. Phóng viên: Cho đến thời điểm này, nhìn lại quá trình gắn bó với sân khấu, anh nghĩ gì về khái niệm được và mất?
Nghệ sĩ KHÁNH TUẤN
- Nghệ sĩ KHÁNH TUẤN: Tôi thích câu thơ của tác giả Nguyễn Phương khi ông đưa vào tác phẩm "Cho ngày nắng ấm": "Cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng". Vậy nên trong tôi không có khái niệm được - mất mà cứ rong ruổi khắp nơi, kết giao với nhiều đồng nghiệp, làm đủ việc mình thích. Tôi học ở họ niềm đam mê và lắng nghe những trăn trở của họ trong cuộc sống. Một lần NSND Huỳnh Nga nói với tôi: "Mày sống như thế là bằng ba cuộc đời của người khác rồi, kép độc chẳng có gì phải hối tiếc".
. Vì sao kép độc bằng ba đời người khác?
- Trước hết hình ảnh này mang 3 yếu tố: kẻ gieo rắc hoài nghi, hả hê trước nỗi đau người khác và bất chấp thủ đoạn. Cái tôi của diễn viên vốn dĩ hiền lành, nhưng ông Tổ cho cái duyên đóng kép độc, hành trình hóa thân buộc phải sống khác mình. Và ở một tầng cảm xúc cao hơn trong mỗi vai diễn, "kép độc" là tác nhân gây bao tội lỗi, mà tôi vốn có giọng ca nên các soạn giả, đạo diễn thích để vai diễn của tôi mang một chút ăn năn, sám hối vào giờ chót, nên cuộc sống của vai diễn mà tôi đảm nhận trải qua ba "kiếp đời": hiền lành, hung ác và sám hối. Tôi diễn vai Hai Cang trong vở "Tướng cướp Bạch Hải Đường", đến đoạn hành hạ nhân vật Nhung, lúc nào diễn ở tỉnh cũng bị các má, các dì chửi, nhưng rồi khi ra về, khán giả đón ở lối ra của hậu trường để biếu bánh tét, bánh tráng, xoài, quýt… Tình cảm đó khiến tôi không thể thôi diễn kép độc.
. Anh học từ vị tiền bối nào cách thâm nhập nội tâm và diễn các vai phản diện?
- Tôi như con ong thích bay khắp nơi hút nhụy ngọt từ các vườn hoa đẹp. Mỗi người nghệ sĩ đi trước đều có kinh nghiệm diễn xuất để tôi học. Ở bác Văn Ngà tôi học cách thoại khẳng khái, oai phong; chú Hùng Minh là ánh mắt, giọng cười; bác Diệp Lang nói trong ca, ca trong nói, phản ứng nhanh nhẹn, đối đáp thông minh, sắc bén; chú Nam Hùng thần thái trong từng vai diễn, diễn kép võ mỗi đường gươm như nét cọ chấm phá tuyệt chiêu; bác Trường Xuân là phong cách diễn hài độc - lẳng, phán đoán tài tình; ở sân khấu tuồng cổ có bậc thầy kép độc Thanh Tòng, Bửu Truyện, sau này là anh Công Minh, Chí Bảo, Thanh Sơn, Hữu Huệ… Mỗi người đều có "bảo bối" để tôi chiêm nghiệm, đúc kết.
. Để diễn vai kép độc đa dạng, cần trang bị kỹ thuật gì?
- Mỗi đoàn hát tôi đi qua đều cho tôi nhìn rõ khuynh hướng sáng tác, đạo diễn để học và vận dụng. Thành tố được xem là chất liệu để sáng tạo chính là bám chặt tình huống quy định của kịch bản. Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn luôn mở ra cho "kép độc" nhiều cách thể hiện. Nếu không nắm vững tinh thần này sẽ sa đà, lệch khỏi quỹ đạo và vai diễn mờ nhạt thì không thể bùng phát mâu thuẫn, xung đột.
. Chắc anh cũng nhận ra khuyết điểm của mình?
- Đôi khi tôi muốn làm cho sân khấu nóng lên, đã không tiết chế khiến vai diễn ồn ào. Điều này khiến tôi vuột mất HCV trong vở "Tiếng vọng hang hòn" tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018. Sau đó, qua phân tích của nhiều nhà chuyên môn, tôi tham dự Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương Trần Hữu Trang năm 2020, với vai Lê Chiêu Thống, tôi đã được trao HCB.
. Dường như ý thức được cái ưu, cái nhược nội tại của đời sống cải lương hiện nay mà anh đã có những bước chuyển hiệu quả?
- Một mình tôi vận động, xoay chuyển thì được gì? Phải tạo chiến lược cho sự chuyển mình của sân khấu cải lương. Giữa bối cảnh hội nhập nhiều biến động, khâu kịch bản sa vào giai đoạn cực điểm khủng hoảng. Thiếu kịch bản hay thì khó mà thu hút khán giả.
Nghệ sĩ Khánh Tuấn trong vai Lê Chiêu Thống - trích đoạn “Trời Nam” của tác giả Lê Duy Hạnh
. Anh có hàng trăm vai diễn thành công. Quá trình tìm chất liệu thể hiện vai diễn đối với anh có khó nhọc lắm không?
