"Hoa cúc xanh trên đầm lầy" là một văn bản đặc biệt của Lưu Quang Vũ, được viết theo lối kịch giả định xuất sắc, từ cách đây 30 năm, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Ý tưởng độc đáo
Đầu năm 2018, Sỹ Tiến cũng xuất hiện phẩm chất đạo diễn trẻ trung và ngoan cường sáng tạo theo cung cách tương tự. Kịch bản giả định "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Lưu Quang Vũ đã được Sỹ Tiến đọc vỡ chữ theo cách riêng độc đáo, với biên tập văn bản vững tay nghề chữ nghĩa của Mỹ Linh, biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam, nên câu chuyện tình tay ba của kịch bản đã được sắp xếp lại thành một vở diễn gọn ghẽ, mạch lạc và sáng sủa về thông điệp.
Cảnh trong vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Nhà hát Tuổi Trẻ (Ảnh do nhà hát cung cấp)
Thông điệp ấy, theo Sỹ Tiến, có lẽ là lời nhắn nhủ thật thiết tha của Lưu Quang Vũ gửi trong văn bản kịch: Hạnh phúc của người trẻ yêu nhau trong cuộc đời hôm nay, thuận theo cách yêu của họ, hoàn toàn có thể có thực, đẹp đẽ, trong sáng, lại hoàn toàn có thể là ảo tưởng điên rồ và phi lý. Trong một câu chuyện tình tay ba trái khoáy, Liên - Hoàng - Vân là 3 người bạn trẻ cùng làng, lên thành phố lập nghiệp và trưởng thành. Liên thành cô giáo, yêu Vân, đã thành họa sĩ nhiều triển vọng, trong khi Hoàng đã thành kỹ sư điều khiển học. Hoàng cũng yêu Liên và khi biết Vân và Liên sắp cưới thì Hoàng muốn phá hủy đám cưới, muốn giành Liên làm vợ. Bị từ chối, Hoàng điên cuồng chế tạo ra 2 người máy, mô phỏng cặp Liên - Vân, chỉ mang phẩm chất tốt đẹp, nhất nhất theo sự chỉ huy và chi phối rất gia trưởng của Hoàng. Câu chuyện kịch đầy giả tưởng cứ thế diễn tiến trong sự song song tồn tại giữa cặp vợ chồng thực tế: Liên - Vân và cặp vợ chồng người máy Liên - Vân. Một cặp sống trong đời thực với sự trần trụi của việc cơm áo không đùa với… người trẻ. Họ giày vò đay nghiến chì chiết nhau về tiền bạc. Còn cặp đôi người máy thì sống cứ như… mơ, lơ ngơ, đầy lãng mạn và ảo tưởng. Cho đến khi cặp người máy trốn khỏi nhà Hoàng để đi tìm nguyên mẫu người thực.
Kết cuộc, cặp đôi người máy sau khi va chạm với cặp đôi người thực, có lẽ bị ngạc nhiên và thất vọng, đã tìm đường về quê, tìm lại hoa cúc xanh tuổi thơ và chết chìm trong đầm lầy. Cặp đôi người thực vẫn sống giữa đời thường, đã tỉnh ngộ, chấp nhận thực tế và cứu lại được hạnh phúc suýt bị rạn vỡ. Còn kỹ sư Hoàng thì ân hận nhận ra sai lầm của mình và vỡ lẽ, máy móc dù tối tân đến mấy cũng không thể thay thế được trái tim yêu sống động của con người. Hai người máy của Hoàng đã chết theo hoa cúc xanh của ảo tưởng và của tuổi ấu thơ không bao giờ quay trở lại…
Sống động nhờ đạo diễn
Có thể nói thành công lớn nhất về nghệ thuật đạo diễn khi dựng lại kịch bản "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" trên Sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ đã thuộc về đạo diễn Sỹ Tiến. Không gian mỹ thuật sân khấu do họa sĩ Doãn Bằng thiết kế đã ăn nhập và thống nhất hoàn hảo với cách dẫn chuyện của đạo diễn Sỹ Tiến. Câu chuyện kịch cứ diễn tiến tự nhiên theo cách dẫn chuyện thật hồn nhiên và hài hước của Sỹ Tiến và theo cách diễn xuất cũng rất hồn nhiên trong sáng của 3 nhân vật yêu nhau thật oái oăm và thú vị: Liên - Vân - Hoàng, được 3 diễn viên trẻ, đẹp, dày dạn kinh nghiệm: Chí Huy vai Hoàng, Thanh Sơn vai Vân, Thu Quỳnh vai Liên, thể hiện rất thành công. Nhất là vai Liên của Thu Quỳnh phải trải qua nhiều biến sắc để lột tả nhân vật lúc thì ngây thơ thánh thiện, lúc thì tính toán, so kè và day dứt tiền bạc tầm thường...
Trong xử lý một vở diễn mang nhiều tính giả định này, Sỹ Tiến đã cố ý không muốn làm rắc rối thêm cái ẩn ý mang tính luận đề sâu sắc mà Lưu Quang Vũ đã gửi sâu trong thông điệp về hoa cúc xanh: dù tình đời tình người có phức tạp, xoay vần, biến đổi đến đâu thì con người, nhất là người trẻ, vẫn có thể đi tìm và chạm tay được vào hạnh phúc. Miễn là người trẻ phải muốn đi tìm, biết mong ước và biết vượt qua những lực cản vốn có trong cuộc đời vốn đầy phức tạp và đa đoan này…
Vì thế, Sỹ Tiến đã dụng công dựng trên sân khấu của "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" một loạt hoạt cảnh hài hước: cảnh mấy cặp đôi chờ tàu trên sân ga, cảnh người vợ đi tìm chồng say xỉn, vừa giận vừa thương đưa về nhà, cảnh cặp đôi đi xe ôm vào thành phố, cảnh vợ chồng trẻ cãi vã giận hờn, rồi cảnh công an đi tìm bắt hai người máy… Những cảnh kịch này đã điều hòa được không khí căng thẳng trong cuộc chạy đuổi tình tay ba của các nhân vật kịch. Và sau những cảnh ấy là nụ cười tinh nghịch và trẻ trung của đạo diễn, khiến cho câu chuyện kịch, do cách kể hài hước của Sỹ Tiến, đã bất ngờ thành dí dỏm và thật sống động trên sân khấu. Với ngôn ngữ dàn dựng trẻ trung, hài hước như thế, hoàn toàn có thể đánh giá phần sân khấu "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Sỹ Tiến quả thật là có cái để xem cho khán giả.
Xem "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Sỹ Tiến, người xem vì thế đã có thể tin hoa cúc xanh như là biểu tượng đẹp lãng mạn của hạnh phúc, càng thấm thía ý nghĩa của vở diễn trong kết thúc không có hậu: Hai người máy chới với chết trong đầm lầy, thảng thốt gọi tìm hoa cúc xanh. Như thế, phải chăng cái đẹp và cái thiện đang cất tiếng kêu cứu?
Huy chương vàng xứng đáng
"Hoa cúc xanh trên đầm lầy" từng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng thành công từ nhiều năm về trước. Đến nay, kịch bản này vẫn còn nguyên giá trị khi được Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại và giành huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2018, trở thành một trong những vở diễn ăn khách trên sân khấu nhà hát này tại thủ đô và trong các đợt lưu diễn phía Nam, nhất là TP HCM, như chuyến lưu diễn mới đây nhất tại Nhà hát Thành phố.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-12
Kỳ tới: "Bệnh sĩ": Bệnh tinh hoa
Bình luận (0)