Danh hài Hoài Linh trong vai Chích
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương, vở "Giấc mộng đêm xuân" - một trong những kịch bản cải lương kinh điển - một lần nữa ra mắt khán giả với tài năng diễn xuất của nhiều nghệ sĩ đang được yêu mến như: NSƯT Thanh Ngân, Trọng Phúc, Tấn Giao, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Hoài Linh, NS Thu Vân, Linh Trung, Trung Dân, Chấn Cường, Kim Tiến… Đặc biệt, danh hài Hoài Linh đã chiếm trọn cảm tình của khán giả theo dõi tại Nhà hát Thành phố và qua sóng truyền hình trực tiếp trên HTV 1, HTV 9.
"Là tác phẩm nói về đời nghệ sĩ đối diện nhiều sóng gió, vở tuồng của hai soạn giả Nhị Kiều và Phi Hùng từng được nhiều đạo diễn dàn dựng. Khi được đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu mời tham gia vai Chích, tôi đã rất hạnh phúc, vì đây là vai diễn của danh hài Bảo Quốc. Được thể hiện lại vai diễn để đời của một bậc tiền bối, đối với tôi là vinh dự lớn" – NSƯT Hoài Linh tâm sự.
Danh hài Hoài Linh, NS Trung Dân, Trọng Phúc, Thanh Ngân, Lê Tứ trong vở "Giấc mộng đêm xuân"
Mang tâm trạng một anh nông dân sống đời tá điền, ở đợ trừ nợ do gia cảnh quá nghèo túng, Chích được cậu hai Tuấn – con ông bà phủ - xem như người thân. Cậu hai Tuấn đem lòng yêu thương cô đào Hai Xuân của gánh hát Tầm Xuân nên đã quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt để theo gánh hát sống cuộc đời "gạo chợ nước sông". Lúc đó, Chích cũng từ giã cuộc đời ở đợ để theo gánh hát làm đủ nghề: Nhắc tuồng, hậu đài, gác cửa…, miễn sao là được ở gần cậu chủ, trung thành một mực với người đã cưu mang mình.
Chính từ sự chân thành của Chích, hai trái tim cách xa nhau về thân phận đã được se duyên trên chiếc ghe hát của gánh Tầm Xuân.
Câu chuyện có nội dung không quá bi thương, cũng không thuộc dạng lâm ly, bi đát nhưng khán giả rơi lệ bởi chính những người sống chung thủy với nghề hát, chịu thiệt thòi khi một thời gian dài không được xã hội nhìn nhận, cho là phường "xướng ca vô loài" để rồi qua tình yêu không có gì có thể tách rời Tuấn và Xuân. Ông bà phủ đã không thể ruồng bỏ cháu ngoại và thức tỉnh trước nghĩa cử cao đẹp của những nghệ sĩ.
"Họ đem lời ca tiếng hát để làm đẹp cho đời, không vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, chà đạp lên lẽ phải, luân lý, đạo đức. Đó chính là thông điệp bất tử của nghệ thuật cải lương mà cha ông đã đúc kết. Do đó, khi lên sàn tập, chúng tôi cảm từng câu thoại, lời ca, vì sao thấm thía đúng với những điều mà trong đời sống của người nghệ sĩ chúng tôi đã đối diện" – danh hài Hoài Linh đã khóc khi nói về thông điệp cao quý của tác phẩm này.
Danh hài Hoài Linh và NS Kim Tiến trong vở "Giấc mộng đêm xuân"
Khán giả xúc động vì những câu ca đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời nghệ sĩ. Họ tuy sống rày đây mai đó, ăn quán ngủ đình song không bán rẻ danh dự. Với nhân vật của Hoài Linh, khán giả cười khi anh tung hứng tiếng cười quá thông minh với nghệ sĩ hài Trung Dân (vai cậu ba), khi cả hai đối diện nhau ở hai "trận tuyến" giàu – nghèo, mà nhân vật Chích luôn bảo vệ gánh hát Tầm Xuân dù thế lực cố tình phá gánh hát khiến đời nghệ sĩ héo hắt vì không được ca diễn để mưu sinh.
Điều làm khán giả bất ngờ là Hoài Linh ca bài bản cải lương rất đúng nhịp, ca trong diễn, diễn trong ca, khiến người xem thán phục tài ứng biến mang tính châm biếm rất duyên của anh. Cách đây không lâu, anh diễn vai Hai Thợ Bạc với bảy Cán - Vá của NSND Ngọc Giàu (trong vở "Đời cô Lựu"), đã làm khán giả bất ngờ. Hôm nay, thêm một lần nữa anh gắn vào hành trang của mình vai Chích hết sức độc đáo, khiến người xem không ngớt lời khen ngợi và dành nhiều tràn pháo tay tán thưởng.
"Trong không khí chào mừng một thế kỷ sân khấu cải lương, tôi có một vai diễn hay, được bà con quý mến, quả là có lộc Tổ như mùa xuân đến sớm" – Hoài Linh vui mừng.
Danh hài Hoài Linh và NSƯT Thanh Ngân trong vở "Giấc mộng đêm xuân"
Bình luận (0)