Phóng viên: Tham gia công tác trong Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam chắc hẳn anh quan tâm đến những người viết trẻ, anh nhìn nhận thế nào về các nhà văn trẻ hiện nay? Những cây viết nào khiến anh thật sự kỳ vọng?
- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi thấy môi trường viết và đọc hiện nay rất bình đẳng giữa những người viết. Tạm hiểu những người viết trẻ là trẻ theo độ tuổi thì tôi thấy so với những người viết trẻ thế hệ trước đây, những người viết trẻ bây giờ độc lập hơn về tư duy sáng tạo, thông minh hơn trong lựa chọn con đường đi; họ cũng cập nhật tình hình cũng như sự vận động của văn học thế giới tốt hơn. Những tác giả trẻ được vinh danh ở các giải thưởng văn học như Văn học Tuổi hai mươi, Giải thưởng truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng truyện ngắn Báo Văn Nghệ và một số diễn đàn văn chương khác như Nguyễn Kim Hòa, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Đỗ Nhật Phi, Nguyễn Thị Thùy Linh, Minh Nhật, Đỗ Quang Vinh… đều xứng đáng và tôi tin họ sẽ còn gắn bó với văn chương, sẽ còn đi xa hơn trên con đường sáng tạo.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhưng để có những cái tên như nhiều thế hệ đi trước xem ra không dễ?
- Người trẻ luôn hứa hẹn những đột phá, những thay đổi và báo hiệu những mùa màng văn chương mới. Nhìn vào thế hệ tôi, những sự "nổi loạn" và thành công sớm trong sáng tạo ở các tác giả: Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thế Hoàng Linh… luôn làm tôi thích thú dù khi đó tôi còn chưa đến với văn chương. Tôi nghĩ thời nào thì những người viết trẻ cũng được bạn đọc quan tâm và dõi theo. Chỉ có điều, những người viết trẻ hôm nay, dường như chất "nổi loạn", táo bạo trong sáng tạo; sự tận cùng, quyết liệt về tâm thế chưa được như các đàn anh, đàn chị.
Một nhà văn thành công không chỉ viết cho độc giả mà còn tạo ra độc giả cho mình, tạo ra lối viết cho mình. Nhưng hình như điều đó hơi ít người làm được, anh có thấy vậy không? Anh lý giải thế nào về điều này?
- Ban đầu đến với văn chương, người ta thường viết cái mình có, rồi phải hướng đến viết cái bạn đọc cần, rồi hướng tới viết những thứ sẽ chinh phục được bạn đọc. Nhiều tác giả đã nỗ lực trong việc chủ động tìm đến bạn đọc theo các con đường, trước hết là sự tìm tòi, đổi mới, đào sâu trong sáng tạo để có những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân; sau đó là bằng con đường truyền thông, tiếp thị sản phẩm khi tác phẩm ra đời, tận dụng những tiện lợi của internet để làm cầu nối đến với đông đảo bạn đọc. Có thể kể đến trường hợp của Minh Nhật, Hồng Sakura, Gào, Kawi Hồng Phương... Tác phẩm của một số tác giả văn học trẻ có lượng bạn đọc lớn, một buổi ký tặng sách thu hút hàng trăm người hâm mộ. Nhưng để thành một hiện tượng điển hình thì điều này là khó, ngay cả với các nhà văn đã ít nhiều thành danh chứ chưa nói đến tác giả trẻ. Nên tôi nghĩ người trẻ chạm được đến thành công như Huỳnh Trọng Khang với tiểu thuyết "Mộ phần tuổi trẻ" hay Đào Quốc Minh - người được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho tác giả trẻ với tập thơ "Những người vũ công Memphis" - cũng là những điểm sáng đáng ghi nhận về việc khai phá con đường văn chương của riêng mình.
Đọc văn trẻ hôm nay, cảm giác cái lạ dường như hơi ít. Anh có chung quan điểm này?
- Tôi nghĩ rằng không nên coi cái lạ là tiêu chí duy nhất văn học trẻ cần hướng tới. Mặc dù nếu cần kể ra cũng không phải không có, như trường hợp "Người ngủ thuê" của Đỗ Nhật Phi hay "Thiên mã" của Hà Thủy Nguyên... Cái này cũng còn từ góc nhìn về các xu hướng mà tác giả theo đuổi. Chẳng hạn, sẽ dễ tìm cái lạ hơn ở các tác phẩm trinh thám kinh dị hoặc giả tưởng. Cũng còn xem lạ về nội dung hay hình thức thể hiện nữa. Nhưng dù theo cách nhìn nào thì nếu hiểu lạ theo nghĩa nó độc đáo, khác biệt và cái sự lạ ấy có sức nặng văn chương, độ lan tỏa trong cả chính giới và bạn đọc thì đúng là văn học trẻ chưa làm được.
Các nhà văn trẻ thường chỉ lựa chọn truyện ngắn mà ngại ngần với tiểu thuyết. Anh nghĩ sao về điều này, có phải tiểu thuyết quá sức với nhiều người viết trẻ hiện nay?
- Tôi lại thấy ngược lại, với xu thế những tác phẩm dung lượng dài xuất hiện nhiều hơn. Nhiều tác giả trẻ, bạn đọc biết đến họ bằng tiểu thuyết chứ không phải truyện ngắn, như Đỗ Quang Vinh với "Biến mất" hay các tác giả đã nhắc tên như Huỳnh Trọng Khang với "Mộ phần tuổi trẻ", Đỗ Nhật Phi với "Người ngủ thuê", trước đó các đàn chị Hà Thủy Nguyên với "Điệu nhạc trần gian", Trần Thu Trang với "Phải lấy người như anh"… và rất nhiều tác giả khác nữa. Đặc biệt hơn, tác giả Nguyễn Bình khi mới 11 tuổi đã viết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" dài tới 5 tập, vẫn còn có thể viết tiếp. Vì thế, tôi nghĩ rằng tiểu thuyết có thể là quá sức với người viết trẻ nhưng người viết trẻ đã không ngần ngại nhập cuộc với nó.
Nhiều nhà văn trẻ coi văn chương như một thứ chơi, một thứ tiện tay thì làm, sau đó có thể bỏ ngang không làm nữa. Đó có phải là lý do khiến văn học trẻ khó có sự nổi bật hay không?
- Không ai bắt người này phải viết hay người kia phải đi đường dài với văn chương. Đó hoàn toàn là những lựa chọn cá nhân. Hãy để cuộc sống và thời gian sàng lọc tự nhiên trong sinh quyển chung của xã hội. Bởi dù muốn, chúng ta cũng không thể ươm mầm những "Thánh Gióng văn chương".
Người viết trẻ chọn bạn đọc chứ không giải thưởng
* Giải thưởng của hội nhà văn hình như cũng chưa mạnh dạn lắm đối với các cây bút trẻ, đó có phải là lý do khiến những người viết chưa có động lực mạnh mẽ để đi trên con đường dài vất vả của mình?
- Tôi không cho rằng giải thưởng của hội nhà văn có tác động nhiều đến người viết trẻ, dù có hay không. Đó cũng chỉ là một giải thưởng, một diễn đàn trong rất nhiều diễn đàn văn học cởi mở hôm nay. Giữa một bên là giải thưởng và một bên là 1 triệu bạn đọc đến với tác phẩm của mình, tôi tin người viết trẻ sẽ chọn bạn đọc.
Bình luận (0)