Sức ảnh hưởng lớn của mạng xã hội đã tác động đến lĩnh vực du lịch. Hiện có rất nhiều kênh YouTube quảng bá du lịch Việt Nam, bên cạnh sự đồng hành của các ca sĩ, nhạc sĩ khi khai thác hình ảnh đẹp của đất nước, con người, địa danh trong sản phẩm video âm nhạc (MV).
Lựa chọn phong phú
Trong đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid -19, dễ dàng tìm thấy trên YouTube các kênh khám phá di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa, ẩm thực truyền thống của người Việt Nam. Hiện tượng này cho phép người dùng mạng xã hội có nhiều lựa chọn, như đi vào ngóc ngách từng địa danh ("Hữu khám phá", "Sa Pa TV", "Hà Nội Phố", "Challenge Me - Hãy thách thức tôi"), lang thang về miền Tây sông nước ("Khoai lang thang"), ngắm nhìn phong cảnh Việt từ trên không ("Flycam 4K", "Fly Around Việt Nam")…
Điều đáng ghi nhận là sự chăm chút của từng góc máy chuyên nghiệp đã khái quát được nhu cầu tham quan, khám phá di sản văn hóa và nét đẹp địa danh của người mê du lịch. Anh Lê Phú Hữu, chủ kênh "Hữu khám phá", cho biết ban đầu anh chỉ quay video nhằm lưu giữ những chuyến tham quan du lịch đến các địa điểm di tích lịch sử để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, về sau, anh muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với mọi người. "Và từ đó nhận được sự phản hồi tích cực của người xem, để qua mỗi sản phẩm tôi nhận được sự góp ý và làm tốt hơn ở lần sau" - anh Hữu cho biết.
Cảnh trong MV “Bao la Việt Nam” thu hút đông lượt truy cập trên mạng xã hội Ảnh: HẰNG ĐINH
Tuy nhiên, đẹp thôi chưa đủ để nói lên những thông điệp mà YouTube du lịch Việt Nam cần truyền đến khán giả. Đa số ý kiến cho rằng lời bình chưa thật đặc sắc, vẫn còn nhiều bài viết sao chép từ các tư liệu sẵn có trên mạng và nhiều clip đọc rất ngô nghê. Một sản phẩm có nội dung hấp dẫn, phong cách mới lạ, kỹ xảo quay và dàn dựng video chuyên nghiệp cần chinh phục và thôi thúc người xem đến tận nơi trải nghiệm.
"Kiến thức văn hóa và cách tiếp cận thông tin, khai thác theo từng góc nhìn của người thực hiện, biên tập clip du lịch trên YouTube rất quan trọng. Nếu làm cho có, đáp ứng nhanh thì chẳng đọng lại điều gì cho ngành du lịch, nhất là phải quảng bá được nét đẹp văn hóa, di sản độc đáo không ở đâu có của đất nước ta" - NSND Trần Minh Ngọc nhận xét.
Không thể tùy tiện
Những MV gần đây cũng cho thấy sự khát khao cùng chung tay đóng góp cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch Việt Nam đang gần như kiệt quệ vì dịch Covid-19. Riêng với khán giả xem MV thuần hướng nghệ thuật, sức hút của những sản phẩm này đến từ khuôn hình tạo được nét đẹp lung linh tự thân của các cảnh đẹp Việt Nam.
Đúng như tên gọi, MV "Bao la Việt Nam" gần như đưa tất cả danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước hình chữ S vào trong khuôn hình. Với phần thể hiện của 12 nghệ sĩ, MV có giai điệu vui tươi, sôi động này đã khơi dậy tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam trong lúc phần lời cũng nói lên niềm tự hào của tinh thần Việt Nam.
Thực tế, có nhiều sản phẩm nghệ thuật quảng bá hình ảnh đất nước, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển được đánh giá cao như: "Welcome to Vietnam" (Chào mừng đến Việt Nam), "Nàng thơ xứ Huế", "Thơ tình của núi", "Mời anh về Tây Bắc", "Thơ tình của núi", "Vì một Việt Nam", "Quảng Bình ơi", "Đà Nẵng nhớ bạn"... Các sản phẩm MV - nghệ thuật có chung mục đích lan tỏa những hình ảnh đẹp nhất của Việt Nam đến mọi người trên thế giới, đồng thời khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên, cách khai thác rất dễ bị trùng ý tưởng, gây nhàm chán khi cứ sử dụng các hình ảnh quen thuộc.
NSND Phương Bảo nhận định: "Cứ quay cảnh đàn tranh mà ngồi bên thác nước, đàn tì bà ngồi trong khuôn viên chùa, chưa kể sử dụng nhạc cụ sai, cách ca sĩ gảy đàn cũng sai, trang phục trái ngược với hình ảnh".
Theo các nhà chuyên môn, MV - nghệ thuật sẽ là món quà tuyệt vời dành tặng khán giả, là cầu nối để hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp, giàu bản sắc văn hóa đến gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế. Tuy nhiên, nếu làm theo kiểu tùy tiện, không có sự đầu tư thì sẽ gây hiệu ứng ngược.
Bình luận (0)