Nếu còn sống, năm nay Hoàng Quý đã ở tuổi 97, ông sinh ngày 31-10-1920 ở Hải Phòng. Nhưng ông đã ra đi khỏi cõi đời 71 năm (1946-2017). Từ một gốc gác ở Phủ Quốc Oai, Sơn Tây, thầy thuốc Hoàng Văn Khang vốn mê đàn bầu đã xuống Hải Phòng làm bệnh viện. Trong tiếng đàn bầu của cha, Hoàng Quý đã ra đời vào một cuối thu. Và tiếng đàn bầu ấy đã dựng lên một thế hệ nhạc sĩ do người con trai yêu quý của ông thầy thuốc tạo thành.
"Nhóm híp-pi tiền chiến"
Nhạc sĩ Hoàng Quý Ảnh: TƯ LIỆU
Là học trò yêu của thầy Lê Thương tại Trường Trung học Lê Lợi - Hải Phòng, Hoàng Quý đã kết bạn với nhiều đồng môn và tạo thành một nhóm bạn bè ưa ca hát, thích du ngoạn và được thầy Lê Thương gọi đùa một cách yêu mến là "nhóm híp-pi tiền chiến". Nhóm ấy gồm: Hoàng Quý, Canh Thân, Phạm Ngữ, Văn Cao, Hoàng Phú (sau là nhạc sĩ Tô Vũ)... và hoa khôi Nguyễn Thị Cúc Phương thường được gọi là nàng Cúc Phương. Nhờ nhóm học trò này, những tác phẩm của thầy Lê Thương lần đầu tiên được hát vang ở Nhà hát Lớn Hải Phòng vào mùa hè 1939. Cũng năm ấy, mùa hè ấy, chiến tranh Thế giới lần thứ II xảy ra. Không khí truy hoan của nhân loại bị phá vỡ. Những kẻ cầm quyền ngay lập tức phải nghĩ tới việc xốc lại tinh thần mạnh mẽ cho thanh niên. Thế là ở Việt Nam, phong trào Hướng Đạo (quen gọi từ Tây đã Việt hóa là xì-cút) được khởi xuất, tân nhạc Việt Nam từ khi xuất hiện với những bài hát lãng mạn giờ đây lại có đất để nảy sinh xu hướng nhạc vui. "Nhóm híp-pi tiền chiến" của Hoàng Quý đã trở thành "Nhóm Đồng Vọng" với những sáng tác kêu gọi các tráng sinh Hướng Đạo liên kết lại bên nhau. Từ cuối năm 1943 đến tháng 2-1945, Hoàng Quý đã tập hợp được ngót 100 bài hát tươi sáng, khởi động lịch sử và dựa vào NXB Lửa Hồng cho in, phổ biến nhiều tập nhạc Đồng Vọng. Nhiều bài hát của Hoàng Quý cũng như Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ đã được biết đến ở Hải Phòng rồi loang rộng ra khắp đất nước. Có người đã ví Hoàng Quý trong nhạc như Nguyễn Nhược Pháp trong thơ. Cả hai đều tươi sáng, hồn nhiên rũ sạch ủy mị lãng mạn và buồn nản. Chúng ta đều đã biết đến "Làng tôi", "Ngày mùa" của Văn Cao; "Quê em miền Trung du" của Nguyễn Đức Toàn; "Làng tôi" của Hồ Bắc; "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh ở nhiều năm tháng sau những vẫn nhịp 3/4 ấy, vẫn hát về quê làng ấy thì trước những tác phẩm kể trên đã có một "Chiều quê" mộc mạc, thơ mộng, đằm thắm và thần tiên của Hoàng Quý: "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca…". Một âm hưởng tơ non như thanh xuân. "Chiều quê" đã ngấm vào đêm tận cùng hơi thở một thế hệ thanh niên chuẩn bị vùng lên trong một cuộc cách mạng long trời lở đất giành độc lập cho non sông Việt Nam.
