Du lịch nội địa bắt đầu khởi động trong bối cảnh bình thường mới. Du lịch không gian danh nhân văn hóa - nghệ thuật được xem là mô hình mới để thu hút du khách thích khám phá những dấu tích trong cuộc đời làm nghệ thuật của giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, để khơi thông dòng chảy này, cần đầu tư nội dung chương trình và cố định lịch trình để đưa du lịch nội địa cất cánh với nhiều sản phẩm chất lượng.
Tiềm năng từ ngôi nhà của thầy Tư Trang
Chúng tôi theo chân Đoàn Cải lương Nam Bộ về thăm Nhà Lưu niệm soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Qua cây cầu dẫn vào ngôi nhà là xanh biếc hàng dừa soi bóng xuống dòng sông. Xung quanh nền nhà xưa của thầy Tư Trang (tên gọi thân thiết của giới văn nghệ sĩ dành cho ông - PV) là vườn cây ăn trái xoài, dừa, bưởi, quýt đang mùa sai quả. Nhà lưu niệm được thiết kế theo kiến trúc xưa với mái ngói vòm cong, bên trong trưng bày hơn 100 bức ảnh giá trị của soạn giả Trần Hữu Trang; đối diện bàn thờ để di ảnh là tủ trưng bày những kịch bản cải lương, tư liệu quý chứa đựng bút tích của tác giả.
Các nghệ sĩ đã biểu diễn 2 trích đoạn nổi tiếng của ông mà qua hơn nửa thế kỷ, từng câu ca, lời thoại vẫn in đậm trong lòng khán giả mộ điệu, đó là "Tô Ánh Nguyệt" và "Đời cô Lựu". Người kể chuyện về quá trình sáng tác của soạn giả chính là con trai ông - soạn giả Việt Thường. Dù tuổi già sức yếu nhưng đoàn nào viếng thăm, ông cũng say mê kể về cha mình, về những tầng cảm xúc sâu thẳm bên trong các kịch bản cải lương để đời của soạn giả đã được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Soạn giả Việt Thường tâm sự: "Mùa này nhiều đoàn đăng ký đến tham quan lắm, vì năm nay đúng 25 năm cha tôi được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh".
Nhiều khách đến thăm nhà lưu niệm đã thích thú nghe soạn giả Việt Thường kể chuyện hậu trường sân khấu, chuyện vừa cầm bút vừa cầm súng của một thời cha ông xông pha trên chiến trường. Không gian danh nhân nghệ thuật là mô hình đáng khai thác của vùng đất Tiền Giang, thu hút du khách bởi họ hết lòng yêu mến nghệ sĩ và những tác phẩm đã đi vào đời sống xã hội.
Hai nghệ sĩ Nguyễn Kim Luận và Diễm Kiều biểu diễn trích đoạn cải lương “Đời cô Lựu” tại Nhà Lưu niệm soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang
Sôi nổi rạp hát Thầy Năm Tú
Tại diễn đàn "Du lịch nội địa" diễn ra gần đây với sự tham gia của gần 500 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp du lịch hàng đầu cả nước, nhiều công ty lữ hành đã chú ý đến sản phẩm "khai thác không gian danh nhân", mà ở đó ngoài Nhà Lưu niệm soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang còn có rạp hát Thầy Năm Tú, di tích lịch sử của vùng đất Tiền Giang với hơn 120 năm tồn tại.
Chúng tôi đã đến không gian này, nơi sôi nổi với chương trình "Dạ khúc tri âm" phục vụ miễn phí khán giả vào tối thứ sáu hằng tuần. Theo mô hình giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử, không gian danh nhân văn hóa này đã thu hút khán giả và là điểm đến của du khách khi kết hợp lộ trình từ Nhà Lưu niệm soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang đến rạp hát Thầy Năm Tú. Ông Phạm Văn Công, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Nỗ lực của trung tâm là duy trì tổ chức hoạt động biểu diễn thường xuyên, để rạp Thầy Năm Tú sẽ là điểm đến của du khách, khán giả yêu thích sân khấu cải lương và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ".
Các nghệ sĩ rất phấn khởi khi tham quan 2 không gian danh nhân hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn nói trên. "Trên dọc hành trình xuôi về miền Tây, mỗi tỉnh, thành đều có nhiều không gian danh nhân cần đưa vào khai thác. Ví dụ ở Cần Thơ có nhà của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, ở Đồng Tháp có bảo tàng, không gian nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo…Những không gian danh nhân phải thật sự là những bảo tàng sống, khi có nghệ thuật trình diễn được lồng ghép hợp lý, bài bản. Ở Tiền Giang, thế mạnh là có nhiều danh nhân văn hóa - nghệ thuật, nên sự kết hợp để đưa vào khai thác du lịch song song với biểu diễn nghệ thuật hứa hẹn tiềm năng rất lớn" - NSƯT Lê Thiện bày tỏ.
Các nhà chuyên môn đã đánh giá tình hình phát triển của du lịch nội địa tại miền Tây và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch kết hợp biểu diễn nghệ thuật, mà thế mạnh của miền Tây là nghệ thuật đờn ca tài tử. Soạn giả Việt Thường cho biết đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, trong đó ngành du lịch suy giảm trầm trọng. "Tôi cho rằng giải pháp khắc phục hậu quả chính là sự năng động của các nhà tổ chức. Với điều kiện cho phép thì khai thác không gian danh nhân văn hóa - nghệ thuật sẽ là điểm sáng tạo mới" - soạn giả Việt Thường nói.
Nhận định về hướng phát triển du lịch nội địa trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết các sản phẩm du lịch phải được nâng cao chất lượng trong giai đoạn hiện nay. Những người làm du lịch phải tìm ra những cơ hội tốt nhất trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với cách làm của Tiền Giang, điểm đến thú vị dành cho du khách đã là một bài học đáng tham khảo hiện nay. Đó chính là xu hướng để giới nghệ sĩ đầu tư sáng tạo những tiết mục phù hợp dành cho du lịch tại không gian danh nhân văn hóa.
Phải sáng tạo, tránh dàn trải
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, phấn khởi: "Trước mô hình này của Tiền Giang, nhà hát đã kết hợp để đưa nghệ sĩ tham gia giao lưu biểu diễn tại rạp Thầy Năm Tú và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Nhà lưu niệm của soạn giả Trần Hữu Trang cũng là công trình do nhà hát tiếp sức, hoàn thành ngày 22-1-2017 và đưa vào hoạt động". Theo ông Kiệt, các trích đoạn, ca cảnh, bài ca vọng cổ và bài bản đờn ca tài tử cũng phải sáng tạo, dàn dựng thích hợp với tính chất du lịch khám phá không gian danh nhân. Tránh dàn trải, cần tập trung vào trọng tâm của từng danh nhân văn hóa - nghệ thuật để khán giả, du khách hiểu hơn về công lao của họ và khuynh hướng sáng tác tạo nên diện mạo của vườn hoa nghệ thuật phương Nam.
Bình luận (0)