Một chuyện thôi nhé." "Ba chuyện đi" - bạn nhỏ vòi vĩnh. Người cha trả treo: "Hai chuyện nhé". "Dạ, hai chuyện cũng được, mà ba phải kể chuyện nào vui thiệt là vui. Nếu con không cười là ba phải bù bằng chuyện khác" - bạn nhỏ háo hức.
Chuyện ba trốn học đi câu cá bị bà nội đánh đòn. Chuyện ba thức dậy sớm vô nghĩa địa bắt dế bị bạn bè nhát ma. Chuyện ba lén thử uống rượu rồi say năm học lớp 2. Chuyện ba lấy ná bắn một con gà nhà hàng xóm năm lớp 4. Rồi chuyện từng người bạn, con sông, bờ ao, con gà, con chó… Cứ thế, tất cả trở về sống động, thân thương.
Người cha tuổi 40 đã có 20 năm mài mòn gót giày hết thành phố nọ đến thành phố kia, nay nằm bên đứa con trai 6 tuổi, thổn thức mở kho tàng chuyện quê làm quà để tâm hồn thấy chút thênh thang sau cả ngày trời quanh quẩn với chung cư, văn phòng, thang máy, kẹt xe, bê-tông, khói bụi của thành phố.
Rồi cha con nằm cười rúc rích trong bóng tối. Bạn nhỏ lay lay cái răng sắp rụng, thả cái nhìn ngây thơ vào đêm đen, cười thích thú khi nhớ về những chi tiết ngớ ngẩn mà người cha vừa kể. Có hôm, bạn quay sang mách mẹ: "Hồi đó ba nghịch lắm nhưng đi học điểm vẫn xếp thứ tư trong lớp". Bà mẹ - trẻ hơn người cha một chút - giọng như mớ ngủ: "Ừ, vậy là khá lắm rồi, cứ tưởng…".

Cái vùng trời tuổi nhỏ đó cứ đi về hằng đêm, trước khi cả "hai thằng bé" ôm nhau ngủ. Nhiều đêm thức giấc, người cha thấy bạn nhỏ ôm chặt tay mình, để bàn tay rắn rỏi cọ cọ lên mặt. Có lẽ những vết chai sần khi mùa gió lạnh về, những vết nứt nẻ kham khổ trên da thịt của dân vùng vôi, vùng phèn tỏa ra một mùi hương nguồn cội nào đó chăng?
2. Ngày đó, khi người cha bằng tuổi bạn nhỏ bây giờ, người lớn trong nhà giao cho cậu một việc rất chi hệ trọng: Đi theo trông coi ông nội.
Thực ra thì ông nội vẫn khỏe mạnh, vẫn đi lại rất ổn, chỉ có đầu óc đã lẫn. Sáng sáng, khi mọi người đi làm, ông nội ngồi xếp hai túm áo quần, cột vô hai đầu đòn gánh, thủng thẳng tìm đường "về làng".
Khi ấy chỉ thấy canh chừng ông nội là một việc quá nhọc chứ đâu biết lúc theo chân người lẫn, ta cũng được nghe bao chuyện hay ho về những thứ không còn trên đời. Đó là một vùng quê quán xa mù mà sau này sống đến nửa đời người, đứa bé khờ khạo ấy vẫn chưa có dịp đặt chân về. Nào cảnh vật trên đường, nào bờ ao, mẩu ruộng, đâu là đất hương hỏa, đâu là nhà thờ họ… Trí nhớ của người lẫn làm một cuộc quy hồi, phủ lên thực tại những cảnh sắc sống động đau đáu trong ký ức.
Đứa bé năm ấy ngồi nhắm mắt hình dung một vùng quê thanh bình mà người lớn, ở thế hệ ông nội, buộc phải rời đi vì binh lửa. Mãi sau này, cậu mới lý giải được cái cách cột túm áo quần vào hai đầu chiếc đòn gánh rồi chạy bộ là "kỹ năng" có từ thời chiến, từ những cuộc di tản tránh bom đạn và những chuyến về làng trong tất tả khi đất chôn nhau đã nguội khói súng.
Ông nội cứ đi miên man với đòn gánh và hai túm đồ trên vai. "Tau về làng. Răng tụi bây không để cho tau về làng với cha mạ, anh chị tau, thắp nhang thờ tự tổ tiên?".
