Quãng thời gian ngắn ngủi ấy đủ cho "con trai của rồng" (ý nghĩa cái tên Ryunosuke, do ông sinh vào năm Thìn, tháng Thìn, ngày Thìn, giờ Thìn) kịp để lại một sự nghiệp đồ sộ, mở đường cho truyện ngắn hiện đại Nhật Bản.
Truyện ngắn của Akutagawa từ lâu đã được dịch sang tiếng Việt, in trong nhiều tuyển tập truyện ngắn khác nhau và lôi cuốn nhiều dịch giả tham gia thử sức. Ấn bản gần đây nhất có thể kể đến "Cuộc đời một kẻ ngốc" do 2 dịch giả Phạm Bích và Đỗ Nguyên thực hiện (DTBooks và NXB Văn học, 2019).
Dù đã có nhiều tuyển tập in trước đó nhưng rất khó cho bất kỳ một tuyển tập riêng lẻ nào có thể bao quát được tất cả truyện ngắn của Akutagawa, trải qua các thời kỳ với những diễn biến, thay đổi trong bút pháp, sáng tạo. Đấy là còn chưa nói đến chất lượng tác phẩm khá đồng nhất nên thật khó cho những người tuyển chọn. "Cuộc đời một kẻ ngốc" cũng thế. Dù vậy, những người thực hiện tập sách này đã nỗ lực đem đến cho độc giả một cái nhìn khái quát về diện mạo của một trong những nhà văn lớn xứ Phù Tang, thường được xếp cùng với Natsume Soseki (1867-1916) và Mori Ogai (1862-1922) như "tam tổ" khai sinh ra văn học Nhật Bản hiện đại, có sức ảnh hưởng lên văn chương của các nhà văn hậu bối mãi đến ngày nay.
Tập truyện "Cuộc đời một kẻ ngốc" mở đầu bằng "Nước dòng sông lớn" viết năm 1912, khi Akutagawa còn là sinh viên và chưa có dự định rõ ràng với nghiệp văn chương. Và kết thúc bằng truyện ngắn "Cuộc đời một kẻ ngốc" viết năm 1927 trước khi ông qua đời ít lâu.
Có thể thấy ở tản văn "Nước dòng sông lớn" tuy chưa định hình được phong cách riêng của ông nhưng ẩn hiện trong đó nỗi buồn man mác phảng phất vẻ u hoài rồi sẽ còn ở lại trong văn chương của ông rất lâu. Từ tác phẩm vẫn còn thấp thoáng một thứ văn chương học trò này, chỉ trong vòng 15 năm, Akutagawa Ryunosuke đã dựng lên một thế giới phong phú và sinh động về cõi nhân sinh bị bủa vây bởi cái ác, tham tàn, nơi con người chỉ còn là những tạo vật bị thánh thần bỏ rơi trên trái đất phải đối diện với cái bóng của chính mình. Không truyện ngắn nào diễn tả chủ đề này rõ hơn "Rashomon" hay còn được độc giả Việt Nam biết đến với tên "Lã Sinh/Sanh Môn".
"Rashomon" khơi dậy cảm hứng để đạo diễn lừng danh Kurosawa Akira thực hiện bộ phim cùng tên năm 1950, giành giải cao nhất Liên hoan Phim Venice: Sư tử vàng, đồng thời đoạt giải Oscar, được xem là niềm tự hào của điện ảnh Nhật Bản, cũng như phim kinh điển của điện ảnh thế giới.
Phim “Rashomon” chỉ mượn hình ảnh cánh cổng “Lã Sinh”, cũng như tái hiện lại cái không khí khi trú mưa trong một ngày thê lương buổi đầu phim như phần dẫn đi vào nội dung chính. Chủ yếu, nó dựa vào một truyện ngắn khác cũng của Akutagawa: “Trong rừng trúc” hay còn có tên “Bốn bề bờ bụi”.
Đây là truyện nổi tiếng nhất của Akutagawa, mà nếu bất kỳ một tuyển tập hay công trình nghiên cứu nào về nhà văn mà không nhắc đến truyện này, kể như chưa nói gì về Akutagawa cả. Ở truyện ngắn này, người đọc không chỉ thuần túy như kẻ ngoài cuộc, mà tham gia trực tiếp vào câu chuyện. Vận dụng bút pháp mờ hóa, nhà văn khai mở hết mọi khả năng làm cho không chỉ tồn tại một câu chuyện thuần nhất hay một sự thật chung quyết, mà sự thật nằm ở lòng người, ở sự tin tưởng cũng như khả năng đánh giá của mỗi độc giả.
Cùng với "Trong rừng trúc" (1921), những truyện ngắn "Cái mũi", "Địa ngục" và "Kappa"… đã tạo nên vị thế không thể nào lay chuyển được của Akutagawa Ryunosuke trong văn chương thế giới.
Tuy vậy, những thành công đó không khỏa lấp nổi sự dằn vặt đau khổ về thể phách cũng như tinh thần của nhà văn do chứng bệnh thần kinh. Akutagawa chấm dứt cuộc đời khi đang ở độ tuổi đẹp nhất, bằng hai liều thuốc độc.
Tưởng niệm ông, giải Akutagawa ra đời, trở thành giải thưởng văn chương uy tín nhất Nhật Bản đến tận hôm nay.
Bình luận (0)