xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồn xưa cũ

Truyện dự thi của BẢO THƯƠNG

Bà bảo, về thôi Nhân, bà lại ra đầu ngõ mua bánh xèo cho con ăn như hồi nhỏ, quê mình vẫn thế Nhân ơi.

Chiếc đèn cao áp ở hông nhà hát đã dỡ hồi tháng trước, cây sầu đâu góc đường Lê Chân cũng đã chặt hồi cuối năm và hàng hủ tiếu Thao thì đã chuyển dời về quê, nghe đâu làm ăn không tốt. Quê mình vẫn thế Nhân ơi.

Sao bà bảo vẫn thế? Là bà quên mà kể, để Nhân biết không còn thế, chăng?

Về để ăn điệu bánh xèo lạc mốt như hồi năm xưa ư?

Hồn xưa cũ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đáp chuyến bay 8 tiếng, bỏ 5 tháng lương, bỏ nốt một công ty bởi rời đi giữa chừng, mà về, để ngồi bên bờ kênh miên man gió hát, nghe một điệu nhạc của Anh Bằng, để chìm trong phố xưa, khói sương và những gánh hàng rong, khắp các ngõ ngách, để hình dung một tà áo dài trắng thướt tha bay qua cầu Ông Lãnh, rơi vào con phố này buổi trưa nắng. Đang nhắm mắt và tưởng tượng, sự tưởng tượng ngồn ngộn, cuồn cuộn, trôi đi cùng lời hát, thì tiếng đạp phanh kít, cô bé nặng chừng gần tạ, mặc chiếc quần bò hoen hoen trên bẹn, tua rua, đổ rầm vào Nhân, cùng tiếng thét: "Tránh ra chứ, mù à?". Nhân ngơ ngác, Nhân ngồi đúng vị trí của mình cơ mà, Nhân đâu mù, chỉ nhắm mắt. "Mắt với mũi, có như không. Hứ!". Cô bé lên xe, để lại một làn khói mỏng, tan đi cùng tà áo trắng, dù nhạc sĩ boléro để hình ảnh chiếc áo phất phơ mãi cùng lời hát ngợi ca giai nhân và kiều nữ, trong dòng xưa của hồn hoa cũ, gợi về bờ bến nào, Nhân không biết, chắc còn lại trong dáng bà tất tưởi gói gói, buộc buộc những chiếc bánh nhân đỗ, nhân đường, làm bằng thứ gạo nếp sánh, dẻo, quện, bọc bằng lá chuối, lá dong, mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhà nhà sum họp, mà cô chú và các em cũng chẳng buồn ngó đến, chúng chỉ chú ý đến những sắc màu đỏ, xanh của những phẩm màu công nghiệp, nhuộm những thức hàng bán sẵn lập lòe, đánh lừa cảm giác thèm ăn của lũ nhỏ. Chỉ bà ngồi lại cùng đám lá chuối buồn ngơ ngác, ngó xung quanh, giơ tay đuổi ruồi bò trên mấy chiếc lạt, hỏi vu vơ: "Nhân ơi, xung quanh đây có đứa trẻ nào nghèo không nhỉ?". "Bà muốn cho phải về tận quận Mười Một, Mười Hai, quận này làm gì còn ai nghèo nữa, họ chả mắng cho, mùng một sớm mai, ai nhận đồ cho không". Nhân bảo, để Nhân ăn, bên ấy thèm lắm. Nhưng thèm bên ấy, còn bên này, cái mùi nếp đó, lẫn bởi mùi bún, mùi phở, hủ tiếu và chè cốt dừa…, vô thiên lủng những thức ăn ngon lạ khác, chỉ cần ra ngõ là chạm tay, mỗi lần nghĩ về Nhân không khỏi xót xa và ứa nước miếng, bởi vị béo của bột, lẫn vị thơm nồng của thịt, của hành, của mộc nhĩ, mùi bánh loang cả ra ngoài lớp vỏ. Nhân thèm. Sao chẳng muốn về. Vì Nhân sợ nó lại bị vứt đi. Bà lại ngồi hì hục đun, luộc cả đêm. Để rồi ngơ ngác cùng lũ ruồi nhặng, tự hỏi, sẽ về đâu, quận mấy, và ai cần?

Nhân ơi, về đi! Bà lại bảo. Thành phố giờ này mát lắm, những con đường, được công nhân phun nước, không còn nóng như hồi xưa con trở lại đâu.