Có hôm bị đứa cháu sắp đặt mưu mẹo theo lối nghịch ngợm trẻ con, dẫn đi lòng vòng, đi hoài không về tới làng, ông nội ngồi dựa gốc cây mà khóc: "Cha mạ ơi, biết khi mô con mới về được với cha mạ"…
3. Trên một sân thượng của khu nhà trọ ở xóm ga Sài Gòn, những chiều tháng tư hừng hừng nóng, cha tôi ngồi phanh ngực áo, phô ra mấy cọng xương sườn xanh xao gầy rộc. "Ba buồn khi con cứ đi lang thang hoài, không nói chuyện được với nhau. Ba thấy tuổi tác và bệnh tật khiến ta không còn gặp nhau nhiều nữa. Ba sẽ kể con nghe về thời thanh niên của mình, để con hiểu cuộc đời ba có những nỗi buồn, những cuộc bể dâu buồn tủi…" - cha nói.
Gã thanh niên 30 tuổi ngang tàng, ngày thường không chịu nổi khi nghe cha mình nói tới câu thứ hai. Vậy mà khi ấy, gã lại nằm chèo queo như con mèo ốm đói dưới đôi chân đầy sẹo, bủng beo của cha để nghe về những biến cố mà ông đã trải qua.
Những giấc mơ học thuật của chàng sinh viên Ban Triết bị gãy đổ bởi chiến tranh ác liệt, những người bạn ngã xuống trên chiến trường và cả chuyện thất lạc người tình do di tản… Gã bệ rạc nằm chèo queo chờ người cha từng trải tiếp sức sống bằng những câu chuyện về một thời đại mà gã không thuộc về. Gã nhắm mắt hình dung bao vấp ngã trong đời mình với những sấp ngửa trong câu chuyện kia là một. Gã nghe nhịp tim của hai người đàn ông bỗng vỗ chung một nhịp khắc khoải giữa đời, dù những phút ấy thật ngắn ngủi, muộn mằn.
"Chuyện ngày trẻ của ba là như vậy. Bây giờ ba thấy mệt rồi, ngày mai sẽ kể tiếp cho con nghe". Gã thanh niên cứng đầu năm đó cứ trông cho chiều xuống, hai cha con kéo ghế lên sân thượng ngồi hóng gió, nghe tiếng còi tàu thâm u rời ga và câu chuyện rì rầm vọng về từ những ngày xưa nào đó dần khép lại. Người đàn ông kiệt quệ, người - bạn - vong niên mang nhiều uẩn khúc trong lòng, không lâu nữa sẽ vắng bóng vĩnh viễn trên đời, mang theo cả những điều chưa kịp kể.
4. Ngày còn thơ bé, thiếu cái đọc, tôi nhằn đi nhằn lại đến thuộc lòng tập truyện "Khi bố còn thơ" của nhà văn Nga Alexander Raskin. Cuốn truyện này tập hợp những chuyện kể nho nhỏ của một người cha yêu con. Mỗi lần đứa con lên cơn sốt, người cha sẽ kể cho con nghe một câu chuyện vui về thiếu thời của mình. Thế là đứa bé đi qua cơn sốt một cách dễ chịu nhất.
Bây giờ, nằm kể chuyện cho bạn nhỏ có khai sinh tuổi thơ gắn với thành phố, tôi chắt chiu từng chút cỏ hoa và mưa gió trong vùng trời ký ức của một ông nội bị lẫn, của một người cha lạc thời với đủ vị chua cay đắng xót. Đó là một hành trình liền lạc có buồn vui thăm thẳm trong cuộc viễn du của một gia tộc.
Những kho chuyện kể đang tìm cách gắn kết, như những mô nước trong lòng đất tự trổ đến nhau để tạo ra nguồn mạch, rồi từ nguồn mạch trổ ra sông suối, thành dòng mà lưu chuyển vào mênh mông cuộc đời.
Nằm sát lại đi, bạn nhỏ! Người cha tuổi 40 khẽ khàng vuốt ve mái tóc đứa con trai đang áp tai lên ngực mình. Anh cố tìm lại nhịp thở đều. "Ừ, thì ba sẽ kể những chuyện mà con có thể cười, để lớn lên trong niềm vui, con nhé".
Bình luận (0)