xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồn mai

NGUYỄN NHÃ TIÊN. Ảnh Tấn Thạnh

“Với một cành hoa, một chút nước, ta có thể gọi về sự cao rộng của sông núi”!

Ikennobo Sen’o - bậc thầy của Hoa Đạo trên xứ sở của Yasunari Kawabata - đã nói như thế. Huống là đối diện tôi bây giờ con đường hoa mai trổ vàng như nắng thơm chạy dọc theo triền sông đã cám dỗ bao bước chân giữa đất trời mùa Xuân trong veo thanh khiết. Cũng không cứ gì phải là đường mai trong hội hoa Xuân này hay ở công viên kia, với tôi, giữa cái bầu không khí mùa Xuân tràn trề cảm hứng như lúc này thì chỉ một cội mai đơm bông khoe sắc trước sân nhà nào đó hoặc có khi là vạt rừng mai bên bờ suối trổ mảnh mai từng đóa trong gió rét, bấy nhiêu thôi cũng đủ đánh thức những vọng tưởng trong tôi lên tiếng. "Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" (Mãn Giác thiền sư) - "Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai!".

Hồn mai - Ảnh 1.

Thú thật, tôi nào có am tường cho lắm cái cách thưởng ngoạn mai hoa như bao người rành rẽ khác. Việc lựa chọn một cây mai có bố cục cành nhánh hay dáng cây để nhận ra thế nào là phượng hoàng, là hạc bay, là thân quỳ với tôi quả là như kẻ đi xem bói. Chỉ có điều là, dường như tôi nghe ra trong tiếng thơ người xưa thường ẩn chứa một thứ ngôn linh như là hàm nghĩa thế giới mật ngữ của mai hoa. Hẳn rằng chẳng phải vì ngẫu nhiên hay là vì một khoảnh khắc nào đó cao trào của sự cảm xúc mà người xưa đã đặt cái vị thế của giống loài hoa mai vào ngay giữa "trái tim" đất trời: "Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm".

Giữa trái tim đất trời hay chọn hoa mai bầu bạn tri âm với con người, tất cả cũng đều từ hiện thực tình yêu mà ra. Chuyện xưa tương truyền rằng vào năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Du đi sứ sang Tàu. Trong một ngày nhàn du, Tố Như được đưa đến viếng thăm các xưởng chế tác đồ sứ. Biết ông là một thi sĩ thiên tài, nhân lúc các nghệ nhân đang làm những bộ đồ trà kiểu Mai Hạc, người phụ trách xưởng đồ sứ có nhã ý mời quan Chánh sứ An Nam đề một đôi câu thơ lên chiếc đĩa sứ. Đang cao hứng thăng hoa trong niềm hoan lạc thưởng ngoạn, Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm của quê nhà như một thứ bản năng của lòng kiêu hãnh, phẩy bàn tay tài hoa hạ bút đề thơ: "Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen".

Thực ra, trước khi Nguyễn Du đề thơ, người Trung Hoa đã từng vẽ tích Mai Hạc lên đồ sứ nhằm diễn đạt ý nghĩa rằng: hoa mai tượng trưng cho sự thanh cao cổ kính, còn chim hạc biểu thị cho sự trường tồn. Thế nhưng, phải từ buổi thơ Tố Như được chạm trổ in lên từng chiếc đĩa sứ ấy, đĩa sứ Mai Hạc mới trở thành huyền thoại danh bất hư truyền mãi cho đến tận bây giờ.

Mà nào với Nguyễn Du chỉ mai hoa là bạn cũ không đâu, cái loài hoa từng được mệnh danh là "Bách hoa khôi" ấy đã thấp thoáng cái đẹp "anh hoa phát tiết" trong truyện Kiều của Nguyễn Du có đến hơn cả hàng chục lần. Từ "Mai cốt cách, tuyết tinh thần" cho đến "Thướt tha vóc liễu xuân đầy/ Cành mai xa bẻ ngất ngây ý sầu" là cả một ám ảnh về cái đẹp của mai hoa. Rất có thể những năm tháng về quê đóng vai Hồng Sơn Liệp Hộ - làm người thợ săn trên chín mươi chín ngọn Hồng Lĩnh - những cánh mai rừng lang thang trong giá rét trên non cao sương khói đã tâm tình chia ngọt sẻ bùi bao lần cùng Tố Như thi sĩ, để từ đó mà ủ thành hương dệt thành thơ: giấc mai, hồn mai, trướng mai, sân mai, song mai... như lấp lánh cả cánh rừng mai mùa Xuân mà thi thố cùng nhan sắc với chị em Kiều!

Đối với Ức Trai - Nguyễn Trãi thì không như thế. Mùa Xuân của Ức Trai, mà cụ thể là ở Côn Sơn, là mùa Xuân siêu thực, nơi mà ngày ngày Nguyễn Trãi vui cùng "Láng giềng một áng mây bạc/ Khách khứa hai ngàn núi xanh" thì ta hiểu tâm hồn Ức Trai thanh sạch đến nhường nào. "Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà/ Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết" (Yêu mai, yêu tuyết, vì đâu/ Vì tuyết trắng, mai thơm tinh khiết). Có thể nói, đi giữa mùa Xuân Côn Sơn bất ngờ gặp một cội mai nào đó đang dốc lòng đơm hoa trổ nụ đẹp như nắng phơi bên bờ suối, nghe trong gió núi dào dạt hương mai còn dội lại thì dư ba đấy đích thị là mật ngữ của mai hoa - nơi còn lưu giữ tinh anh của Ức Trai thuở nào. "Hái cúc ương lan hương bén áo/ Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn/ Đàn cầm suối trong tai dội/ Còn một non xanh là cố nhân".

Giữa thời hiện đại ngày nay, hương hoa bát ngát còn gấp vạn lần ngày xưa kia chứ, sá gì chút hương hoa rừng bén áo. Chỉ có điều, mùi hương mai hoa hay là hương lan, hương cúc của Côn Sơn "cố nhân" của Ức Trai - Nguyễn Trãi mới là thứ hương vạn kỷ, thứ hương thanh cao cổ kính như phẩm hạnh của nhà thơ. "Quét trúc, bước qua lòng suối/ Thưởng mai, về đạp bóng trăng". Đọc thơ Ức Trai, tưởng như có thể nhìn thấy người xưa bước chân ung dung thoát tục bay lên. Người, hoa và thơ như thế đã hòa nhập thành nhất thể, khắc họa nên bức tranh cổ phương Đông in trên nền trời thăm thẳm mùa Xuân Côn Sơn như xiển dương sức sống của cái đẹp vĩnh hằng.

Huyền nhiệm đến là vậy, thế mà cái đẹp của hoa mai buổi đầu tiên biết làm xao xuyến tâm hồn tôi nào phải từ thế giới thi ca của Tố Như hay của Ức Trai, mà là từ cội mai già trước hiên nhà của thầy tôi - một ông giáo làng cuối cùng của thế kỷ trước. Với tôi, cho đến tận bây giờ thì những ngày Tết, ngày Xuân xưa ấy ở làng vẫn mãi là cái thiên đường tuổi thơ không lấy gì thay thế được. Đẹp nhất trong cái thiên đường ấu thơ đó là cội mai già cứ sáng rực màu hoa trước sân nhà thầy tôi mỗi khi Xuân về. Tết xưa ở cái làng nghèo gieo neo một bên núi, một bên sông như ở làng tôi thì làm gì có muôn hương nghìn tía no say như bây giờ. Hầu như mùa Xuân nào cũng vậy, để thêm phần hương hoa làm đẹp cho ngày Tết, thầy tôi cắt những cành mai trên cội mai già cho những đứa học trò mang về nhà chưng ba ngày Xuân nhật. Thú vị nhất là thầy tôi xem việc này cũng giống như việc phát phần thưởng vào cuối năm học, nghĩa là bọn trẻ con chúng tôi đứa nào học giỏi thì được thầy cho cành mai lớn đầy bông, đứa nào học trung bình hay kém thì cứ theo cái vị thứ đó mà nhận cành hoa mai nhỏ dần lại. Cội mai già chừng như cũng biết chiều theo ý người, mùa Xuân nào cũng tốt tươi cành nhánh, hoa trổ vàng sáng rực cả sân.

Nhưng cái hình ảnh cho đến bây giờ nhớ lại vẫn khiến lòng tôi rưng rưng, đấy là buổi chiều Xuân cả làng tôi tiễn thầy về yên nghỉ trên đồi. Kỳ lạ sao, mùa Xuân năm đó, cội mai trước sân nhà thầy tôi cành nhánh guộc gầy những búp non tím tái, hoa trổ thưa thớt. Lạ lùng nhất là từng đóa lưa thưa trên cành kia rũ cánh xuống như cũng biết buồn thương với người. Lẽ gì Aristotle nghìn xưa đã nói về những sinh hồn, giác hồn, dưỡng hồn cỏ cây sinh vật là như thế này chăng? Thảo nào Nguyễn Du cũng đã từng "Mơ màng phách quế hồn mai". Vâng, chỉ có những giấc mơ mới hiểu hết mật ngữ và cái đẹp của giống loài mai hoa!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo