xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Hoa cúc xanh" tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh: Lan tỏa giấc mơ về cái đẹp, cái thiện

Yến Anh

(NLĐO)- "Hoa cúc xanh", chương trình tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của bà, giúp khán giả khám phá nhiều khía cạnh mới trong thơ ca cũng như cuộc đời nữ thi sĩ.

Nhà báo Lưu Quang Định - em ruột nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, Trưởng BTC chương trình - đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về "Hoa cúc xanh".

Hoa cúc xanh tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh: Lan tỏa giấc mơ về cái đẹp, cái thiện - Ảnh 1.

Thi sĩ Xuân Quỳnh (1942 - 1988)

- Phóng viên: Đã có nhiều chương trình được thực hiện để tưởng nhớ, tôn vinh nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhưng hình như đến nay mới có một chương trình quy mô thế này để tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh. Là người nhà, đồng thời là nhà tổ chức, ông có thể nói thêm về lý do ra đời của "Hoa cúc xanh"?

+ Nhà báo Lưu Quang Định: Từ lúc anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh mất, rất nhiều cơ quan, đơn vị như Hội nhà văn, Hội sân khấu rồi các đoàn nghệ thuật làm các chương trình tưởng niệm anh chị. Nhưng tất cả những chương trình đó, hoặc anh Lưu Quang Vũ là trung tâm, hoặc là chung cả hai người, luôn luôn là Lưu Quang - Vũ Xuân Quỳnh. Thực ra điều đó cũng dễ hiểu, bên cạnh thơ anh Vũ còn có kịch, mà kịch thì có rất nhiều khán giả, thậm chí nhiều người còn không rõ anh Vũ là nhà thơ nhưng lại rất thuộc các vở kịch của anh ấy.

Nhưng đầu tiên và trên hết, anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh đều là những nhà thơ. Chị Xuân Quỳnh có gia tài thơ cực kỳ đồ sộ, rất nhiều bài hay, sâu sắc. Nhiều bạn đọc chỉ biết đến một phần gia tài thơ của chị ấy, ví dụ "Sóng", "Thuyền và biển", "Thơ tình cuối mùa thu"… Những cái đó rất hay, nhưng còn nhiều khía cạnh trong tâm hồn và thơ ca của chị Xuân Quỳnh chưa được biết đến một cách đầy đủ. Tôi nghĩ đó là sự thiệt thòi của chị Quỳnh, cũng như thiệt thòi chung của những người phụ nữ. Chị ấy đứng phía sau, thầm lặng, là bệ phóng để tôn người bạn đời của mình lên, tôn người chồng mình lên…

Còn một lý do nữa quan trọng, năm nay là dịp rất đặc biệt: Sinh nhật lần thứ 80 của chị Xuân Quỳnh. Gia đình và người hâm mộ mong muốn tổ chức riêng một chương trình đặt nhà thơ Xuân Quỳnh làm nhân vật trung tâm, làm chủ thể.

Hoa cúc xanh tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh: Lan tỏa giấc mơ về cái đẹp, cái thiện - Ảnh 2.

Nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ về "Hoa cúc xanh"

- Và khi thi sĩ Xuân Quỳnh ở vị trí trung tâm, thì "Hoa cúc xanh" tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 5 và 6-10 sẽ khác biệt thế nào với các chương trình đã thực hiện, thưa ông?

+ Sự khác biệt như tôi vừa nói, là khám phá thêm các khía cạnh mới trong thơ ca cũng như trong cuộc đời chị Xuân Quỳnh. Những điều vì nhiều lý do khác nhau, chưa được nhắc đến. Ví dụ như ngoài tình yêu, tình mẹ con, chương trình cũng hé lộ thêm, tất nhiên chưa đầy đủ, những khía cạnh mới của chị. Như suy tưởng của chị về về chiến tranh, những suy nghĩ, trăn trở về ý thức công dân, rồi dằn vặt, suy nghĩ về cuộc chiến, về mất mát của người dân, của dân tộc trong chiến tranh, đặc biệt là mất mát của những người mẹ, những đứa con…

Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng, sẽ có nhiều tiết mục lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu "Hoa cúc xanh". Đó là các ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lưu Quang Minh, ca sĩ Bùi Lan Hương viết riêng cho chương trình. Tất cả các ca khúc này đều được khơi gợi cảm hứng từ các bài thơ trong tập "Xuân Quỳnh - Không bao giờ là cuối"

Một điều khá thú vị là trong chương trình này, sẽ có hai bài "Hoa cúc xanh", một bài BTC đặt ca sĩ Bùi Lan Hương, cô là người sẽ trình diễn ca khúc chính mình sáng tác. Một bài của Nguyễn Vĩnh Tiến.

Hoa cúc xanh tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh: Lan tỏa giấc mơ về cái đẹp, cái thiện - Ảnh 3.

Ê-kíp thực hiện "Hoa cúc xanh" (từ trái qua): Nhà báo Lưu Quang Định, nghệ sĩ Đỗ Kỷ, nhạc sĩ Giáng Son, đạo diễn Trần Lực, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

- Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Trần Lực, họa sĩ Hà Nguyên Long cùng nhiều NSND, NSƯT, diva Thanh Lam, Hồng Nhung… đều tham gia chương trình. Có thể nói team sáng tạo của "Hoa cúc xanh" quá đông và quá mạnh. Ông có khó khăn gì không khi thuyết phục những người nổi tiếng có mặt ở chương trình?

+ Thật sự là không có khó khăn gì cả. Bởi mọi người đều rất nhiệt tình, rất vui, hào hứng. Trước hết, họ đều là những người rất yêu chị Xuân Quỳnh. Họ đồng điệu, tâm đắc với tác phẩm của chị Quỳnh từ rất lâu. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là "fan hâm mộ" vợ chồng anh Lưu Quang Vũ, đặc biệt là chị Xuân Quỳnh. Cô ấy nói với tôi: "Khi em nhận lời mời của anh, em thấy như giấc mơ đã thành hiện thực. Em được làm chương trình về người mà em yêu quý, lại được cung cấp "vũ khí", cung cấp phương tiện để làm nó thành công". Anh Quốc Trung cũng vậy, anh ấy cũng rất hâm mộ lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Anh Quốc Trung còn là bạn học của tôi thời phổ thông, khi tôi nói, anh ấy nhận lời ngay. Anh ấy bảo "tôi sẵn sàng làm, kể cả BTC không có tiền thì tôi làm miễn phí".

Anh Trần Lực là một đạo diễn, một diễn viên điện ảnh nhưng rất yêu văn học. Anh là con bác Trần Bảng, hai gia đình chúng tôi đã thân với nhau từ bao nhiêu năm. Khi chúng tôi ngồi với nhau, chúng tôi ôm đàn guitar hát, trong đó có những bài phổ thơ chị Xuân Quỳnh, có bản của anh Lưu Quang Vũ. Làm chương trình này anh ấy rất vui.

Anh Nguyễn Vĩnh Tiến, anh Hà Nguyên Long đều là những nghệ sĩ có tinh thần tiên phong trong sáng tạo, không đi theo lối mòn. Chương trình là cơ hội để các anh ấy tri ân, bày tỏ tình yêu của mình đối với nghệ sĩ mà mình hâm mộ, cũng là dịp để thỏa sức tìm tòi, sáng tạo, thể hiện cái tôi nghệ sĩ trong con người của mình. Và với chừng đó lý do, không có gì khó khăn để thuyết phục họ.

Hoa cúc xanh tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh: Lan tỏa giấc mơ về cái đẹp, cái thiện - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Giáng Son giới thiệu ca khúc mới của mình trong đêm thơ - nhạc - kịch tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh

- Với một team như thế, một tình yêu đối với thi sĩ Xuân Quỳnh như thế, ông kỳ vọng thế nào về "Hoa cúc xanh"?

+ Nhắc đến kỳ vọng, tôi lại nhớ đến câu thơ chủ đề của chương trình: "Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có/Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa"

"Hoa cúc xanh" ở đây như ước mơ của những người nghệ sĩ, của tất cả chúng ta, rằng cuộc sống đầy vất vả, có nhiều cái xấu, những cái mệt mỏi, thì cái đẹp, cái thiện vẫn tồn tại. Giá trị chân thiện mỹ vẫn còn trong cuộc sống, còn trong nghệ thuật, trong tác phẩm.

Tôi muốn qua chương trình này, những điều tốt đẹp đó, những giấc mơ về cái đẹp, giấc mơ về cái thiện sẽ được lan tỏa nhiều hơn qua công chúng. Tôi mong khán giả đến với chương trình bằng tinh thần của chị Xuân Quỳnh, luôn lạc quan, nhìn vào những điều tích cực, chứ không chỉ là những hoài niệm về anh chị.

Mùa thu Hà Nội rất đẹp, rất nhiều chương trình nghệ thuật, nhưng chúng tôi vẫn hi vọng chương trình của mình là một điểm nhấn, là một bông cúc xanh đẹp đẽ, là biểu tượng cho giấc mơ vươn lên của con người, của những người nghệ sĩ.

Hoa cúc xanh tôn vinh thi sĩ Xuân Quỳnh: Lan tỏa giấc mơ về cái đẹp, cái thiện - Ảnh 5.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

- Các chương trình thơ - nhạc - kịch ít khi bán vé, nhưng "Hoa cúc xanh" thì lại khác, và dường như chương trình bán vé rất tốt. Ông có kỳ vọng sẽ là một trong những người tiên phong trong việc bán vé các chương trình nghệ thuật như thế này để khích lệ các nghệ sĩ cũng như tạo thói quen khán giả bỏ tiền mua vé thưởng thức nghệ thuật?

+ Chúng tôi tổ chức hai đêm, một đêm bán vé, một đêm hoàn toàn là mời bạn bè, đối tác, báo chí. Cho đến hôm nay, rất vui mừng thông báo là vé của đêm 5-10 đã bán hết toàn bộ. Điều này rất vui, nó như là chỉ số để đo tình yêu, sự quan tâm của khán giả với chị Xuân Quỳnh, anh Lưu Quang Vũ

Trước đây, gia đình chúng tôi cũng như những người yêu thơ tổ chức nhiều chương trình, nhưng chỉ mời thôi. Lần này chúng tôi thử nghiệm, và đặt câu hỏi tại sao với nghệ thuật cao quý, nghệ thuật chính thống, mình không thử bán vé để những người người hâm mộ bỏ tiền thưởng thức những trăn trở, hoài bão, những ước mơ đẹp đẽ của ê-kíp sáng tạo. Chúng tôi không có tham vọng tiên phong, mà chỉ góp phần nhỏ bé vào việc đưa thơ ca, nghệ thuật chính thống, bác học ra bán vé. Nếu khán giả đón nhận chương trình thì đó là những chỉ số rất tích cực, lạc quan về gu thị hiếu của khán giả nói chung. Ở đâu đó, những chương trình này vẫn có công chúng của mình.

Thi sĩ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) sinh tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội). Bà bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-05 lúc 07.54.40

Thi sĩ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.

Với những đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam, năm 2017, bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo