Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM đang xuống cấp nghiêm trọng, dãy lầu nơi các nghệ sĩ ở hư hỏng buộc họ phải chuyển hết xuống trệt. Xác chuột chết, rác do cây mục trong khu vườn bốc mùi khắp khu này, ảnh hưởng đến sức khỏe của các nghệ sĩ lão thành. Nghệ sĩ Hoài Dung - vợ của soạn giả Nguyễn Huỳnh (cha đẻ kịch bản "Tướng cướp Bạch Hải Đường") - nói: "Ai cũng bị bệnh hô hấp do sự ẩm thấp này. Các vết nứt trên tường, trên trần nhà khiến ai cũng sợ".
Kinh phí cạn kiệt
Năm 2010, UBND TP HCM đề nghị giao Khu Dưỡng lão nghệ sĩ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quản lý, để nơi đây được hưởng các chế độ, chính sách như các trung tâm bảo trợ xã hội khác. Đồng thời, bằng nguồn lực đóng góp của các mạnh thường quân, Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP sẽ được mở rộng để đón thêm văn nghệ sĩ ở những lĩnh vực nghệ thuật khác (âm nhạc, điện ảnh, hội họa, văn học…) có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vào chung sống. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đang sinh sống tại đây đã không đồng tình, ký tên kiến nghị chính quyền TP giữ Khu Dưỡng lão nghệ sĩ trực thuộc Hội Sân khấu TP HCM. Vì tâm lý lo sợ khi trực thuộc Sở LĐ-TB-XH, họ chỉ được hưởng chế độ chăm sóc như người già bình thường như các trung tâm khác.
Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM trông chờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân. Trong ảnh: Một buổi phát quà của mạnh thường quân cho các nghệ sĩ lão thành tại đây
Ở lại với Hội Sân khấu TP HCM, Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP đối mặt khó khăn nhiều năm nay do kinh phí hoạt động chỉ dựa vào khoản đóng góp thất thường của các mạnh thường quân. Mấy năm qua, nơi đây chỉ có 4 nhân viên phục vụ và tổng chi mỗi tháng cho hoạt động của khu khoảng 60 triệu đồng. Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho biết: "Hiện bình quân mỗi tháng, Ban Ái hữu Nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TP HCM nhận được số tiền mạnh thường quân ủng hộ (không ổn định) khoảng 20 triệu đồng. Với thực trạng khó khăn về kinh phí, hội đã có chủ trương và thực hiện việc cho thuê mặt bằng trệt và tầng 1 trụ sở nhà truyền thống ở số 133 Cô Bắc, quận 1 từ giữa năm 2018 để có thêm kinh phí trang trải. Đó là nguồn kinh phí ổn định duy nhất để thực hiện tốt việc chăm sóc 13 nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn đang sống tại đây". Trước những khó khăn đang bủa vây, bà Dung cho rằng kế hoạch giao Khu Dưỡng lão nghệ sĩ về Sở LĐ-TB-XH là phù hợp.
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, khẳng định: "Khi giao Khu Dưỡng lão nghệ sĩ về Sở LĐ-TB-XH, mọi thủ tục xây dựng mới, mở rộng ở đây đang gặp khúc mắc lâu nay sẽ đầy đủ tính pháp lý, đồng thời sở sẽ có đội ngũ cán bộ, nhân viên, y - bác sĩ chăm lo tốt hơn cho nghệ sĩ lão thành".
Cần gỡ vướng để xây mới
Hiện tại, nền móng của 2 khu nhà mới đang xây dở dang vẫn còn trơ khung bên cạnh tòa nhà cũ. Theo NSND Kim Cương, có nhiều mạnh thường quân là bạn bè, thân hữu sẵn sàng ủng hộ xây mới ngôi nhà và mở rộng khuôn viên của Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP. "Tuy nhiên, khu dưỡng lão là đất mượn của Viện Điều dưỡng quận 8 nên Ban Ái hữu không có sổ đỏ, vì vậy không thể xin phép xây dựng được. Nay có chủ trương giao về sở, sẽ thuận lợi trong việc xây dựng. Còn rất nhiều nghệ sĩ cần được giúp đỡ, họ cần nơi nương tựa về tinh thần những năm cuối đời" - NSND Kim Cương cho hay. Chính vì không đủ phòng để tạo điều kiện sinh hoạt cho nghệ sĩ nên Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP đã không thể nhận thêm người.
Cũng theo NSND Kim Cương, Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM là một địa chỉ văn hóa, tương tự Nghĩa trang Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp, chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có được, nên TP cần giữ và tôn tạo, xây dựng mới, để làm điểm tựa tinh thần cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, đồng thời là địa chỉ văn hóa du lịch độc đáo.
Giao về Sở LĐ-TB-XH TP HCM sẽ tốt hơn
Trước thực trạng của Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM như hiện nay, hầu hết nghệ sĩ lão thành đang sinh sống tại đây đều mong mỏi sớm được nâng cao chất lượng sống. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cũng ghi nhận: "Khu dưỡng lão hiện nay đã xuống cấp, lầu 1 không sử dụng được và không thể tự sửa chữa hay xây dựng bất cứ công trình, hạng mục nào. Với diện tích lớn như vậy nhưng chỉ có một dãy nhà để 13 nghệ sĩ già yếu neo đơn ở, sinh hoạt, trong khi có thể mở rộng, xây dựng mới và đón thêm các nghệ sĩ lão thành không nơi nương tựa của nhiều lĩnh vực đến sống với tên gọi mới là Trung tâm Dưỡng lão văn nghệ sĩ TP HCM".
Ông Minh cho rằng giao Khu Dưỡng lão nghệ sĩ về Sở LĐ-TB-XH quản lý sẽ tốt hơn, vì sở có chức năng và đã vận hành chuyên nghiệp nhiều trung tâm dưỡng lão trên toàn địa bàn TP.
Bình luận (0)