"Chín mọng" trong "Cô láng giềng"
Giữa luồng gió Đồng Vọng thênh thang vô ngã ấy, Hoàng Quý đã "chín mọng" trong một bài hát trữ tình là "Cô láng giềng" và một hành khúc là "Cảm tử quân". Mãi mãi còn là huyền thoại đẹp đẽ về một mối tình giữa tác giả với một cô láng giềng nào đó. Bản tình ca mùa xuân này vừa day dứt u trầm lại vừa trong trẻo, tươi thắm: "Hôm nay trời xuân bao tươi thắm - Dừng gót phiêu linh về thăm nhà - Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi - Tôi đã hình dung nét ai đang cười…". Và từ sự lên đường bởi tình riêng, Hoàng Quý đã bước một bước dài trong ý thức cách mạng để đến với một sự lên đường vì nghĩa lớn của con người. Bài "Cảm tử quân" được viết ra từ tháng 5-1944 tức là trước "Tiến quân ca" của Văn Cao, "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi nhưng lại tiên đoán ngay được về một lực lượng vũ trang đặc biệt trong "Đoàn quân Việt Minh" là "Cảm tử quân". Nhịp hành khúc gọn ghẽ, dứt khoát, mạnh mẽ: "Tiến lên đường - Tới sa trường - Ta xứng danh là cảm tử quân...". Dường như nhịp hành khúc này chứa chất một khao khát của nghệ sĩ rất muốn được dấn thân tận cùng cho đất nước nhưng lại bị kìm nén vì một căn bệnh gia truyền hiểm nghèo: Bệnh lao.
Đi cùng dân tộc đến hơi thở cuối
Từ khi được loang ra, những người mến mộ âm nhạc Hoàng Quý vừa hát tha thiết "Cô láng giềng" vừa hát say sưa "Cảm tử quân" trong cao trào cách mạng. Cùng với "Tiến quân ca", "Diệt phát xít", "Cảm tử quân" như những quả đại bác bắn phá vào dinh lũy thực dân trong Cách mạng Tháng Tám. Cũng chỉ tròn một tháng sau khi được hát vang trong khởi nghĩa ở Sài Gòn, "Cảm tử quân" của Hoàng Quý lại được các chiến sĩ cảm tử coi như bài hát của chính mình trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.
Giữa năm 1946, khi tình hình chiến sự ở Hải Phòng khá căng thẳng, trong đoàn người biểu tình hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một chiếc cáng do các thanh niên mang tải. Trên cáng là nhạc sĩ Hoàng Quý. Ông không còn đủ sức đứng dậy trong đoàn người nhưng còn đủ minh mẫn của một nghệ sĩ yêu đời và yêu nước. Ông đã đi cùng dân tộc đến hơi thở chót và đi mãi bằng những bài hát "tươi thắm mãi nhịp xuân" của mình.
Ông Quý xì-cút
Ngày tôi dọn về ở phố Trại Cau, bố đưa tay chỉ sang nhà bên cạnh: "Nhà này ngày xưa nhạc sĩ Hoàng Quý từng sống". Tôi trố mắt không hiểu Hoàng Quý là ai. Anh tôi hỏi lại: "Ông Quý xì-cút phải không bố?". "Không ông ấy thì còn ai. Người tài mệnh yểu. Tiếc thật". Anh tôi nghe rồi lẳng lặng ngâm nga: "Đành lòng nay tôi bước chân ra đi - Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi…" rồi anh xách va li lên học ở Hà Nội. Có lúc anh từ Hà Nội về, khi thì là mấy người bạn lầm lì chui lên gác xép, khi thì là một cái cặp to. Về sau tôi mới biết mấy người bạn lầm lì kia là mấy cán bộ địch hậu. Còn cái cặp to thì đựng đầy truyền đơn chống cưỡng bức ép di cư. Hồi ấy, Hải Phòng đang là vùng "300 ngày". Cũng về sau, tôi mới biết lời hát trên ở trong bài "Cô láng giếng" của Hoàng Quý. Có lẽ, anh tôi khi quyết chí lên đường cũng đã phải chia ly với một cô láng giềng nào đó nên anh mới hay lẩm nhẩm giai điệu này.
Bình luận (0)