Nhà văn dù tài năng mấy cũng hầu như ít ai có thể sống được bằng tiền nhuận bút của nghề viết. Đó là nhận định chung được đưa ra trong buổi giao lưu với chủ đề "Khơi nguồn cảm hứng viết" diễn ra tại TP HCM tối 4-7 với sự tham dự của nhà văn - dịch giả Thuận trở về từ Paris (Pháp), nhà văn - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và nhà văn - nghệ sĩ thị giác đương đại Nguyễn Thúy Hằng.
Nhà văn - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng (bìa phải), Nguyễn Thúy Hằng (giữa) và Thuận giao lưu cùng độc giả
Nhà văn Thuận, gây ấn tượng với nhiều tiểu thuyết cách tân: "Made in Vietnam" (Văn Mới, 2000), "Chinatown" (NXB Đà Nẵng, 2004), "Paris 11 tháng 8" (NXB Đà Nẵng, 2005), "T mất tích" (NXB Hội Nhà văn, 2007), "Vân Vy" (NXB Hội Nhà văn, 2008), "Thang máy Sài Gòn" (NXB Hội Nhà văn, 2013), "Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư" (NXB Hội Nhà văn, 2015)…, tự sự: "Những lúc bạn bè thân gọi điện nhắn tin mà không hề thấy trả lời thì họ đều hiểu đó là lúc tôi đang viết. Ngày nào tôi cũng ngồi vào bàn và viết. Ngoài những lúc viết văn, tôi đọc và dịch sách. Dịch những cuốn sách của các tác giả tài năng là những bài học tốt nhất cho người viết. Quá trình sáng tác đúng là rất cô đơn. Bởi vì riêng chuyện phải tập trung tư duy để cho ra đời những gì độc đáo nhất thì tác giả đã tự đặt mình ra ngoài lề dòng chảy của cuộc sống kiểu số đông".
Nhà văn Thuận cho hay ở Pháp chỉ có 2 mùa ra mắt sách, tập trung vào tầm tháng 10 đến tháng 12 hằng năm nhưng có tới khoảng 1.000 đầu sách sẽ ra mắt. Cuốn nào bày trên quầy 2 tuần mà không bán được là lập tức sẽ bị bỏ xuống. Cho nên đó thực sự là một cuộc "đua" khốc liệt. "Nhà văn ở Pháp cũng y như Việt Nam, không thể sống bằng nhuận bút được" - nhà văn Thuận chia sẻ.
Nhà văn - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định ở Việt Nam chỉ có Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư là sống bằng nghề viết thôi. "Nếu chỉ ngồi để viết văn thì không thể sống được. Nhất là dòng sách mà bạn đọc thường đánh giá là khó đọc như sách của tôi" - Trần Tiễn Cao Đăng bộc bạch.
"Nhà văn là người nói giúp độc giả những điều mà họ không thể nói. Biết là vất vả vô cùng nhưng vẫn cứ yêu nghề và làm việc miệt mài. Tất cả những bất hạnh trong xã hội đều là chất liệu thôi thúc nhà văn ngồi vào bàn viết. Gia đình đã hỗ trợ rất nhiều để tôi có thể chuyên tâm với nghề" - nhà văn Thuận tâm sự.
Bình luận (0)