Sau 7 ngày tổ chức (từ ngày 22-4 đến 29-4), Hội Nhà văn TP HCM đã bế mạc trại sáng tác tại Khu du lịch Sao Việt - đồi Thơm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào tối 28-4.
Tham dự trại có 30 nhà văn, do nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, làm trưởng đoàn.
Trong lịch trình của trại, chiều 23-4 đã ra mắt sách "Đất Phú trời Yên", là tập hợp các tác phẩm của các nhà văn dự trại viết hai lần trước ở tỉnh Phú Yên, cùng sáng tác của những nhà văn tiền bối như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Võ Hồng, Nguyễn Mỹ… và thế hệ nhà văn nối tiếp là người Phú Yên hoặc gắn bó với mảnh đất Phú Yên.
Đoàn nhà văn TP HCM tại lễ bế mạc trại sáng tác
Sáng 24-4, đoàn của Hội Nhà văn TP HCM cùng lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam dự lễ khánh thành Nhà Truyền thống và thư viện xã An Chấn, huyện Tuy An. Chiều cùng ngày, đoàn tham dự hội thảo quốc gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng.
Trong lễ tổng kết đợt thực tế sáng tác, đoàn ghi nhận trại sáng tác có những thành công, thể hiện qua chất lượng tác phẩm. Nhà văn Bích Ngân có truyện ngắn "Chờ mặt trời lên", gửi đến người đọc một thông điệp là chờ đợi cái đẹp, chờ đợi yêu thương và được yêu thương là cảm giác hạnh phúc. Nhưng chờ đợi còn hàm chứa cả định lượng thời gian. Thời gian vừa dưỡng nuôi nhưng đồng thời cũng là lực đẩy, nhiều khi đẩy khát vọng con người vượt khỏi tầm tay.
Nhà thơ Bùi Phan Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, trình bày báo cáo tổng kết đợt thực tế sáng tác
Nhà văn Cao Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn TPHCM, tác giả của tiểu thuyết "Buổi chiều đi qua cánh đồng", giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM năm 2019, gửi đến trại sáng tác truyện ngắn "Năm tôi 16 tuổi", một truyện ngắn về đất và người Phú Yên xưa và nay. Nhà văn Trần Gia Bảo có truyện ngắn "Mùa hè có biển" với bối cảnh là đất trời, biển của Phú Yên. Chuyện tình của cô gái xứ biển và chàng trai xa xứ. Qua sóng gió cuộc đời, ngỡ họ đã mất nhau mãi mãi, nhưng cuối cùng họ tìm thấy nhau.
Nhà văn trẻ Phương Huyền ra mắt trại sáng tác với truyện ngắn "Đánh mất linh hồn". "Mỗi vùng đất, mỗi ngôi làng đều có linh hồn, làm sao để gìn giữ nó. Một khi đánh mất đi những giá trị văn hóa, linh hồn trong mỗi con người chúng ta cũng hóa ngu ngơ". Đó là thông điệp nhà văn Phương Huyền gửi đến độc giả của chị.
Các PGS-TS Võ Văn Nhơn, Bùi Thanh Truyền, Trần Hoài Anh có những bài viết nghiên cứu về tác phẩm của nhà văn Võ Hồng với hàm lượng tri thức cao, nhiều góc nhìn mới. PGS-TS Võ Văn Nhơn với tác phẩm phê bình "Võ Hồng, người đứng ngoài dòng thời đại" - đưa một kiến giải thú vị về nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm của nhà văn, càng thấy rõ ông không đứng ngoài dòng thời đại mà luôn đồng hành với đất nước, dân tộc, văn chương của ông tồn tại bền bỉ với thời gian.
PGS-TS Bùi Thanh Truyền và thạc sĩ Lê Minh Tú đưa ra những nhận định sâu sắc về đóng góp của nhà văn Võ Hồng trong những tác phẩm ông viết cho thiếu nhi. Bài viết nhận diện những biểu hiện và giá trị nhân văn của yếu tố bi mỹ trong các truyện ngắn của nhà văn dành cho thiếu nhi. PGS.TS Trần Hoài Anh với tham luận "Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975" khẳng định tính nhân bản và khát vọng hướng đến chân - thiện - mỹ như một hệ giá trị làm nên sự hằng tồn của văn chương Võ Hồng với cuộc đời.
TS Hà Thanh Vân góp mặt với trại viết qua du ký "Một vùng đất Phú trời Yên", nội dung nói về những danh lam thắng cảnh của đất Phú Yên; "Ngọn núi của những linh hồn" (du ký) viết về ngọn núi A Man có 500 ngôi mộ cổ của Phú Yên và "Khi đất Phú trời Yên đi vào văn chương Việt" (lý luận phê bình).
