Theo tác giả, Tết nguyên đán là lễ Tết cổ truyền, thiêng liêng và trọng đại của dân tộc ta, chính vì vậy nên được gọi là Tết cả. Tầm mức quan trọng của Tết bắt rễ sâu xa trong tinh thần và tình cảm của người dân là tất thảy đều coi Tết là thời điểm thiêng nối kết trời với đất, cõi âm với cõi dương, lịch đại tổ tiên với con cháu hiện tồn và hơn hết là nối kết sợi dây tình cảm thân ái với gia đình, gia tộc, với bạn bè thân hữu, với láng giềng chòm xóm, với cộng đồng xã hội...
Ở bình diện lịch sử, trải qua biết bao nhiêu đời, biết bao nhiêu thế hệ, lễ tiết giao mùa của dân tộc ta thành Tết tháng tám, định hình trên đồ án trang trí của mặt trống đồng Đông Sơn. Rồi sau đó, trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của lịch pháp và phong hóa phương Bắc, dần dần Tết nguyên đán được xác lập thành Tết cả. Mục đích và nội dung của Tết cũng thu nạp thêm nhiều thành tố mới từ điển lệ Nho giáo, các đối tượng thờ cúng, những tín điều và các kiêng kỵ của Đạo giáo, Phật giáo... tạo nên một phức thể đa dạng và phong phú. Mặt khác, tự thân sự phát triển xã hội, sự tiến bộ của từng thời đại cũng dẫn đến sự biến đổi về quan niệm tư tưởng, hình thức trải nghiệm và thú vui của cuộc sống. Tết, cũng như các lễ hội khác, cũng không ngừng đổi mới theo hành trình thời gian tương ứng. Hệ quả là có những cái còn bảo lưu, có những cái đã mai một và những cái được đổi mới. Xu hướng chung là càng lúc càng được giải phóng khỏi vòng vây thần bí của tín ngưỡng và các điều cấm kỵ, có thể bảo thủ tính hình thức lễ nghi song lại tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí, hội họp thù tạc nhằm giao đãi tình cảm và chúc tụng những điều cát tường như ý, an khang thịnh vượng, cốt tân trang và hâm nóng mối quan hệ thân tộc và xã hội.
Trong quá trình phát triển, do tính đa dạng trong mục đích xã hội của các hoạt động đã tất yếu tạo nên tính phức hợp trong nội dung lễ hội nói chung, Tết nói riêng, nhằm tương thích với nhu cầu sản xuất, giao tiếp xã hội, văn hóa của từng thời đại. Chính vì vậy, Tết là một phức thể cần được tìm hiểu từng thành tố cấu thành của nó dưới cái nhìn truy cứu về nguồn gốc. Đó là mục đích của tập khảo luận này.
Đọc "Khảo luận về Tết" để tìm hiểu về các phong tục tập quán ngày Tết, như: Hăm ba ông Táo về trời, điển lệ nghênh Xuân và tế tự Xuân tiết, chung niên và phong hóa Tết, dựng nêu ăn Tết, tất niên rước ông bà, đại tự - câu đối và tranh Tết, đêm trừ tịch và giao thừa, Ba ngày Tết bảy ngày Xuân, trò chơi ngày Tết…
Bình luận (0)