Hồi đó, là mùa hè kỷ lục của cái nóng, nhiệt độ bất thường đến 45 độ, Nhân khốn khổ vì cảm giác thiếu không khí và nước. Ngồi trong điều hòa thì khô da, ra ngoài thì chết cháy. Một ngày thành phố lại thất thủ vì điện, do nhà nhà dùng điện, làm mọi cây quạt, bóng đèn, máy lạnh chết cứng. Người ta nhao đi tìm nước, tìm hơi mát, bóng cây, nhà hàng, và hang hốc. Nhân ước được một con đường tuyết ở Detroit lúc này, âm bao độ cũng không sao.

Thành phố đó mùa này 38 độ, chỗ Nhân giờ âm 20 độ, như vậy chênh nhau những 58 độ. Nhân đã chuyển sang công việc chân tay, không làm bàn giấy như trước. Sáng nào cũng cập nhật thời tiết để biết đường ứng phó khi làm việc ngoài trời. Nhân thành gắn bó với khí hậu nơi này. Nhân quên những trận mưa như bất chợt cuộc hẹn hò sét đánh, Nhân quên cơn nóng hầm hập trên tầng gác mái xưa, Nhân quên cốc trà đá vỉa hè vội vã của người bán hàng trao cho bác xe ôm, Nhân quên rồi, bởi chênh nhau nhiều quá, 58 độ. Cố hương khác quê hương thế nào, Nhân không biết, Nhân không nhớ, Nhân cũng không cố vặn mình để tính, để đong và để ghi. Chỉ biết mỗi tháng Nhân vẫn làm được năm ngàn, nộp thuế một ngàn, hai ngàn vào tài khoản ngân hàng tiết kiệm. Sáng, nhân đi ôtô đến nơi làm việc, chiều, Nhân dạo qua khu phố ẩm thực trước khi về, tối, Nhân nằm đọc sách. Nơi Nhân sống ít người Việt, Nhân vẫn nói tiếng Việt giỏi, nhờ lên mạng giao lưu cùng bạn bè trong nước. Rồi ngủ, sáng lại đi làm. Một mình Nhân, khác với cả một thành phố thở phía ấy, hừng hực, sinh sôi, cuồng nộ, đam mê, cháy bỏng, dữ dội và vắt kiệt mình. Một biển người nơi đó, chỉ mình Nhân nơi này. Tương quan, và Nhân hỏi, mình sẽ bị hút về phía nào? Nghĩ mãi, rồi vẫn trả lời là phía này. Thỏi nam châm cô độc chỉ hút mỗi mình Nhân, mà sao Nhân vẫn muốn nó hút. Thành phố càng lùi ra xa trong cơn thở, cơn nhớ, cơn mơ của Nhân.

Bà gọi, về thôi Nhân, bà lại làm bánh cho con ăn nhé! Nhân sợ bà mệt. Sợ hơn bà buồn. Sợ hơn nữa, người ta giàu có rồi, thì bánh của bà không biết để đâu. Sợ lá dong gói cái tình quê, hồn người, một lúc nào lại biến thành xui rủi cho ai. Nhân bảo, bà ơi, con còn bận quá, sẽ về với bà sau.

Cơn mơ này Nhân mơ quá về một gánh hát, vẫn ngồi ở đường Bùi Thị Xuân xưa, có đứa bé chuyên làm trò hề để thu hút công chúng. Nó vạch những đường kẻ đỏ xanh trên mặt, mắt nó nheo nheo, những chiếc răng thỏ luôn chực khoe ra, giễu giễu. Gánh hát có đứa con gái tầm mười hai tuổi. Vú bắt đầu nhú, tóc lên xanh như màu sông tháng tám, và cánh tay bắt đầu tròn, những lớp da mọc ra mềm và trắng, rất nhanh, như thể, một cái cây được mọc trên vùng đất tốt. Nó được mọc vào hồi tuổi mười hai, mười ba, nên lớn nhanh và xinh lắm. Gánh hát hát những bài hát bội, cải lương, cả những câu hò, đủ loại. Mắt đứa gái màu xanh, tóc màu đen, lông mày mượt mà, gọn ghẽ, môi đỏ như người ta ăn một lớp trầu rồi tiện tay quệt lên đó. Má nó phấn phấn, hồng hồng, như trái mãng cầu vừa bứt từ cây xuống, một lớp trắng trắng bong ra, ấn vào mìn mịn, là một lần vô tình Nhân được chạm vào. Có lần nó bảo, xin Nhân đừng đi! Gánh hát hát đủ những bài. Nhân được bà đưa đến vào những đêm cuối tuần.