- Tôi dành thời gian xem phim, trao đổi kinh nghiệm với các bậc tiền bối. Hồi bác Văn Ngà còn sống, cứ rảnh là tôi chạy sang nhà bác để trò chuyện, học hỏi. Cái khó luôn ám ảnh tôi, vì thế để không bị áp lực buộc tôi phải luôn học cách diễn mới. Tôi quan sát cuộc sống, lắng nghe và khơi gợi mầm yêu thương dù chỉ là một tia nhỏ trong khát vọng được làm người lương thiện từ vai phản diện.
. Anh đã đi lên từ cơ cực trong nghề, có nhiều trải nghiệm đáng quý?
- Tôi đam mê nên từ nhỏ đã thích theo gánh hát. Ước mơ vẫn là thích đóng kép độc, dù có lúc thấy kép chánh được săn đón, giá cát-sê cao, nhưng bác Trường Xuân hồi đó thường vỗ đầu tôi: "Mày theo nghề hát kép độc ăn bền, kép chánh chỉ có một thời thôi con!". Hành trình của tôi chính là tìm sự bền chắc trong nghề, nên gian nan, khổ cực, nghèo khó tôi không sợ, chỉ sợ vai diễn của mình nghèo sáng tạo.
. Các sàn diễn xã hội hóa đang cần sự tiếp sức của nhiều nghệ sĩ tâm huyết để thúc đẩy hoạt động và để sân khấu tiếp tục sáng đèn. Anh có đề xuất gì?
- Nghệ sĩ ngày nay phân tán nhiều nơi, chưa hội tụ lại để tạo lực hút. Thiếu sự quản lý để có cái nhìn rộng hơn, bền hơn từ các nhà tổ chức. Theo tôi, nếu có đề xuất thì phải chọn những mấu chốt trọng tâm mà đầu tư cho sàn diễn cải lương. Trả lại sự chuẩn mực trong từng khâu sáng tạo tác phẩm: kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, trang phục, âm thanh, ánh sáng… Lực lượng diễn viên giỏi, trẻ trung, năng động không thiếu, chỉ thiếu nhà đầu tư có những quyết sách hữu hiệu cho sàn diễn sáng đèn.
. Anh có dự định sẽ làm nghề đạo diễn?
- Tôi cảm ơn những gian nan đã cho tôi nghị lực để đi tới cùng ước mơ diễn kép độc. Nghề đạo diễn khó lắm, không phải ai làm cũng được. Đạo diễn kịch, phim đã vất vả, thì đạo diễn sân khấu cải lương vất vả hơn nhiều. Vì phải am hiểu bài bản, điệu thức, tính chất đặc thù của sân khấu cải lương. Tôi đặc biệt yêu thích trường phái "Thật và đẹp" của bác Năm Châu và mơ ước trong đời được diễn những vai "kép độc" trong vở tuồng của bác.
Con mình đóng vai thằng ác
Nghệ sĩ Khánh Tuấn kể, hồi xưa cực khổ lắm. Má cho tiền mua sách vở, anh dành tất cả để mua bài ca cổ về học. Bị đòn nhưng không khóc. Ngày đầu ra sân khấu làm quân sĩ, má anh nói biết bao giờ anh mới thoại được một câu. Má khuyên anh bỏ ước mơ làm kép hát, về quê làm ruộng. Nhưng anh hứa, "con sẽ ra sân khấu không chỉ nói nhiều mà còn hát, còn múa cho má xem". Suất hát đầu tiên anh đóng vai kép độc, má xem về cứ nhìn anh rồi khóc. Ai đời con của mình đóng vai thằng ác. Khán giả không thương lấy đâu tiền mua gạo? Anh xòe tay đưa hết tiền lương suất hát cho má. "Có tiền mua gạo đủ ăn một tháng luôn nè". Má anh lại khóc vỗ đầu: "Vậy mai cho má đi coi con hát nữa nhé".
Nhiều quán quân... thất nghiệp
Nghệ sĩ Khánh Tuấn nhận lời với Ban Lý luận phê bình - Hội Sân khấu TP HCM tham gia các buổi "giao lưu - truyền nghề". Anh mừng vì các bạn trẻ hiện nay thích diễn kép độc, họ chịu khó đi học, trải nghiệm và dấn thân để đạt kết quả tốt trong diễn xuất.
Nhận xét về các bạn trẻ đến với các cuộc thi tìm kiếm tài năng và game show hiện nay, nghệ sĩ Khánh Tuấn cho rằng họ tự tin, giỏi và thông minh. Nhưng qua các cuộc chơi cũng tạo cho họ sự ỷ lại, xem sự thành công quá dễ. Có nhiều quán quân từ các cuộc thi này sau khi lãnh giải đều… thất nghiệp.
Đối với các em từ game show mà ra nghề, khi có cơ hội anh khuyên nên học hỏi và đúc kết nhiều hơn nữa. Nghề diễn viên không dễ như họ nghĩ. Có một số bạn trẻ muốn thành công với nghề nhưng lại xem nhẹ việc rèn luyện. Nghệ sĩ Khánh Tuấn cho rằng khi sàn diễn chuyên nghiệp, được đầu tư nghiêm túc thì sân khấu luôn mở cửa chào đón những tài năng trẻ.
Bình luận (0)