xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huỳnh Tuấn Anh mang khát vọng văn hóa Việt vào phim

Minh Khuê

Chọn đường đi hẹp, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt qua phim, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh kiên định nhiệm vụ của người đi ngược hướng quá khứ để đến tương lai

Sau phim "Lô tô" tạo được sự chú ý của người trong giới bởi câu chuyện và cách kể nhân văn, giàu cảm xúc, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tiếp tục dự án điện ảnh mới "Gạo chợ nước sông", mang nghệ thuật cải lương lên màn ảnh rộng. Phim có kinh phí đầu tư lên đến 14 tỉ đồng, bối cảnh tái hiện Sài Gòn những năm 1970 - giai đoạn cải lương cực thịnh.

Biết trân quý di sản văn hóa ông cha

Dự án phim "Gạo chợ nước sông" được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh giới thiệu vào tháng 2 tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, dự kiến bấm máy tháng 6 nhưng phải dời lại. Anh chia sẻ ban đầu định tổ chức một đoàn cải lương lưu diễn ở tỉnh như trong phim "Lô tô", đưa về quê diễn hát nhưng lại lo ngại hình thức này quá giống trong "Lô tô" nên quyết định đổi hết, tập trung vào hình ảnh Sài Gòn xưa đến 85%. Việc dựng bối cảnh cho phim khiến kinh phí dự kiến ban đầu 8 tỉ đồng tăng lên 14 tỉ đồng. "Tôi phải gọi điện đến các nhà đầu tư cũ để trình bày những thay đổi, thuyết phục họ và tìm kiếm những nhà đầu tư mới. Đến nay, phần kinh phí đã xong, chỉ còn chờ tháng 9 bấm máy. Tôi chọn địa điểm ở Bà Rịa - Vũng Tàu để phục dựng bối cảnh Sài Gòn xưa vì ở đây có địa điểm giả Sài Gòn tốt" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

Huỳnh Tuấn Anh mang khát vọng văn hóa Việt vào phim - Ảnh 1.

Poster phim "Gạo chợ nước sông". (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Khi được hỏi vì sao lại chọn đưa cải lương lên màn ảnh rộng ở thời điểm cần những câu chuyện hiện đại hơn, dễ thu hút giới trẻ - đối tượng chính đến rạp hiện nay, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trả lời rằng: "Tuổi thơ tôi, cải lương là một phần không xóa được. Thêm vào đó, tôi là người học đạo diễn sân khấu, tốt nghiệp bằng vở cải lương. Nhưng lý do khiến tôi quyết tâm đưa cải lương lên màn ảnh rộng còn xuất phát từ đam mê của mẹ. Bà từng có thời ăn ngủ cùng cải lương, mê vô cùng. Nay mẹ đi xa, phim như một nén tâm nhang dâng lên bà. Đó là ký ức, hoài niệm dành cho mẹ và cũng là quá trình ý thức sâu sắc, không đứt gãy của tôi về việc bảo tồn văn hóa dân tộc" - Huỳnh Tuấn Anh thổ lộ.

Để có thể tạo nên xúc cảm cho những phim như "Lô tô" hay "Gạo chợ nước sông", Huỳnh Tuấn Anh đã có những khoảng thời gian đi theo các gánh "Lô tô", đoàn hát từ suốt năm 2000-2004. Anh quan sát, tìm hiểu cuộc sống của họ và tích lũy thêm kiến thức qua sách, những buổi trò chuyện ở viện dưỡng lão nghệ sĩ. Ngoài việc đi nhiều, đọc nhiều, anh còn nhờ tư vấn về phục trang, âm nhạc, các trích đoạn tuồng tích đưa vào phim. Anh quyết tâm làm đúng toàn bộ các khâu thuộc lịch sử cải lương.

"Sau cải lương, tôi làm về ca trù, ca Huế" - Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

Chọn lối đi hẹp

Huỳnh Tuấn Anh sinh năm 1982 tại Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; từng tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm và đi dạy văn tại một trường THPT ở TP HCM. Sau 6 tháng làm nghề giáo, anh nhận ra mình không thuộc về công việc này mà đam mê văn nghệ nên quyết định bỏ việc, về quê làm tại trung tâm văn hóa. Thời điểm đó, anh cảm thấy vui dù lương thấp, công việc cực nhọc so với giảng dạy. Để làm nghề chuyên nghiệp hơn, anh trở lại TP HCM thi vào Khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP và ghi dấu ấn đầu tay với phim "Lô tô".

Huỳnh Tuấn Anh mang khát vọng văn hóa Việt vào phim - Ảnh 2.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Chọn con đường hẹp để đi là khai thác văn hóa dân tộc chứ không phải những câu chuyện tình cảm hài theo lối thương mại đang phổ biến hiện nay trên màn ảnh rộng nhưng Huỳnh Tuấn Anh tự hào về lựa chọn của mình. Anh khẳng định đường đi hẹp đôi khi lại là đường đi rộng. Anh biết nó khó, vất vả nhưng làm một cách sung sướng với mục tiêu trở thành đạo diễn chuyên làm văn hóa của Việt Nam.

Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, làm phim văn hóa cần phải biết gõ cửa đúng nhà đầu tư. Đối với dự án văn hóa phải là nhà đầu tư tâm huyết, yêu văn hóa. Ban đầu, anh gõ sai nên luôn bị từ chối bởi dòng phim này khó lời, kén khán giả, nhà đầu tư luôn trong tâm thế hòa vốn là may. Dần dần, anh rút được kinh nghiệm và biết phải gõ cửa ai. May mắn, anh gõ đúng cửa những người tâm huyết với văn hóa dân tộc, cảm ơn và trân trọng họ.

"Tôi quan niệm phim mình không lãi nhiều nhưng buộc phải để lại điều gì đó thật ý nghĩa như "Lô tô". Sau phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" và "Lô tô" của tôi, người ta có cái nhìn khác về người làm nghề này, yêu thương hơn, cảm thông hơn" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói. 

Nhiều mục tiêu

Chọn mốc thời gian 1970, khắc họa giai đoạn cải lương cực thịnh với một Sài Gòn hoa lệ cho "Gạo chợ nước sông", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhắm đến nhiều mục tiêu. Anh nhận định đây là giai đoạn sân khấu cải lương thâu tóm tất cả tinh hoa nghệ thuật mà điện ảnh và các loại hình giải trí khác chưa có được. Cải lương lúc này chưa cải biên, cực thịnh nhờ hội đủ yếu tố về tuồng hay, ca diễn tốt...

"Khi phim ra mắt, tôi muốn khán giả hiểu về cải lương, tự hào và yêu cải lương hơn" - anh kỳ vọng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo