xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khúc tình ca trên chùa Thiếu Lâm

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Một ngày mùa Xuân rực rỡ thời Tống Triết Tôn, có cô gái mười sáu tuổi cưỡi con lừa thong thả lên chùa Thiếu Lâm (núi Tung Sơn, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc).

Cô nghe được tin Côn Luân tam thánh sắp đánh nhau với các nhà sư chùa Thiếu Lâm. Kẻ gây hấn đã đột nhập La hán đường, gửi một mảnh giấy ghi: "... Côn Luân tam thánh ít hôm nữa sẽ đến liều chết lĩnh giáo".

Quách Tương quyết ở lại núi Tung Sơn, xem Côn Luân tam thánh là nhân vật thế nào mà dám sinh sự với chùa Thiếu Lâm. Con lừa đưa cô đi đến một nơi có rừng bách cổ thụ cao vút thì cô nghe văng vẳng tiếng đàn vọng lại. Cô hiểu một chút về âm nhạc, bèn rón rén đi về phía tiếng đàn.

Người chơi đàn là thư sinh trạc tuổi ngoài ba mươi, mặc trường bào trắng. Hắn để cây thất huyền cầm lên hai đầu gối, chơi nhạc. Chim muông nghe tiếng đàn kéo về rừng bách, nhiều con cất tiếng hót véo von. Quách Tương nhận ra đó là khúc "Không sơn điểu ngữ" - một bản nhạc cổ thất truyền từ lâu. Hắn đàn một lúc rồi ngừng đàn. Bầy chim bay đi. Hắn nhìn lên trời, than: "Ôm trường kiếm trợn ngược lông mày; nước xanh và đá trắng sao mà rời rạc nhau đến vậy. Thế gian không có người tri kỷ, dẫu sống ngàn năm phỏng có ích gì?".

Tiếng than khiến Quách Tương cảm khái. Than xong, hắn rút trường kiếm ra, vạch ngang mười chín đường, dọc mười chín đường trên mặt đất thành ra một bàn vi kỳ. Hắn dùng đầu mũi kiếm vẽ dấu chéo làm quân trắng, khoanh tròn làm quân đen; đánh cờ một mình. Đánh đến nước thứ chín mươi ba, quân đen vây hãm quân trắng. Thấy hắn bối rối, Quách Tương nhịn không được nữa, lên tiếng mách nước: "Sao tiên sinh không bỏ Trung Nguyên mà giành lấy Tây Vực?". Thư sinh giật mình, đi vài nước nữa, quả nhiên cứu được quân trắng. Hắn ngừng đánh cờ, cảm ơn Quách Tương.

Khúc tình ca trên chùa Thiếu Lâm - Ảnh 1.

Quách Tương khen bài "Không sơn điểu ngữ" của hắn khiến hắn rất cao hứng. Hắn mời Quách Tương chơi một khúc nhạc. Cô gái chơi cho hắn nghe khúc "Khảo bàn" trong "Thi kinh"; nội dung khúc đàn khiến thư sinh mừng rỡ. Khúc đàn nói: "Có đấng trượng phu rong chơi đơn độc một mình bên dòng suối vắng, khuôn mặt gầy guộc nhưng chí hướng cao khiết thì không khi nào thay đổi". Hắn nhận ra cô gái nhỏ xứng đáng là tri kỷ của mình.

Đàn xong, cô lặng lẽ ra đi. Hai hôm sau, cô ghé lại thạch đình của chùa Thiếu Lâm. Nơi đây, cô bị ba lão Phan Thiên Canh, Phương Thiên Lao, Vệ Thiên Vọng của phái Thiếu Lâm Tây Vực bắt nạt. Khi Vệ Thiên Vọng bẻ gãy cây kiếm của cô thì bỗng dưng nóc thạch đình vỡ ra, gã thư sinh mặc trường bào trắng tay ôm cây đàn hạ xuống trước mặt Quách Tương. Quách Tương mừng rỡ nhận ra người chơi đàn giữa rừng bách.

Hắn thú thật đã đi tìm Quách Tương hai ngày qua, muốn mời cô nghe khúc nhạc mà hắn vừa sáng tác để tặng cô khi gặp nhau trong rừng bách. Dưới mắt hắn, không có ba cao thủ Thiếu Lâm Tây Vực đứng vây đó nữa, chỉ còn Quách Tương với khuôn mặt thiếu nữ ngây thơ trong sáng - khuôn mặt mà hắn thương nhớ hai ngày qua. Hóa ra hắn là một nhạc sĩ cực kỳ lãng mạn.

