Di còn tưởng là ba của ai gọi lộn cho mình. Nhưng nhìn lại danh bạ được lưu số "3" đặc biệt không lẫn vô đâu được, Di biết chắc ăn ba. Ông ba của Di là cái ông về hưu sớm 3 năm, mới tháng trước đụng tới chuyện đi làm là giãy lên, hất đổ mâm cơm đòi bỏ nhà đi, nói kiểu má là như nước sôi đổ dái. Ông ba của Di là cái ông không quan tâm chuyện học hành của nó tròn méo ra sao, chỉ hay hỏi mấy câu còn tiền không kêu má gửi lên cho. Tự nhiên thay đổi vầy, không có chuyện kinh khủng thì là gì?
Nhắn tin hỏi anh Hai mới biết cớ sự. Nhà hết tiền, anh Hai tháng này lương trễ. Thở một cái dài mười tám cây số, Di khoác áo xanh cầm điện thoại định lấy xe chạy ra bãi kiếm khách. Vừa dắt xe tới cổng điện thoại réo ò í e, lại ba gọi. Di chần chừ không nghe, nghĩ thôi kệ, lát về gọi lại sau. Chứ giờ tâm trạng tơi bời cũng không nghe nổi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Điện thoại lại ò í e. Lần này má gọi. Chắc má hỏi lâu rồi sao không thấy về. Sao mà về được. Giờ nhà hết tiền, Di về má kiểu gì cũng mua này nọ bồi bổ cho thằng con sở hữu vòng eo cò ma, mắc công thêm nợ. Thà ở đây, ráng kiếm chục cuốc Grab mỗi ngày còn có nghĩa.
Di chạy Grab được 3 tháng rồi. Bắt đầu chưa quen còn hơi lọng cọng phải để khách chỉ đường, chứ hiện tại Di đã nằm lòng hơn nửa cái Cần Thơ. Hồi trước Di làm phục vụ quán cà phê dưới bến Ninh Kiều, mỗi tiếng mười hai ngàn. Chạy Grab trừ xăng cộ, phí thu này nọ vẫn kiếm khá hơn, giờ giấc lại tự do. Học xong ca sáng, Di chỉ cần khoác áo chạy ra bãi mở app điện thoại là làm được rồi. Rảnh giờ nào chạy giờ đó. Nói không phải khoe chứ ngay tháng đầu lơ tơ mơ vậy mà Di còn đủ tiền đóng trọ và mua cho mẹ bộ đồ bộ một trăm hai ngoài chợ đêm.
Cũng nhờ chạy Grab mà quen em. Em mới năm nhất, không biết chạy xe nên đi xa thường bắt Grab. Rõ ràng là có duyên, Di chạy được hai tuần em bắt trúng bảy lần. Lần thứ tám em bắt nhầm ông chú cà chớn, chê gần quá không kiếm được bao nhiêu nên kêu hủy chuyến, em bắt cuốc khác thì lại gặp Di. Nghĩ được vầy chắc kiếp trước nợ nhau cũng nhiều, Di về nhắn tin em liền. Rồi quen, thành Grab "ôm" riêng của em, cần đi là em gọi - dĩ nhiên miễn phí. Tính ra được hai tháng rưỡi thiếu hai ngày.
Duyên quá trời duyên, mới nghĩ thôi đã thấy em gọi. Em kêu chở em qua Lý Tự Trọng mua đồ. Rơi đúng thế kẹt, Di vừa mới nhận cuốc xuống Bánh xèo Bảy Tới. Kêu khách hủy chuyến thì kỳ lắm, lỡ khách bực phản hồi lên tổng đài là công sức giữ gìn điểm năm sao thân thiện của Di bị khuyết mất một lỗ bự. Chọn từ chối em, em giận. Điện không nghe, nhắn tin không trả lời. Di bấm bụng đành kệ, ráng chạy thêm vài chục cuốc đủ tiền mua cái điện thoại mới tặng em, em hết giận liền chứ gì đâu.
***
Di quên luôn gọi cho ba má. Mấy nay Cần Thơ mưa hoài, cả thành phố chìm trong lờ mờ ngồm ngộp. Dầm mấy cuốc xe trong mưa xé ngang dọc thành phố, lần nào về tới phòng Di cũng thấy muốn bệnh. Thỏa thuận với cơ thể đỡ bằng hai viên Panadol, Di nằm ì ra giường. Muốn gọi than với em vài câu, mà em không bắt máy. Chắc còn giận. Con gái giận dai như bánh mì để lâu.
Mười một giờ đêm. Giờ này chắc ba má ngủ rồi. Gọi mất công thức dậy rồi khó ngủ lại, mai má lên cơn nhức đầu. Tay loay hoay soạn cái status dài bốn trăm chữ kể lể cực khổ mấy ngày nay, tính đăng lên Facebook mà ngón cái chưa đụng chữ "Chia sẻ" đã cứng đơ. Thôi. Mắc công anh Hai thấy lại lo. Soạn thì lâu, bấm hủy cái một.
Coi anh đồng nghiệp còn online, Di vô chào. Chắc ảnh đang buồn, thấy Di chào lập tức kể liền. Tính anh Lề vậy, thẳng thắn đơn giản như khúc củi trụi lơ, không màu mè lá cành rào đón. Ảnh chạy từ khi Grab mới có ở Cần Thơ, nghề chính luôn, sau một tá nghề bưng bê, phụ hồ, dọn dẹp, bảo vệ... Anh chọn Grab, vì nhỏ em. Nó bệnh tâm thần, hay lên cơn. Làm nghề này tự do giờ giấc, anh muốn bỏ ngang về lo em lúc nào cũng được.
Anh la nay gặp bà khách mắc dịch. Anh có làm gì đâu, nói chuyện hết sức đàng hoàng. Anh chỉ lỡ miệng nói cô ơi chỗ đó là quán hủ tiếu, lúc bà khách đang khoe mới xây được cái bệnh viện hai chục tỉ. Bả nổi xung thiên, đánh giá anh một sao. Chưa hết, anh ham tiền nhận mấy cuốc bên Mậu Thân. Đâu ngờ bữa nay nước lên sớm, ngập nửa bánh xe chết bugi, tài xế cùng khách lội lõm bõm thấy thương.
Di cũng đụng ca khó. Ông khách không biết đường, chọn đại một địa điểm gần gần chỗ ổng cần đi trên bản đồ. Chỗ thực xa mút mùa mây, ổng ngồi sao mà cứ nói gần tới rồi gần tới rồi, ráng chút nữa đi. Quãng đường gấp đôi, Di xin thêm tiền ổng nạt, nói chỉ trả đúng giá trên điện thoại. Thành ra lỗ tiền xăng. Đã vậy ổng còn chấm Di một sao, phản hồi tài xế không thân thiện, cục tức lứ ngứ trong cổ họng Di không trôi xuống.
Mà được vầy còn đỡ. Nhớ hồi trước phải giành bãi với xe ôm mới khổ. Mấy chú nhìn hiền hiền vậy mà chửi dân Grab nặng lời lắm. Lần đầu nghe, Di ấm ức muốn khóc.
***
Sáng, tin nhắn gửi em vẫn không thấy trả lời. Chỉ vỏn vẹn "Em ơi anh mệt quá". Di thấy đuối trong người, không thèm thở dài nữa. Nay học chiều, giờ còn kịp để tranh thủ kiếm mấy cuốc. Có cuốc nào ngang qua nhà em thì tạt vô coi em còn giận nhiều cỡ bao nhiêu. Chắc cỡ một ly trà sữa và bịch bánh tráng trộn nhiều đậu phộng.
Ly trà sữa và bịch bánh tráng bay trong đầu khiến Di không để ý mình đang chạy vô một con đường lạ hoắc. Điện thoại vẫn hiện trên bản đồ địa điểm đã gần nhưng chạy hoài chưa tới. Sực nhớ mặt ông khách bặm trợn đang phì phò thở sau lưng, tự nhiên Di lên cơn ớn lạnh. Di mới nghe ổng gọi cho ai đó, kêu chuẩn bị sẵn dao. Hàng ngon sắp tới.
Nghe tới đó Di thấy áo mình ướt nhẹp mồ hôi lạnh. Đó giờ cũng hay nghe mấy anh hù coi chừng cướp, đâu ngờ bữa nay thành sự thật. Không biết phải làm gì, Di vừa chạy chầm chậm vừa nghĩ cách. Thò tay bấm gọi cho em, em không bắt máy. Giận gì mà tới lúc này còn giận hả trời, tới lúc hay bồ em bị cướp để coi em hối hận cỡ nào.
Cái gì đó đụng vô lưng Di nhọn nhọn. Di điếng hồn tưởng tượng hình ảnh con dao lát nữa sẽ cắm vô thịt mình. Ráng gồng cho tay đỡ run, Di kiếm số ba bấm gọi. Điện thoại ò í e giọng nữ không liên lạc được. Chết rồi, ba hay than điện thoại hư, nhiều khi không có sóng. Di hứa mua cho ba cái điện thoại "cùi bắp" mới mà quên hoài. Không biết lúc máu Di bắn ra, ở nhà ba má có giật mình đau trong lòng cái nào không?
Tiếng khách la "Dừng" giật giọng. Di hết hồn thắng xe cái két. Khách bước xuống cùng lúc một anh xăm trổ bước ra. Di thấy mình hóa đá, chuẩn bị nghe toàn thân tê tái đau. Ông giang hồ thò tay vô túi.
Ổng đưa bịch khô cá lóc cùng mấy trái xoài cho anh xăm trổ, kêu vô sắp dĩa nhậu liền đi thèm quá mồi bén dữ hà. Quay qua Di lúc này còn chưa kéo hồn về kịp, hỏi hết nhiêu con trai.
Kết thúc chuyến xe định mệnh, Di rồ ga chạy thật nhanh về phòng. Tắt luôn chuông điện thoại, không dám nhận cuộc gọi nào nữa. Dù là hiểu lầm nhưng trong người Di còn lưng lửng mùi sợ. Chắc về nhà ngủ một giấc, rồi tính gì tính.
Chiều tỉnh dậy, hơn chục cuộc gọi nhỡ. Đồng nghiệp Grab gọi. Ba má gọi. Không thấy em gọi. Bấm gọi lại một cuộc gần nhất, vừa dứt tiếng đổ chuông đã nghe tiếng la xuyên thủng màng nhĩ:
Thằng Lề chết rồi!
Ai? Gì? Sao chết? Thằng Lề, mày khùng hả Di. Bị cướp. Cướp xe cắt cổ.
Miệng há đơ ra cho không khí tự xộc vào, Di đưa tay lướt màn hình điện thoại. Mấy cuộc gọi nhỡ của anh Lề. Lúc đó Di tắt chuông.
Lúc đó chắc anh Lề đang thoi thóp, bấm đại vài số. Ảnh nằm trên vũng máu, tay còn cầm chặt điện thoại, miệng hớp hớp như con cá mắc cạn.
Di khóc mà không hay mình khóc. Nước mắt lấp hết cuống họng. Bấm gọi lại, la trời ơi sao ảnh không gọi cho em ảnh.
Đầu dây bên kia cũng la, nó muốn nghe lắm mà đâu có biết nghe. Nó cầm điện thoại chạy khắp nơi nhờ người ta bắt máy giùm, mà người ta sợ con khùng không ai dám giúp
"Tác giả viết truyện ngắn này chắc từng chạy xe ôm?". Đó là câu hỏi gợn lên trong tôi sau khi vừa đọc xong truyện ngắn này. Phải là một người từng chạy xe ôm, mà là "xe ôm công nghệ" thì mới rành về chi tiết như vậy.
Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Tác giả cho biết mình chỉ là một người thường đi xe ôm, nên quan sát và nhặt nhạnh được nhiều chi tiết thú vị, để từ đó xây dựng nên một truyện ngắn về các nhân vật làm nghề này.
"Xe ôm công nghệ", nói cho cùng cũng là xe ôm với tất cả sự nhọc nhằn, bất trắc. Công nghệ hỗ trợ việc đón khách, chỉ đường. Nhưng công nghệ không giúp rút ngắn những khoảng cách. Công nghệ cũng không nhận diện được người tốt kẻ xấu.
Ở cái thời nghề xe ôm cũng dùng smartphone và bận đồng phục, nhưng họ cảm thấy rất cô độc. Bởi khách đi xe không còn có thói quen bắt bác tài quen, mà mỗi cuốc là một bác tài khác nhau. Chỉ nhớ màu áo nhưng không nhớ mặt người. Nhặt nhạnh trong mỗi cuốc xe vài ba câu chuyện rời rạc. Nghe trong lưng áo mùi mồ hôi mà cảm thông phận người.
Truyện có cái kết quá đắng, quá buồn. Nhưng cũng vô cùng ám ảnh và đắt giá.
Trần Nhã Thụy
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)