Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc ngày 25-11 tại Hà Nội sau 3 ngày làm việc với sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tiếng nói của tình thương
Phát biểu tại đại hội, ông Võ Văn Thưởng khẳng định Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của hội với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng mới góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh và Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới .Ảnh: QUANG VINH
Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh nhiệm vụ của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái, biến chất về tư tưởng và đạo đức, xây dựng đại đoàn kết dân tộc. Hội Nhà văn cần có tác phẩm hay, thông qua văn học thúc đẩy đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Người viết cần cất lên tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực. Đây là lúc nhà văn cất lên tiếng nói quả cảm để chống lại sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối, độc ác. Bằng tác phẩm của mình, các nhà văn sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi: Giá trị thực của con người là ở đâu? Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc?
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng kỳ vọng mong sau mỗi kỳ đại hội, các nhà văn lại viết hay hơn và đại hội sau sẽ ghi dấu thêm những tác phẩm hay hơn đại hội trước. "Còn làm thế nào để có tác phẩm hay, viết thế nào cho hay, cho xứng đáng với nhân dân, xứng đáng với Tổ quốc, tôi tin là các nhà văn sẽ hiểu hơn ai hết" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Thách thức rất lớn
Chia sẻ cảm xúc sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết ông rất vui nhưng sau đó là một sự thách thức rất lớn. Nói thêm về việc Ban Chấp hành khóa X bổ sung nhiều gương mặt mới với tuổi đời khoảng 50, tân chủ tịch Hội Nhà văn cho đây là sự chuyển giao thế hệ cần thiết, quan trọng và thành công. "Sau tất cả đại hội trước thì đại hội lần này của Hội Nhà văn là sự chuyển giao. Chính cuộc chuyển giao này đã bắt đầu tạo cảm hứng, sự đợi chờ cho các nhà văn, các đồng nghiệp và đặc biệt cho bạn đọc" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Chủ tịch Hội Nhà văn cũng nói thêm, khó khăn của ông trên cương vị chủ tịch là đánh thức tiềm năng, khả năng cảm hứng còn ẩn giấu, thậm chí bị khuất đi hay có vẻ đã bị đánh mất. Cảm hứng cho người đọc và cảm hứng cho người viết là tiền đề để tạo ra những tác phẩm tốt. "Nếu đánh mất cảm hứng đó thì người ta sẽ không viết được tác phẩm hay và người đọc mất cảm hứng đó thì không tạo ra một đời sống của văn học nghệ thuật. Nó phải song hành 3 thứ: nhà văn, tác phẩm và bạn đọc. Nếu một trong ba thứ đó rời bỏ chúng ta thì nền văn học sẽ rất khó khăn" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đúc kết.
Trên thực tế, việc điều hành hội nhà văn với hơn 1.000 thành viên, mỗi người một cá tính không hề dễ dàng. "Khó khăn lớn nhất của tôi là làm sao lựa chọn được một con đường chung cho tất cả cá tính của mọi người. Trên một cánh đồng ngô mọc, lúa mọc, khoai mọc và cả những thứ khác, có nghĩa là tất cả cá tính nhà văn đều phải hướng về những điều thiện nhất là làm sao để cho tất cả mọi người không phải chịu bất công, bớt đi bất hạnh, bớt đi khổ đau" - tân chủ tịch Hội Nhà văn bộc bạch.
Về cương vị mới của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay ông nghĩ mình là một nhà thơ, một họa sĩ, một người chơi nhạc dân tộc thì đúng hơn là làm một người đứng đầu cả một hội vô cùng phức tạp. Đó là sự bất ngờ. "Nhưng bây giờ, tôi lại bước đến với một sự trân trọng, tin tưởng của các hội viên và không còn con đường nào khác là tiến lên với tất cả những gì mình có thể làm được" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Kêu gọi doanh nhân đồng hành
Liên quan đến vấn đề kinh phí để duy trì hoạt động của Hội Nhà văn, ông Nguyễn Quang Thiều nói rằng có quan hệ và làm bạn với không ít doanh nghiệp. "Họ sẵn sàng làm những điều cho một nền văn hóa, một nền văn học. Việc xã hội hóa là việc quan trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, kêu gọi doanh nhân, những người có khả năng hãy cùng đồng hành với chúng tôi, trợ giúp Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện những công việc mong muốn của chúng tôi" - Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hy vọng.
Bình luận (0)