Ba gã Thiếu Lâm Tây Vực sinh sự với thư sinh. Ban đầu, hắn chỉ tránh né quyền pháp cương mãnh của Vệ Thiên Vọng cho đến khi lão này giở ngạnh công ra thì hắn mới dùng ngạnh công, đánh họ Vệ một đòn khiến lão ngũ tạng đảo lộn, xương cốt như bị gãy rời. Phương Thiên Lao thách hắn đấu kiếm, hắn chỉ dùng cây kiếm gãy của Quách Tương để hóa giải kiếm pháp của lão.

Đánh nhau đến đây, thư sinh... không muốn đánh nữa, chỉ muốn gảy đàn cho Quách Tương nghe. Hắn ngồi xuống, tay trái nhấn dây, tay phải gảy đàn. Nghe tiếng đàn, Quách Tương vừa cảm xúc vừa mừng rỡ. Thì ra trong hai ngày xa cô, thư sinh đã lấy hai điệu khác nhau là "Khảo bàn" trong "Thi kinh" kết hợp với "Kiêm hà" trong "Tần phong" để viết thành một cầm tấu khúc mới. Cung đàn nói lên sự nhớ nhung, rõ ràng là lời tỏ tình khiến cô vừa hạnh phúc vừa thẹn thùng. Tiếng đàn hoa mỹ, giai điệu một hỏi một đáp quyến luyến nhau. Cô gái chưa bao giờ được nghe khúc tình ca ngọt ngào như vậy.

Thư sinh ngồi đàn đến độ xuất thần, cô gái cứ lắng nghe trong khi ba cao thủ Tây Vực thì tức giận tràn hông. Bỗng dưng, vai trái của thư sinh đau nhói. Phan Thiên Canh dùng kiếm tấn công nhưng hắn chưa đàn xong khúc nhạc. Đến lúc này, hắn mới giở hết tuyệt kỹ bình sinh ra: Tay trái dùng cây kiếm gãy của Quách Tương hóa giải thế tấn công của họ Phan; tay phải vẫn đánh vào dây đàn. Không còn tay nào nữa để bấm dây, hắn vận nội lực thổi vào dây đàn cho nốt nhạc vang lên đúng cao độ. Cung đàn vẫn dìu dặt, luyến láy, nhấn nhá đúng như thanh nhạc khúc tình ca hắn vừa sáng tác.

Phan Thiên Canh tấn công tới tấp, nhịp điệu tiếng kiếm không phù hợp với tiết tấu chậm và diễn cảm của khúc tình ca. Quách Tương nghe cung đàn, nhăn mặt vì Phan Thiên Canh chơi "dàn âm gõ" quá dở! Thư sinh cũng không tự chủ được tiết tấu của mình, truyền kình lực vào cây kiếm gãy, coong một tiếng, trường kiếm của Phan Thiên Canh gãy đôi. Dây đàn thứ năm của cây thất huyền cầm cũng đứt đoạn.

Ba lão già thua trắng, giục ngựa chạy đi. Thư sinh ngẩn ngơ nhìn cây đàn, có vẻ buồn rầu. Quách Tương tháo dây ra, nối dây lại giúp hắn. Hắn nói thật: "Tu luyện bao nhiêu năm mà lòng vẫn chưa an. Tuy tay trái đã vận kình đánh gãy kiếm đối phương nhưng tay phải vẫn làm đứt dây đàn". Quách Tương an ủi hắn: "Tiên sinh chẳng nên vì vậy mà phiền lòng".

Gã thư sinh ấy từ núi Côn Luân xuống. Hắn được người đời ca tụng là bậc thánh về đàn, bậc thánh về kiếm và bậc thánh về đánh cờ - cầm thánh, kiếm thánh, kỳ thánh; kết hợp với địa danh Côn Luân thành ngoại hiệu Côn Luân tam thánh. Côn Luân tam thánh chỉ là một người chứ không phải ba người. Tuy nhiên, hắn cảm thấy mình chưa xứng đáng với chữ "thánh", nên tự đặt tên cho mình là Hà Túc Đạo, có nghĩa là không đáng để được gọi như vậy. Cả ngoại hiệu và tên của hắn có nghĩa là "Không xứng đáng để được gọi là Côn Luân tam thánh".

Hắn đánh thua sư Giác Viễn của chùa Thiếu Lâm, xấu hổ chạy về núi Côn Luân, suốt đời nhớ nhung hình ảnh hồn nhiên, tươi đẹp của Quách Tương. Quách Tương vân du lên núi Nga Mi, ngộ ra Phật pháp vô biên, bốn mươi tuổi thì lập ra phái Nga Mi.

Câu chuyện lạ lùng và thơ mộng trên đây được hư cấu trong Ỷ thiên Đồ long ký của nhà văn Kim Dung.

Cung đàn nói lên sự nhớ nhung, rõ ràng là lời tỏ tình khiến cô vừa hạnh phúc vừa thẹn thùng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo