Ngay những ngôi sao như Britney Spear, Christina Aguilera, Lady Gaga, Beyonce… báo chí phương Tây cũng xem họ là thế hệ thuộc những thập kỷ trước, không đứng vào hàng ngôi sao được thế hệ khán giả hiện tại săn đón.
Giới chuyên môn gọi sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc hiện tại là thời của ngôi sao bảng xếp hạng, mọi thứ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bảng xếp hạng và ngôi sao cũng được "sản sinh" từ đây. Chỉ cần có được ca khúc "ăn rơ" với thị hiếu người nghe, người hát có thể chiếm được vị trí đầu trên bảng xếp hạng, trở thành "sao".
Cố nữ danh ca Whitney Houston Ảnh: INTERNET
Phản ứng tiêu cực của công chúng yêu nhạc, sự chán ngán của giới chuyên môn về thực trạng của nền công nghiệp âm nhạc hiện tại ít nhiều có tác dụng "đánh thức" cơn say lợi nhuận của những "ông trùm" kinh doanh âm nhạc. Tờ Billboard nhận định các "ông trùm" của nền công nghiệp âm nhạc đang hối lỗi vì những gì họ đã làm. Cuộc đua tìm kiếm lợi nhuận mòn mỏi, với những sản phẩm âm nhạc hợp thị hiếu người nghe, những ngôi sao của bảng xếp hạng, đã khiến họ nhận ra "thật phí sức cho những sản phẩm chỉ có thể tồn tại trong thời gian vài tháng". Trong khi đó, những album của các giọng ca huyền thoại nhiều thập niên trước, thậm chí cả thế kỷ trước vẫn có thể thu lợi nhuận đến tận ngày nay. "Cuối cùng, chỉ có tài năng thực sự mới có thể tồn tại lâu dài" - ông trùm của hãng Sony Pictures khẳng định.
Để chứng minh cho sự hối cải của mình, các hãng ghi âm bắt đầu hành trình "đãi cát tìm vàng". Họ muốn xây dựng nên những giọng ca thực sự tài năng cho đời sống âm nhạc thay vì chạy đua lợi nhuận ngắn hạn như gần đây; gạt bỏ phương thức kinh doanh "hiện tượng mạng", "giọng ca số" như đã làm.
Thực tế, sự hối cải của các ông "trùm" ngành công nghiệp ghi âm suy cho cùng đều hướng đến mục tiêu "lợi nhuận". Các hãng ghi âm nhận ra rằng sản phẩm chất lượng, giọng ca tài năng có thể mang về lợi nhuận cho họ vô thời hạn và bằng nhiều phương thức. Đây là lý do họ quyết định thay đổi.
Nhìn lại thực trạng của nhạc Việt, những giá trị của thời xưa cũ nay cũng không còn. Mọi thứ đang quay cuồng trong vòng xoáy chạy đua tìm kiếm lượng view (lượt nghe - xem) trong thế giới mạng. Giá trị thước đo cho âm nhạc là tốp thịnh hành trên YouTube và các vị trí đầu của nhiều bảng xếp hạng âm nhạc. Vì vậy, mới có những bản hit (ăn khách) chết yểu do thiếu giá trị nghệ thuật cốt lõi, những ngôi sao của bảng xếp hạng không có chỗ đứng lâu bền trong đời sống âm nhạc… Sự thay đổi trong nhận thức và chiến lược kinh doanh của thị trường âm nhạc thế giới có lẽ sớm muộn sẽ tác động đến thị trường nhạc Việt. Chúng ta hy vọng điều đó!
Bình luận (0)