Khi mạng xã hội phát triển, thông tin thời sự được nhấn mạnh và lan tỏa sâu rộng. Có những vấn đề trở nên nóng của công luận, chỉ cần chạm đến là bung xõa, vỡ òa cảm xúc. Chính vì thế, khi nghệ sĩ đề cập đến là lập tức tạo hiệu ứng rất mạnh trong khán giả. Vở "Tiên Nga", trong đợt tái diễn gần đây nhất đã có vài chi tiết không giống bản dựng ban đầu, bởi xã hội vừa xảy ra những chuyện mới mẻ gây bức xúc dư luận. Đình Toàn, trong vai Bùi Kiệm, sàm sỡ Nguyệt Nga bị Bùi Ông bắt gặp, đã trả lời cha mình tỉnh bơ: "Con chỉ nựng thôi mà!" khiến cả rạp cười muốn té ghế. Bạch Long trong vai Bùi Ông bồi thêm: "Mỗi lần mày nựng là tao tốn 200 quan", ôi thôi khán giả ôm bụng! Đình Toàn còn lém lỉnh kéo thêm một câu với Nguyệt Nga: "Cha anh biểu anh cứ đi thi, điểm cỡ nào cha cũng kêu người nâng được hết!". Hiệu ứng với khán giả là không thể tả.
Đình Toàn nói: "Hồi tập tuồng để diễn đợt 2, tự nhiên tôi vọt miệng mà nói mấy câu đó, đạo diễn Thành Lộc vỗ tay kêu để luôn đi. Tôi nghĩ sân khấu phải đồng hành với cuộc sống chứ, chất liệu sáng tạo là ở đó mà! Nghệ sĩ giờ ai cũng có Facebook nên cập nhật nhanh lắm, khi chúng tôi đem thời sự vào vở diễn thì chính mình cũng giảm bớt bức xúc vì đã nói ra được. Nói bằng miếng diễn là nhanh nhất, vì câu thoại trực tiếp, tạo hiệu ứng cũng nhanh nhất, có khi chả cần diễn gì hết, chỉ thả câu thoại đó thôi là khán giả đủ cười rồi".
Bạch Long (bìa trái), Quế Trân và Đình Toàn trong vở “Tiên Nga”
Nhưng cũng có những thời sự không gây cười mà gây đau. Vở "Ngôi nhà của chúng ta" (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM dàn dựng) có cô bé Bích Hồng đi học mà tổ chức đàn đúm, đánh bạn, lột quần áo, quay clip tung lên mạng. So với bản dựng trước kia của sàn diễn 5B thì bản dựng này mới mẻ hơn khi nghệ sĩ Ngọc Trinh đóng vai bà mẹ của Bích Hồng đã đẩy mạnh chi tiết này cho các em sinh viên lúc diễn. Chị nói: "Bởi thông tin từ học đường nay đã khác xưa, gây bức xúc và lo lắng cho mọi người, cảnh báo nhiều hơn. Chúng tôi mong góp sức với các bậc phụ huynh để mọi người quan tâm đến con cái". Quả thật, nhìn cảnh các em nữ sinh bạo hành nhau trên sân khấu, gây hiệu ứng rất mạnh bởi nó diễn ra trực tiếp. Xúc cảm mạnh thì phụ huynh sẽ cảnh giác nhiều hơn.
Vở "Bên đàng dệt mộng" trên sàn diễn Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM (5B) cảm tác từ câu chuyện của đại gia "vua lụa", xem là biết ngay nhân vật ấy là ai. Câu chuyện về một thanh niên chân chất trở thành giám đốc kinh doanh đầy mưu mô, toan tính rồi sa chân, gãy đổ sự nghiệp, ai nghe cũng nao lòng, tiếc cho một tài năng, tiếc cho một nhân phẩm. Những câu chuyện như thế này không thể chỉ diễn đạt bằng vài câu thoại trực tiếp như Đình Toàn, Bạch Long, mà cần có hẳn một kịch bản chỉn chu. Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM, NSƯT Mỹ Uyên, tâm sự: "Chúng tôi rất mừng khi tác giả chịu khó cập nhật thời sự như vậy và cũng phải viết lẫn dựng nhanh tay, vì bây giờ thông tin tràn ngập, cái sau đè cái trước, mình ra chậm là hết nóng". Đúng là 5B nhanh tay. Diễn đến bây giờ đã mấy chục suất mà khán giả vẫn còn khen. Kịch bản dài thuận lợi ở chỗ đó, không chỉ gây hiệu ứng nhanh mà còn để lại dư âm và cảm nghĩ lâu hơn, sâu sắc hơn.
Nghệ sĩ Ngọc Trinh kết luận: "Nghệ sĩ không chỉ mua vui vài ba trống canh, mà phải góp phần xây dựng cuộc sống, phải biết cuộc sống đang diễn ra thế nào, đang cần gì. Đem thời sự vào kịch sao cho nhuần nhuyễn, không sống sượng, không dễ chút nào. Làm không khéo sẽ thành minh họa, khô cứng".
Bình luận (0)