Hai người con của đất Phú Yên là nhạc sĩ - nhà thơ Trương Tuyết Mai và nhà thơ Khánh Chi cũng có nhiều cảm xúc sáng tác. Nhạc sĩ - nhà thơ Trương Tuyết Mai hoàn tất nhạc phẩm "Với chim đồi Thơm" từ nền bài thơ cùng tên này. Nhà thơ Khánh Chi, người con của đất Phú Yên gởi đến 2 thi phẩm: "Mãi là cổ tích trong con" và "Món quà của ba". Với chị, khi ba đã xa rồi, chị mới thấu hiểu hơn quê hương, mới có quê hương, mới gọi đây là quê mình; còn khi ba còn sống, chị chỉ gọi là quê ba thôi.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, phát biểu tại lễ bế mạc trại sáng tác
Mảng thơ nở rộ với nhiều tác phẩm của nhà văn, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, nhà thơ Bùi Đức Ánh, dù tuổi đã cao song giọng thơ của họ vẫn trẻ trung, lãng mạn.
Nhà thơ Ngô Thị Ý Nhi góp với trại viết hai thi phẩm "Nhịp tim thành phố" và "Trước biển". Với "Trước biển", trong quạnh hiu càng rõ màu tuyệt vọng, tình yêu không thể đi đến bến bờ:
"Những hòn đá lăn mình về phía biển
Nhận từ trăm năm từng đợt sóng bạc đầu
Bãi vắng chiều nay hiu quạnh lắm rồi
Ta với đá
Cũng dừng chân trước biển
Biết tình yêu mình không vượt nổi trùng khơi…"
Nhà thơ Trần Trí Thông sáng tác 2 thi phẩm "Đêm xôn xao" và "Một thoáng đồi Thơm" với những câu thơ đẹp, ý tứ phóng khoáng và táo bạo:
"Đêm đặc quánh và ly cà phê đã loãng
10 ngón tay đan thử thách không lời
Em bồng bềnh bay lên
Em rừng rực thăng hoa
Biển Tuy Hòa xôn xao và tĩnh lặng
Chờ nắng lên" (Đêm xôn xao)
Còn với nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, chùm 3 bài thơ đều rất đáng đọc. Ông có những tìm tòi, ý thơ mới và thi ảnh đẹp:
"Biển rót gió vào đêm ngôi sao khuya mọc vội
Núi Nhạn nôn nao nghiêng bóng tự tình…
Tuy An ơi đất đẹp tự bao giờ mà an bình đến thế
Để hoa vàng cứ rào rạt cỏ xanh" (Đêm ngày Phú Yên)
Nhà thơ Bùi Phan Thảo gửi trước hai bài thơ tại trại thực tế sáng tác lần này. Nếu "Viết ở đồi Thơm" anh thi vị hóa bằng rất nhiều thơm: đồi thơm, hồn thơm, giấc mơ thơm, thì với "Chiều Ô Loan", anh cùng người đọc lắng lòng bởi cảnh sắc và những tâm tình chân thực:
"Chiều tan vào đêm
Ô Loan thở những làn gió quyện…
Tôi cứ thương những buổi chiều này
Đàn bò mang đôi mắt đẹp và sự no đủ về chuồng
từng bước chân đủng đỉnh…
Tôi mang hoa vàng về phố cho em
Hoa dọc đường quê cứ ngời chân chất
Nồng nã tháng tư trải lời óng mật
Xóm làng xanh ôm trọn Ô Loan"
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo với hai thi phẩm "Đêm trước biển", "Về với đồi Thơm" định hình rõ hơn phong cách thơ của anh, đằm thắm, thiết tha:
"Gửi vào con sóng trùng khơi
Biết con sóng có chuyển lời tôi không
Đêm trước biển - biển mênh mông
Bao nhiêu lời hẹn thương mong nhạt nhòa
Và đêm trước biển bao la
Nhìn theo bọt sóng vỡ òa thơ tôi" (Đêm trước biển)
Các nhà thơ Thanh Yến, Nguyễn An Bình, Mai Khoa, Nghiêm Tới cũng có những thi phẩm đắc ý, đầy cảm xúc với đất Phú Yên.
Nhạc sĩ- nhà thơ Trương Tuyết Mai trình bày ca khúc sáng tác về Phú Yên
Theo nhà văn Bích Ngân: "Thành công của trại sáng tác là các nhà văn đều có cảm xúc sáng tác và có tác phẩm. Qua trại sáng tác càng thấy rõ văn chương và văn hóa được đặt đúng tầm, trân trọng, hướng tới cái hay cái đẹp. Qua gặp gỡ, tiếp xúc trong những ngày dự trại, các nhà văn TP HCM thấu hiểu nhau hơn, gửi gắm cho nhau nhiều điều". Nhà văn Bích Ngân cũng tin tưởng trại sáng tác tiếp thêm động lực sáng tạo và các nhà văn TP HCM có sự chân tình, sống đẹp trong cuộc đời và trên trang viết.
Bình luận (0)