Ngày đó, tôi và bạn bè không ít lần đến xem hầu đồng và kiếm lộc, thậm chí hỏi vài câu về chuyện thi cử sắp tới, bởi "rớt tú tài, anh đi trung sĩ" là chuyện trước mắt. Tin hay không? Tôi nghĩ do quan niệm của mỗi người. Hégel từng viết: "Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại". Và tín ngưỡng thờ Mẫu qua bao thăng trầm lịch sử vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Một buổi hầu đồng
Sau khi nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 1-12-2016), thì sáng mùng 1 Tết Đinh Dậu (2017), 30 đại sứ các nước và đặc phái viên UNESCO đã tham dự buổi hầu đồng khai xuân ở đền Đông Hạ (Hà Nội).
Theo thanh đồng Nguyễn Thị Thu Hương (Hà Nội), nghi lễ hầu đồng về cơ bản gồm: Hầu thượng nguyên (tháng giêng), cầu an cho cả năm; Hầu vào hè (tháng tư), cầu mát, tránh ôn dịch, cầu bình an trong 3 tháng hè; Hầu ra hè (tháng bảy), cầu nửa năm cuối được bình an, khang thái; Hầu Tất niên (tháng chạp), tạ Phật và các thánh đã ban ân đức trong năm qua. Ngoài ra, các đền/điện còn hầu vào các dịp đản nhật, hóa nhật các thánh; hầu đột xuất như lập đền, lập điện, trước hoặc sau việc hiếu, hỷ… Nghi lễ hầu đồng cũng tùy vào hoàn cảnh mà châm chước với tinh thần "lễ tuy bất túc, tâm rày hữu dư", giống giỗ cha mẹ, không nhất thiết năm nào cũng mâm cao cỗ đầy.
Lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng
Ông Lưu Ngọc Đức, trụ trì đền Nam Hương (Hà Nội), cho rằng các bước hầu thánh phải cúng trước khi hầu. Lúc này, thực hành lễ sái tịnh theo nghi thức Phật giáo, nhằm mục đích làm cho địa điểm hầu thánh cũng như giúp chúng sinh và oan hồn nơi này được thanh tịnh, sau đó mới tới bước hầu thánh, như: phủ khăn, dâng y phục, hành lễ, khai quang, làm việc quan (các loại hình vũ đạo), tọa ngự, xe giá (thăng đồng)… Từng bước này đều có đóng góp của các cung văn, từ việc mời thánh nhập đến kể sự tích và công đức của thánh, xin thánh phù hộ, đưa tiễn.
Thanh đồng Trần Thị Huệ (Nam Định) cho biết hát chầu văn còn gọi là hát văn, hát bóng. Đây là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Các hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu/tín ngưỡng Tứ phủ được gọi chung là nghi lễ chầu văn. Hát văn có từ bao giờ thì chưa tài liệu nào nói chính xác, nhưng có ý nghĩa nhất trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng - nghi lễ nhập hồn của các vị thánh Tứ phủ vào thân xác thanh đồng. Trong nghi lễ đó, hát chầu văn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi múa, các thánh thường ngồi nghỉ và nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Ví dụ, rước giá đức Hoàng Mười: "Cành hồng thấp thoáng trăng thanh/ Nghệ An có đức thánh minh ra đời/ Gươm thiêng chống chỉ đất trời/ Đánh Đông, dẹp Bắc việc ngoài binh nhung/ Thanh xuân một đấng anh hùng/ Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam/ Hai vai nặng gánh cương thường/ Sông Lam sóng cả, buồm giương một chèo…"; hoặc giá hầu chầu Thác Bờ (Cô Bé Hòa Bình): "Anh linh Cô Bé Hòa Bình/ Thác Bờ cô ngự một mình trông coi/ Sử Lê triều sáng soi nữ kiệt/ Giặc bạo tàn phải khiếp uy linh/ Chiếc thoi vượt thác một mình/ Mênh mông sóng vỗ ấm tình nước non"...
Thanh đồng Vũ Thanh Bình hầu giá đồng đức Hoàng Mười ở Thanh Hóa cho rằng lời trong các bài hát văn thường phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn ít nhiều trong các tác phẩm văn thơ bác học như: "Cỏ hoa hớn hở đón chào/ Nhớ xưa Lưu Nguyễn lạc vào Thiên Thai/ Trời Nam có đức Hoàng Mười/ Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai/ Nền trí dũng, bậc thiên tài/ Văn thao, võ lược tư trời thông minh/ Tiêu dao di dưỡng tính tình/ Thơ tiên một túi, Phật kinh trăm tờ".
Phục vụ hát chầu văn trong một nghi lễ hầu đồng gồm: Cung văn - người hát chầu văn và dàn nhạc phục vụ hát văn. Cung văn thường là người hát giỏi, biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ. Dàn nhạc gồm đàn nguyệt, nhị, trống nhỏ, phách… có thể thêm bớt nhạc cụ tùy theo địa phương hoặc hoàn cảnh hành lễ và yêu cầu của người hành lễ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác vỗ gối và thưởng tiền cho cung văn. Đây cũng là lúc thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu, thuốc lá, trầu nước… đã được làm nghi thức khai quang.
Tóm lại, mở đầu buổi lên đồng, cung văn hát điệu văn thờ, điệu này tiết tấu nhanh, gấp; sau đó, khi thánh đã nhập đồng thì hát văn hầu để ca ngợi công tích hay sự tích các thánh, rồi chuyển qua hát Dọc để kích thích khả năng thăng thoát của người ngồi đồng. Điệu nhạc dồn dập, tưng bừng. Khi nhân vật đã nhập vai các thánh và "làm việc thánh" thì chuyển điệu còn là điệu thức cao hơn Dọc một cung bậc. Tất nhiên, khi người ngồi đồng vào vai thánh nào thì người hát phải chuyển giọng theo ngôi thánh đó cho phù hợp. Bài hát thường chấm dứt với câu "xe loan thánh giá hồi cung!".
Bình luận (0)