Sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam với âm nhạc điện tử (EDM) và một số thể loại đương đại khác không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc kết hợp các màu sắc âm nhạc với nhau đã có nhiều khác biệt. Chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống đặt trong dòng chảy hiện đại, đi cùng một số yếu tố khác giúp nhạc Việt trở nên đặc sắc hơn.
Thuyết phục, thú vị
Theo đuổi dòng nhạc kết hợp truyền thống với điện tử bắt tai là "thương hiệu" riêng gắn liền với Hoàng Thùy Linh nhiều năm nay. Chính sắc màu âm nhạc này đã giúp Hoàng Thùy Linh gặt hái thành tích nổi bật, trong đó có Giải Mai Vàng 2019 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Mới đây, Hoàng Thùy Linh ra mắt sản phẩm âm nhạc "See tình" với việc dùng yếu tố truyền thống như một nét điểm xuyết, chấm phá như cách mà cô thường làm lâu nay. Mở đầu MV, một đoạn nhạc đờn ca tài tử vang lên nhằm gợi mở về không gian văn hóa miền Tây mà Hoàng Thùy Linh muốn chuyển tải sau đó.
Nữ ca sĩ khá khéo léo khi đưa chất liệu văn hóa vùng miền vào trang phục, bối cảnh sông nước, ẩm thực, làng nghề truyền thống. "See tình" tiếp tục là MV khẳng định lối đi riêng của Hoàng Thùy Linh và ê-kíp, khi thổi vào âm nhạc các yếu tố văn hóa truyền thống theo hướng hiện đại, tiệm cận thị hiếu của người nghe trẻ hiện nay.
Trong khi đó, "Chân mây" là ca khúc mở đầu album "Hoa" mà nhà sản xuất âm nhạc K-ICM (vừa đoạt Giải Mai Vàng 2021) sẽ cho ra mắt trong thời gian sắp tới. "Chân mây" và cả album "Hoa" là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại.
Chất liệu truyền thống trong album này thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ sự kết hợp các loại nhạc cụ đàn dây quen thuộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm... đi cùng lời nhạc sử dụng nhiều từ Hán - Việt cho đến hình thức MV. Những cá nhân xuất hiện trong từng khung hình đều mặc cổ phục với lối trang điểm, làm tóc theo phong cách xưa, tạo nên sự hài hòa về tổng thể.
Nhắc đến âm nhạc kết hợp truyền thống với hiện đại, không thể không đề cập Ngô Hồng Quang. Những ca khúc mới của anh như: "Gà gáy le te" (dân ca Cống Khao), "Đi cấy" (dân ca Thanh Hóa), "Lý cây đa" (dân ca quan họ Bắc Ninh)... với nhiều sắc màu âm nhạc, từ đàn tính, đàn môi, sáo trúc, trống... đến beatbox, đã tạo nên một tổng thể hòa quyện và thuyết phục. "Tiếng lượn nhắn người phương xa", một sáng tác vừa ra mắt cách đây ít ngày, cũng đã nhận được những lời khen có cánh của người trong giới.
Trước đó, album "Tình đàn" của Ngô Hồng Quang được ví như một cuộc điền dã trải dọc đất nước Việt Nam, kết nối với những quốc gia xa về địa lý nhưng lại gần về cảm hứng nghệ thuật truyền thống, tạo nên một sản phẩm thú vị. Ngô Hồng Quang xây dựng "Tình đàn" như một abum độc tấu (solo) nhạc cụ, bảo tồn tối đa sự mộc mạc trong âm sắc cũng như những giai điệu điển hình của mỗi chất liệu âm nhạc truyền thống.
Hoàng Thùy Linh tạo ấn tượng với MV “See tình”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Ước mơ đưa âm nhạc Việt ra nước ngoài
Nhiều năm nay, sự vắng bóng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trên thị trường nhạc Việt khiến nhiều người nghĩ rằng anh không còn sáng tác. Thế nhưng, Võ Thiện Thanh đang chuẩn bị rất nhiều dự án mà ở đó, khán giả sẽ thấy được sự nổi bật và đặc sắc về tầm nhìn, tư duy, kể cả cách chọn lựa chất liệu âm nhạc của anh khi thực hiện sản phẩm.
Với dự án "Rồng vàng", nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã mất đến 3 năm để thực hiện. Bù lại, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo nên một diện mạo mới cho nhạc Việt khi anh kết hợp chất liệu âm nhạc truyền thống quen thuộc như các điệu hò Nam Bộ với nhạc điện tử. Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, sau dự án này, anh tiếp tục tìm đến chất liệu âm nhạc truyền thống miền Bắc, miền Trung...
Những nghệ sĩ kỳ cựu như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh tìm tòi để hoàn chỉnh một dòng âm nhạc mới trong sự kết hợp truyền thống với điện tử là điều không gây bất ngờ. Trong khi đó, sự thể nghiệm của những người trẻ với dòng chảy âm nhạc truyền thống kết hợp hiện đại là một điểm nhấn.
Tiếp nối hành trình của cha mình - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ trẻ An Trần cũng đang có những tìm tòi đầy khác biệt trên con đường của anh. Những tác phẩm truyền thống quen thuộc được khoác lên chiếc áo mới, mang hơi thở đương đại, không chỉ được lòng khán giả Việt mà cuốn hút đối với người nghe nước ngoài.
Đảm nhận vị trí cố vấn cho "Chân mây", TS - NSƯT Hải Phượng, một nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng, đánh giá cao những nỗ lực và tâm huyết mà K-ICM gửi gắm thông qua âm nhạc. "Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với K-ICM để giúp em mỗi ngày thêm yêu chất nhạc dân tộc, giúp em có thể hiểu và "cảm" được. Sau khi nghe bản phối demo của "Chân mây", tôi đã góp ý trực tiếp với em ở những phân đoạn nên thêm loại nhạc cụ nào, luyến láy ra sao để mang tính truyền thống dân tộc. Ở những sản phẩm sau, hàm lượng về văn hóa chắc chắn sẽ được tăng dần" - NSƯT Hải Phượng tin tưởng.
Lý giải về sự kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại trong dự án của mình, K-ICM bày tỏ: "Ước mơ của tôi khi chọn sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và EDM, hay rộng hơn là các thể loại thịnh hành đương thời, là nhằm giới thiệu với người trẻ rằng âm nhạc truyền thống của Việt Nam rất đẹp, có nhiều nhạc cụ rất độc đáo, đặc sắc. Xa hơn, khi đưa những sáng tác này ra thế giới, cùng với MV quảng bá cảnh sắc Việt Nam, tôi tin khán giả các nước sẽ bất ngờ và cảm thấy ấn tượng".
Bình luận (0)