Tác phẩm triển lãm của Nguyễn Dương
Triển lãm "Khúc ca thiên nhiên" của Nguyễn Dương, vừa khai mạc chiều 22-7 tại TP HCM (kéo dài đến ngày 31-7) trưng bày gần 40 bức tranh trường phái trừu tượng, mô tả những cảnh tượng thiên nhiên gần gũi, quen thuộc hàm chứa nhiều thông điệp đáng chú ý.
Họa sĩ Nguyễn Dương chia sẻ gần 40 tác phẩm này là thành quả của một quá trình dài sáng tác nghệ thuật đầy nỗ lực, nhưng không hề gò bó. Mọi thứ được sắp đặt rất tự nhiên và chứa đựng nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống. Nguyễn Dương gắn bó thiết thân với hình ảnh cửa biển nơi quê nhà Tĩnh Gia, nhưng anh chỉ muốn đi tìm cái tinh thần của sự vật, hiện tượng nên đã chọn ngôn ngữ trừu tượng để vẽ. Bởi vì, khi vẽ biểu hình, rất có thể người vẽ và cả người xem sẽ bị cái thực tại, hình ảnh bên ngoài chi phối nhiều về ý, hình, trong khi trừu tượng thì ít bị chi phối hơn, nên dễ tập trung vào cảm xúc tức thì ở bên trong.
Nguyễn Dương thường quan sát rất kĩ hiện thực xung quanh, rồi đặt ra câu hỏi: Nó đang diễn ra và bị chi phối như thế nào? Với anh, có lẽ một bức tranh trừu tượng được hoàn thành là khi nó giữ nguyên được cảm xúc của bản thân về tinh thần của sự vật, hiện tượng lúc ấy. Còn về bề mặt tác phẩm, nó phải có được chiều sâu của không gian, rõ nét về nhịp điệu và cấu trúc, rõ nét về những va đập của màu sắc hoặc vật chất... Rõ nét, nhưng không cần tính toán một cách rõ ràng, duy lý.
Nguyễn Dương có gần 20 năm theo đuổi, đôi khi kết hợp giữa biểu hiện và trừu tượng, gần đây chất trừu tượng trữ tình được anh khai thác nhiều hơn. Tốc độ vẽ nhanh và sự tĩnh tâm, lược bỏ phác thảo và bỏ qua sự chuẩn bị ý tưởng, các tác phẩm như được giải phóng khỏi ý thức để tự tại định hình. Chính chất trữ tình cũng giúp anh kết nối được các hoài niệm về quê nhà, thi vị hóa thiên nhiên, đồng thời giúp anh tự do tung tẩy, nhanh chóng nắm bắt được tinh thần của sự vật, hiện tượng, khi nó hiển hiện. Những điều này có thể tìm thấy được trong nhiều bức tranh ở triển lãm cá nhân
Nguyễn Dương cho rằng sự giống nhau giữa nghệ thuật biểu hình và trừu tượng là vẫn luôn cố gắng giải quyết những vấn đề thuộc cấu trúc của không gian một cách hợp lý, để tạo ra trạng thái cho bức tranh. Nhưng với tranh trừu tượng, có lẽ họa sĩ được tự do nhiều hơn trong diễn đạt, trong việc ghép nối các không gian và cấu trúc khác nhau để tạo ra một hiệu ứng thị giác mạnh, khác lạ. Chúng khơi gợi, ám ảnh mà không cần đến sự xuất hiện rõ ràng của hình thể, của ý tưởng hoặc câu chuyện. Trong nhiều tranh, Nguyễn Dương đã nắm bắt được cái tinh thần của sự vật, hiện tượng, thay vì mô tả hoặc kể chuyện về nó.
Bình luận (0)