Hai vở diễn đầu tiên của mục tiêu hướng đến các tác phẩm sân khấu chất lượng cao là vở "Trần Hữu Trang" và "Lênh đênh bốn biển" (tập 2 của vở "Nợ nước non") - vở diễn này quy tụ diễn viên ở cả 2 miền Nam - Bắc.
Nối lại chuỗi đứt gãy
Sân khấu TP HCM một thời có rất nhiều vở diễn đỉnh cao được công chúng yêu thích, các nhà chuyên môn đánh giá cao như: "Người ven đô", "Chim Việt cành Nam", "Tình yêu và lời đáp", "Nàng Xê Đa", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tô Hiến Thành xử án", "Câu thơ yên ngựa", "Bão táp Nguyên Phong", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Rồng Phượng", "Chiến binh"… Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, thời gian gần đây vắng bóng những vở diễn gây chú ý dư luận.
NSND Lệ Thủy (trái) và NSND Ngọc Giàu trong vở “Đời cô Lựu” - một tác phẩm nổi tiếng của tác giả Trần Hữu Trang
Để nối lại chuỗi đứt gãy của sàn diễn TP HCM khi vắng bóng tác phẩm đỉnh cao, đầu năm 2023, Nhà hát Trần Hữu Trang đã triển khai nhiều hoạt động mới theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, trong đó có việc dàn dựng 2 vở diễn chất lượng cao: "Trần Hữu Trang" và "Lênh đênh bốn biển".
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, tác giả Trần Hữu Trang có nhiều công lao cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu dân tộc và sân khấu cách mạng. Có nhà hát mang tên ông nhưng 47 năm qua chưa có một tác phẩm nào viết về ông. Đó cũng là lý do ra đời vở "Trần Hữu Trang", kể về chàng trai trẻ Trần Hữu Trang đi theo các gánh làm thư ký chép vở, sau đó được Mười Giảng (tức Đặng Công Danh) hướng dẫn, dần dần ông trở thành soạn giả cải lương.
Vở "Lênh đênh bốn biển" được chuyển thể cải lương từ tác phẩm cùng tên của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ. Vở "Lênh đênh bốn biển" khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - người sẽ dàn dựng vở "Lênh đênh bốn biển", cho biết công trình này là sự phối hợp giữa 2 nhà hát dự kiến sẽ ra mắt vào dịp 19-5 - kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc 19-8 - kỷ niệm sự kiện Cách mạng Tháng 8.
Cần xây dựng đội ngũ sáng tạo
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay sân khấu TP HCM không thiếu đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề. Việc TP HCM chủ trương đầu tư 2 tác phẩm đỉnh cao sẽ giúp cho lực lượng văn nghệ sĩ phát huy tài năng. Văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng hiện nay tại TP HCM không thiếu nhân lực nhưng lại thiếu người làm nghề được đào tạo bậc cao, hướng đến những tác phẩm tiếp cận nền nghệ thuật tiên tiến của sân khấu thế giới.
Soạn giả Đăng Minh cho rằng: "Hiện nay các sản phẩm đa phương tiện và truyền hình gần như xem được mọi lúc mọi nơi, nhiều loại hình giải trí khác đã đổi mới hình thức để hấp dẫn khán giả thì hầu hết các vở kịch, cải lương vẫn cứ dựng theo mô-típ cũ. Cách viết, cách dựng các tác phẩm gọi là đỉnh cao rất cần có sự điều chỉnh ở góc độ này".
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng một số nước có nền sân khấu phát triển nhanh, mạnh mẽ như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… nhiều năm qua đã gửi người đi đào tạo ở nước ngoài nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi mang tính bứt phá. TP HCM cần chú trọng đầu tư cho đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật (đạo diễn, nghệ sĩ, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, sáng tác âm nhạc…), cho họ đi học nâng cao kiến thức, tay nghề tại các nước phát triển.
Những người trong cuộc nhận định sau thế hệ của đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Huỳnh Nga và các NSƯT như Hoa Hạ, Tường Trân, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Bạch Lan, Thành Trí, Tạ Xuyên, Mai Ngọc Căn, Đoàn Anh Thắng…, đến nay sân khấu cả nước nói chung và TP HCM nói riêng vẫn chưa tạo điều kiện cho thế hệ kế thừa tạo sự đột phá. Sân khấu thành phố cần trang bị kiến thức cho đạo diễn trẻ làm sân khấu cải lương và có chiến lược để đội ngũ này vận dụng cho sáng tác để tiếp nối thế hệ tài năng.
Bình luận (0)