Giấc mơ Nhân còn lẫn về nhiều vùng lắm, nhiều nơi, nhiều góc phố, cả cửa hàng tranh của ông già Biểu. Ông ngồi canh giữ quá khứ, canh giữ những giấc chiêm bao, khi đống tranh cổ ông sưu tầm, lũ lượt được đưa về. Ông dốc kiệt cả tiền bạc, công sức, cả bộ quần áo trên người cũng hao mòn cho những bức tranh được mang về từ những góc phố nào, con hẻm nào, gác mái nào. Tao giữ cho chúng mày sau này, sợ biến thiên thời cuộc, chúng mày không có gì để ngắm. Chúng mày là cả Nhân, ngày ông còn chưa biết Nhân là ai, tên gì.

Bà gọi đến bảo Nhân về đi, Nhân ơi. Nhân chẳng biết có muốn về không, khi hàng tranh đó giờ thay bằng triển lãm nghệ thuật hoành tráng. Nghe nói của một đại gia. Mỗi người vào đấy vé mất cả mười đô-la. Trong đó lưu trữ những bức tranh Nhân thấy từ hai mươi lăm năm trước, có cả tranh của ông già Biểu - ông già giờ đã hóa hư vô, về với đất cát, với gió, cùng tán cây và dòng sông…

Nhân chưa về.

Chiều nay chú gọi bảo, bà mất rồi Nhân. Bà mất, khi cố gói những chiếc bánh nhân xào, để ra đầu ngõ ngồi bán như bao năm, dù chú quở, má làm nhục con, đường đường một ông lớn bất động sản, con dâu là tổng giám đốc tập đoàn đa quốc gia, sao má phải vậy. Bà lẩn thẩn rồi Nhân ạ. Bà làm quá sức. Bà đợi lúc chú thím đi công tác xa, lại làm bánh, ra đầu đường chỗ gánh hát xưa, gần phòng tranh cụ Biểu cũ, để ngồi. Cơn nắng nóng sót mùa kỷ lục, bao năm rồi mới lại thấy, đã hạ gục bà. Đau xót quá, Nhân ơi.

Tiếng chú gọi xa xa, như con tàu kéo hồi còi xa xôi trong gió trên đường vào bến, như triều cường dâng nước con sông Sài Gòn làm lục bình dập dềnh, trôi nổi, như mặt nước ao mùa khô không một gợn sóng, như ánh sáng từng ngọn đèn bên hông nhà hát, trong trí nhớ của bà và Nhân nguyên vẹn, cứ lụi dần. Tiếng chú lụi dần, lụi dần vào gánh bánh nhân xào, bóng lên màu mỡ, mùi thơm nồng của hương vị, đặt cạnh những cốc chè đỗ đỏ thơm tho, có ông cụ già sưu tầm tranh tên Biểu, dốc nốt đồng xu cuối cùng để mua cái cổ về lưu lại cho hậu thế, ra ngồi cùng hai bà cháu, và đứa gái đang lớn lên trên mảnh đất mười ba, má đào và môi mọng, chiếc răng nanh trắng, khểnh, cười lấp lóa, một lần nó bảo, em chẳng lấy chồng vì chẳng còn Nhân.

Bà tan vào đó rồi. Trong giấc mơ của Nhân. Bà đã tan vào đó… 

Về đi Nhân. Về với con phố cũ, điệu nhạc xưa, với những chiếc bánh và ly chè thơm thảo của bà, với gánh hát rong trên đường Bùi Thị Xuân, với triều cường sông Sài Gòn, với những con người có tên và không tên đang còn hay đã mất, vô cùng thân thuộc mà như đang trôi dần ra xa tầm tay của Nhân.

11-bao-thuong

Về đi Nhân. Tiếng gọi của bà như níu kéo, như mời gọi, tha thiết, vô vọng. Bà đã mất. Còn Nhân vẫn phiêu dạt xứ người. Một mình Nhân nơi đó, bị hút vào nơi đó, "thỏi nam châm cô độc chỉ hút mỗi mình Nhân, mà sao Nhân vẫn muốn nó hút". Và thành phố quê hương Nhân thì càng ngày "càng lùi ra xa trong cơn thở, cơn nhớ, cơn mơ của Nhân".

Về đi Nhân. Tiếng gọi lặp lại với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Bỏ qua quyết định của Nhân - nhân vật trong truyện ngắn, âm hưởng của nó chắc chắn còn vang lên da diết trong tiềm thức những người con của đất Việt xa xứ.

Trần Đức Tiến


CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Hồn xưa cũ - Ảnh 4.
Hồn xưa cũ - Ảnh 5.
Hồn xưa cũ - Ảnh 6.
Hồn xưa cũ - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo