thời của ngành văn nghệ. Họ cũng như tôi, quyết định ở lại"
NSND Kim Cương xúc động kể rằng bà nhớ nhà thơ Rum Bảo Việt, Ba Thành, soạn giả Mai Quân thuộc Ban Văn hóa L.71 (tức T.4 cũ) là những cán bộ tiếp quản trụ sở 218A Pasteur (nay là trụ sở của Hội Mỹ thuật TP HCM). Rồi họ xúc tiến việc tập hợp văn nghệ sĩ, nhất là giới nghệ sĩ sân khấu, để tổ chức biểu diễn.
"Tất cả những nghệ sĩ kỳ cựu của ngành sân khấu đều có mặt rất sớm như: Nam Sơn, Viễn Khách, Thu An, Huy Trường, Ngọc Linh, Vĩnh Điền, Hoa Phượng, Ngọc Hương, Thanh Nga, Hà Triều…Trong đó, má tôi (NSND Bảy Nam) với NSND Phùng Há là hai nghệ sĩ tiên phong trong việc cùng các cán bộ Ban Văn hóa L.71 tiếp thu những cơ sở vật chất, rạp hát, xưởng phim… Đồng thời, tôi cùng nhiều anh em đã lập danh sách nghệ sĩ, tiến hành những đợt cứu trợ cần thiết cho anh em nghệ sĩ trong giới, góp phần vào hoạt động để sàn diễn không ngưng quá lâu" - NSND Kim Cương kể và nhớ lại cảm xúc lúc ấy: "Chúng tôi rất vui khi các đoàn nghệ thuật từ chiến khu như: Đoàn Cải lương Giải Phóng, Đoàn Ca múa nhạc Quân Giải Phóng, Đoàn Văn Công T.4 "tay súng, tay đàn" tiến về Sài Gòn. Các đoàn nghệ thuật từ phía Bắc như: Ca múa nhạc Thủ Đô, Tổng cục Chính trị, Không quân, Hải quân, Ca múa nhạc Hải Phòng, Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đoàn Chuông vàng Thủ Đô… Tất cả đều dâng trào niềm xúc động".
NSND Kim Cương cho biết bấy giờ bà và mọi người chia nhau mỗi người một việc, lo liệu điểm diễn, tiếp tế nhiên liệu, tổ chức nơi ăn ở sinh hoạt. Đoàn kịch nói Kim Cương được tái hoạt động sớm nhất. Suốt mấy tháng sau đó, bà và các nghệ sĩ đã góp phần tạo được bầu không khí phấn khởi trong quần chúng qua việc tổ chức biểu diễn đủ các loại hình nghệ thuật. Thành ủy TP HCM thời đó đã thổi một luồng gió mới cho ngành sân khấu. Đoàn kịch nói Kim Cương diễn vở đầu tiên "Lá sầu riêng" trong tháng 8-1975 đã thu hút đông đảo người xem, trong đó có đông đảo giới văn nghệ sĩ của mọi miền đất nước.
NSND NGỌC GIÀU: "Nhiều niềm hạnh phúc"
Với NSND Ngọc Giàu, bà nhớ sau ngày 30-4-1975, Ban Văn hóa L.71 đã được đổi thành tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Thành ủy, do nhà thơ Rum Bảo Việt phụ trách. Soạn giả Mai Quân làm Trưởng Ban Sân khấu, bộ phận này trở thành Ty Sân khấu từ tháng 8-1975.
Thời đó, Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 do soạn giả Nguyễn Đạt làm trưởng đoàn, với sự chỉ đạo của các nghệ sĩ tiên phong như NSND Ba Vân, Năm Châu, Phùng Há… đã tập hợp các nghệ sĩ lại để trình diễn ba vở tuồng nổi tiếng: "Phụng Nghi Đình", "Sân khấu về khuya" và "Đời cô Lựu".
"Tôi quyết định ở lại dù lúc đó có nhiều người lôi kéo tôi, chỉ cần gật đầu là họ sẽ đưa tiền, vàng để tôi xuống tàu rời khỏi đất nước. Đời tôi đã có hai lần quyết định ở lại, đó là sau ngày 30-4-1975 và sự cố tháng 2-1984 khi theo đoàn nghệ thuật sang châu Âu biểu diễn. Lúc đó, họ đã tổ chức biểu diễn rồi bắt ép nghệ sĩ lên xe để chở đi. Tôi đã thoát khỏi sự lôi kéo có tổ chức đó" - NSND Ngọc Giàu nhớ lại và cho biết với bà thì cũng như kỳ nữ Kim Cương, nếu rứt khỏi nguồn nước không phù hợp thì "con cá như tôi làm sao mà bơi lội, tung tăng để sống".
"Cũng có lập luận cho là sang Mỹ thì nghệ sĩ vẫn ca hát. Nhưng tôi nghĩ nếu mình đi ngược nỗ lực hòa bình của dân tộc thì tôi không thể hát" - bà khẳng định.
NSND Ngọc Giàu bồi hồi kể sau này, nhiều lần sang Pháp lưu diễn, gặp lại một số kiều bào đã tham gia các cuộc biểu tình, họ cho bà xem video cảnh bà hát bài "Người mẹ miền Nam" của soạn giả Viễn Châu. "Tôi xem lại mà nước mắt tuôn trào. Người cho tôi xem cũng khóc. Họ nói bị lôi kéo làm điều không phải. Rồi họ cười, nắm chặt tay tôi và nói Ngọc Giàu đã chọn đúng khi ở lại với quê hương mình" - NSND Ngọc Giàu xúc động.
NSND Ngọc Giàu cho rằng hướng đi mới đã được mở ra cho các đoàn nghệ thuật từ năm 1975, đó là dàn dựng các vở tuồng cách mạng. Sân khấu cách mạng đã thật sự định hướng đời sống sàn diễn. Đề tài nhân văn, ca ngợi giá trị sống trong một đất nước hòa bình đã được dàn dựng. Bà nhớ lúc bấy giờ, sân khấu cải lương đã ra quân với nhiều kịch bản được chỉnh sửa kịp thời, mang tầm tư tưởng cao và gửi gắm đến người xem thông điệp mới của sân khấu cách mạng như: "Lỡ bước sang ngang", "Mái tóc người vợ trẻ", "Bạo chúa", "Cây sầu riêng trổ bông", "Người ven đô", "Ánh lửa rừng khuya", "Tìm lại cuộc đời", "Một cuộc giải phẫu", "Lửa phi trường", "Dưới cờ Tây Sơn", "Đường về núi Lam"…
"Hạnh phúc lắm khi tôi có nhiều vai diễn hay trên sân khấu cách mạng, để cho thấy tôi quyết định ở lại là đúng. Vì trong hành trang làm nghề của tôi đã có thêm nhiều vai bà mẹ hay, được bà con cô bác yêu quý như: "Hòn đảo thần vệ nữ", "Tình yêu và lời đáp", "Đời cô Lựu", "Tình mẫu tử", "Đất lỡ"…Tôi vinh dự được sống và tôi luyện trên sân khấu cách mạng. Tôi tự hào là người nghệ sĩ của nhân dân trong một đất nước tự do, độc lập đang chuyển mình hội nhập với thế giới" - NSND Ngọc Giàu xúc động nói.
NSƯT MINH VƯƠNG: "Tôi ở lại vì biết mình có cơ hội"
Những ngày sau giải phóng, sân khấu TP HCM nở rộ sự hiện diện của các đoàn nghệ thuật mới, đủ bản lĩnh thay đổi cục diện sân khấu bị rơi vào lối mòn trong ca diễn trước đó.
Theo "Khôi Nguyên vọng cổ" Minh Vương, ông cho rằng quyết định ở lại của mình là đúng đắn, khi mà sân khấu cách mạng đã cho ông được nâng cao nghề nghiệp. "Hồi đó, khi còn ở đoàn Kim Chung, chúng tôi bị xem là nghệ sĩ chỉ có giọng ca, ra sân khấu buông tay đứng ca, ca cho hay là ăn tiền chứ không biết diễn. Tôi ở lại vì biết mình sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều trường phái dàn dựng, vì các đạo diễn, tác giả được đào tạo ở Nga, Đức và các nước xã hội chủ nghĩa đã về Sài Gòn - TP HCM và họ sẽ đẩy sân khấu cải lương lên tầm cao mới" - NSƯT Minh Vương khẳng định.
Quả thật, với sự định hướng của Đảng, đổi mới tư duy sáng tạo của khối biểu diễn nghệ thuật sân khấu, các nghệ sĩ sân khấu đã làm quen với sự đổi mới đó từ khâu đầu tư sáng tác kịch bản cho đến việc tiếp cận những vốn quý của khoa học kỹ thuật. Thời đó, hằng đêm có hơn 22 đoàn nghệ thuật biểu diễn mà khán giả vẫn còn đứng bên ngoài rạp không mua được vé. Nhờ có sân khấu cách mạng mà NSƯT Minh Vương có được nhiều vai diễn hay như: Nguyễn Trãi (vở "Rạng ngọc Côn Sơn"), Hai Phước (vở "Pha lê và cát bụi"), Võ Minh Luân (vở "Đời cô Lựu"), Minh (vở "Tô Ánh Nguyệt"), Nguyễn Sinh Sắc (vở "Tổ quốc nơi cuối con đường")…
Chính yếu tố nhân văn trong ca diễn đã hấp dẫn quần chúng, sân khấu cách mạng đã mang lại những món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả, trong khi trước đây nghề hát bị khinh bạc, bị đối xử thô bạo trong chế độ cũ.
"Nam nghệ sĩ đi hát bị buộc phải cống nạp tiền cho cảnh sát, nếu không thì bị bắt đi lính, đi quân dịch. Nên kép hát thời đó khổ lắm. Còn những năm tháng trong hòa bình, độc lập, có những vở diễn sống ba bốn năm mà suất hát nào khán giả cũng chật rạp và chúng tôi được đối xử rất tử tế" - NSƯT Minh Vương kể.
Bình luận (0)