Thời gian và những thăng trầm dâu bể đã tạo ra đám sương mù vây bủa các công trình, là đất sống cho những huyền thoại. Di sản sống động trong ký ức cộng đồng, ở phương diện giá trị kiến trúc vật chất (physical) đã đành nhưng còn có sức quyến rũ bởi đám sương mù ấy. Bản địa bạ và lý lịch công trình có khi vô phương tra cứu nhưng những câu chuyện mang màu sắc hư ảo thì cả một kho tàng.
ảnh Trương Vững
Bên cạnh bản lai lịch chi tiết về công phu xây cất, bao lần thay phiên đổi chủ, lớp lớp địa bạ và văn từ sang nhượng… nằm đâu đó trong các kho lưu trữ gia đình, văn khố thành phố hay quốc gia thì các di sản còn có vô số dị bản "địa bạ" khác trong ký ức dân gian. Các dị bản ấy được hình thành từ những câu chuyện truyền miệng đời nọ qua đời kia, qua cái nhìn xê dịch từ thế hệ này sang thế hệ khác về những sự kiện, nhân vật từng liên đới với công trình. Những biến cố, chân dung ấy được nhào nặn, phóng chiếu qua quan điểm người kể để câu chuyện vừa mang sắc thái riêng tư vừa bảo đảm tính ly kỳ.
Đa phần những biệt thự, dinh thự lớn thời Pháp thuộc thường biểu hiện sự uy quyền, sang cả của gia chủ hay sự vàng son của một giai đoạn đời sống kinh tế, chính trị - xã hội. Vì thế, chúng tạo ra sự chú ý đặc biệt của cộng đồng. Sự kín cổng cao tường, thế giới ẩn mật của chúng cộng với những ngưỡng vọng, khát vọng của người đời - về sự giàu có, quyền lực - đã tạo ra nhiều tò mò, đồn đoán và giả thuyết.
Điều gì xảy ra bên trong những dinh thự, biệt thự ấy? Những con người giàu sang phú quý sống trong các tư dinh; những sĩ quan, ông chủ, quan chức làm việc trong các công trình hoa mỹ sang trọng ấy có cuộc sống thế nào? Tuy xa cách về địa vị xã hội với đại chúng nhưng trong các thêu dệt dân gian, họ vẫn mang những nỗi khổ rất chung của cõi người như ta, chịu những biến cố, nỗi đau trong đời sống như bao kẻ bần cùng ở bên lề. Chỉ cần một manh mối, rục rịch ảnh hưởng nào đó xảy đến từ sau những sang chấn lớn của chính trị - xã hội, hay đôi khi chỉ cần một mất mát trong cuộc sống riêng tư gia đình họ, đã có thể là chất liệu cho những giai thoại truyền kỳ theo mô-típ "lầu son gác tía" (kiểu "lá ngọc cành vàng" chẳng hạn). Lâu dài, chúng được phóng đại thành những bí ẩn, huyền thoại lớn đi cùng đời sống của công trình.
Và đây mới là thứ hấp dẫn dư luận hơn cả. Sẽ không ai biết đích xác về những biến cố thật trong gia đình ông Hui Bon Hoa (chú Hỏa) nhưng bộ phim "Con ma nhà họ Hứa" của đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã đạt kỷ lục doanh thu của điện ảnh miền Nam vào năm 1973: 4,5 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa) trong ngày đầu ra rạp. Chính chất liệu huyền thoại phố phường đã tạo ra cho bộ phim ma này một sức hút đặc biệt.
Bộ phim chạm đúng nhu cầu được đắm mình trong huyền thoại giữa một bối cảnh hiện thực Sài Gòn trần trụi, nghiệt ngã, bất an của thời chiến. Những lời đồn thổi về bóng ma cô con gái ông tỉ phú và những dâu bể xảy ra với gia đình này, cộng hưởng cùng các trang truyện ly kỳ và có bề giật gân trên các báo chí bình dân, mà cao điểm là bộ phim nêu trên, đã khoác lên ngôi biệt thự bề thế một không khí phi vật chất, nằm ngoài những giá trị kiến trúc; làm cho nó thuộc về mỗi người vì ai cũng sở hữu câu chuyện về nó, ai cũng có thể tưởng rằng mình dự phần vào lịch sử của nó theo cách nào đó. Cái "cảm thức thuộc về" ấy làm nên một phần ký ức cộng đồng.
Những thay đổi xã hội, dâu bể trong đời sống đã xảy ra ở các đô thị miền Nam khá nhanh trong thế kỷ XX. Một phần huyền thoại về các công trình di sản thời Pháp thuộc còn bởi chính nguyên do từ những cuộc thay phiên đổi chủ chớp nhoáng, sự biến mất chớp nhoáng của nhân chứng dự phần vào công trình đồng thời là một phần của lịch sử sau các cú sốc chính trị. Những ông chủ, nhà quản lý, nhà buôn, sĩ quan người Pháp làm chủ các dinh thự, biệt thự trung tâm đột ngột đi vào bóng tối quá khứ hồi đầu thập niên 1950 khi lịch sử chiến tranh Đông Dương khép lại; những binh lính, sĩ quan, gia đình trung lưu theo chính quyền Việt Nam Cộng hòa mất hút sau năm 1975 đã tạo ra rất nhiều thêu dệt, nghi vấn, đồn đoán.
Các đứt gãy ấy trở thành chất liệu, khung sườn chính để huyền thoại phố phường được thêu dệt, những "bóng ma" được sáng tạo theo tư duy dân gian. Chúng sống cùng thời gian, cùng với sự cổ kính của công trình, không khí u ám nếu bị bỏ hoang, không được trùng tu… Nó hình thành nên một vùng khí quyển vây bọc lấy công trình, sinh ra cho đô thị thêm những vỉa tầng lấp lánh, như thể một đối trọng, làm cân bằng với sự duy lý và thực dụng của tha lực phát triển.
Nếu là công trình di sản kiến trúc tôn giáo, màu sắc huyền thoại còn được khuếch đại, bởi tất cả được đặt trong không khí hư ảo của đời sống tâm linh. Các ngôi mộ cổ trong giáo đường (như mộ phu nhân Toàn quyền Decoux ở nhà thờ Domaine de Marie, khu nghĩa địa trong lòng nhà thờ Đức Bà…), các sự kiện chính trị có sự hiện diện của công trình (như nhà thờ Cha Tam với biến cố đảo chính năm 1963) để lại những chuyện truyền kỳ dân gian khiến các chính biến khốc liệt, những vật đổi sao dời nghiệt ngã khoác lên màu sắc huyền hoặc, hấp dẫn.
Huyền thoại được sinh ra để phóng chiếu tâm lý thị dân, để chữa lành và hàn gắn sau những đứt gãy lịch sử. Huyền thoại cũng thường minh họa tính hư vô phổ quát của sự đời. Từ đó, màn sương mù ấy bổ túc cho hoang phế hay di sản vật lý một hàm nghĩa khác, một sự tồn tại khác lung linh huyền ảo trong tâm thức cộng đồng.
Huyền thoại phố phường đi với các di sản vật thể là thứ "kiến trúc mềm" của công trình, làm nên một phần linh hồn của nơi chốn. Tuy bàng bạc, mơ hồ và khó nắm bắt nhưng đây lại là một khía cạnh không thể bỏ qua khi nhìn nhận giá trị của các di sản kiến trúc. Huyền thoại - cảm thức thuộc về - ký ức cộng đồng là những điều cần được hệ thống một cách đầy đủ trước khi chạm tay vào xử lý công trình di sản, dĩ nhiên là bên cạnh một bộ hồ sơ chi tiết và mang tính chuyên môn, khoa học.
Tuổi thọ của huyền thoại phố phường về những công trình di sản có thể dài hơn rất nhiều lần so với sự hiện hữu của chính công trình đó. Thường thì trong xã hội càng văn minh hiện đại, con người ta lại càng dễ đắm mình trong những trò chơi ảo mộng, khi sự chi li lý trí đã trở nên thừa thãi.
Bình luận (0)