Họa sĩ Hoài Nam
Từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và tham gia vẽ băng rôn, biểu ngữ trong phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên do Trần Văn Ơn lãnh đạo, hoạ sĩ Hoài Nam được giới chuyên môn sân khấu đánh giá cao về tài năng thực hiện cảnh trí và thiết kế sân khấu.
"Duyên may, họa sĩ Hoài Nam đến với đoàn kịch nghệ Năm Châu từ khi rất trẻ. Ban đầu, ông được mời vào đoàn cải lương để phụ việc cho những người hoạ sĩ đi trước. Đây là một công việc hoàn toàn mới lạ khác hẳn với những gì mà anh từng được học ở trường. Chỉ sau một thời gian, anh trở thành một hoạ sĩ lành nghề và là một trong những người có công lao rất lớn trong việc thay đổi thiết kế từ sân khấu nhỏ chuyên hát ở đình, ở chợ sang một quy mô lớn hơn là ở các rạp hát".
NS Bình Tinh và họa sĩ Hoài Nam
Theo nhận xét của NSND Kim Cương, họa sĩ Hoài Nam là một gương mặt vàng được nhiều đoàn cải lương thời đó săn đón. Không chỉ dừng ở đó, ông được đạo diễn Lê Dân (du học tại Pháp) và nhiều đạo diễn khác mời dựng cảnh hàng loạt bộ phim nổi tiếng như: "Diễm Châu", "Lan và Điệp", "Nghêu sò ốc hến", "Trận hoa đồ"…
Là một người hoạ sĩ tài hoa, tạo dấu ấn đẹp cho hàng trăm tác phẩm sân khấu cải lương thời hoàng kim nhưng ông sống lẻ loi, cô độc, không vợ con và được NSND Phùng Há đưa vào sinh sống tại Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM hơn 30 năm qua.
Họa sĩ Hoài Nam và bộ sách "Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự"
Những năm gần đây, dù đôi mắt đã mờ không thấy rõ khuôn mặt của người đối diện nhưng người hoạ sĩ tài hoa Hoài Nam vẫn nuôi hy vọng có thể hoàn thành bộ sách "Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự" mà ông đã ấp ủ gần 50 năm.
Về sự nghiệp biên soạn sách chữ Nho, ông đã thực hiện từ rất lâu nhưng mãi đến năm 2010, quyển sách đầu tiên "Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự" của ônh mới được xuất bản với sự tài trợ của Nhà Xuất bản Trẻ. Quyển sách thứ 2 đang trong giai đoạn hoàn thành những khâu cuối cùng nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tìm người sắp xếp các chữ Nho.
Soạn giả Đức Hiền và họa sĩ Hoài Nam trong ngày mừng thọ 85 của ông
Cuốn "Giải mã Hán Việt Nôm theo phương pháp hoạ tự" được hoạ sĩ Hoài Nam viết, nhằm giải mã chữ Nho, dưới góc nhìn của hội họa. Từ đó, có thể tạo một phương pháp Hán Nôm mới. Họa sĩ Hoài Nam đã từng tâm sự: "Hoạ là vẽ, tự là chữ. Hoạ tự là vẽ chữ. Trong khi chữ Nho là chữ tượng hình. Vì thế, ngôn ngữ của tượng hình chính là ngôn ngữ của hội hoạ".
Công trình "Giải mã Hán Việt Nôm" của hoạ sĩ Hoài Nam tập hợp 6.000 hình, được vẽ từ 8.000 chữ Hán cơ bản. Riêng với tập sách đầu, ông tập trung phân tích các đường nét của chữ, từ đó góp phần vào việc giải mã những nghĩa có nguồn gốc phức tạp của chữ Hán sang tiếng Việt.
Tang lễ của họa sĩ Hoài Nam được tổ chức tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM. Lễ viếng từ 15 giờ ngày 7-1.
Bình luận (0)