Chưa năm nào mà mùa kịch Tết lại thua đậm như năm nay. Trong 24 vở mới, có vở chỉ sống được vài suất, còn lại 2/3 không thể tồn tại qua tháng giêng. Trong khi đó, sàn diễn nào cũng chủ trương dựng vở sao cho có tuổi thọ vài tháng. Cái chết của kịch trong mùa Tết vừa qua khiến những người làm nghề thay đổi tư duy.
Tạo nguồn lực mới
"Đây không phải là lúc mổ xẻ nguyên nhân vì người làm nghề đều biết. Một khi khán giả không tìm được điều gì mới từ sàn kịch thì họ sẽ quay lưng" - diễn viên Trí Quang khẳng định.
Một cảnh trong vở “Đại ca mình đi đâu thế?” của Kịch Phú Nhuận
Nghệ sĩ Hồng Vân thừa nhận: "Khó đoán khán giả hôm nay lắm. Vở hay phát triển phần 2, phần 3, đào sâu nội dung, đưa vào những tình huống bất ngờ thú vị là đông khán giả, cụ thể là phần 3 vở "Quán cà phê 3D" thắng đậm. Nghĩa là vở có nội dung tốt, khán giả sẽ đến xem".
Nội lực của sàn diễn bao giờ cũng quyết định sự thắng bại của một mùa kinh doanh. NSƯT Thành Lộc từng tâm sự anh không muốn Sân khấu Kịch IDECAF cứ quanh đi quẩn lại vẫn là những vở của các đạo diễn Vũ Minh, Tuấn Khôi, Đình Toàn. Quan trọng là phải mở rộng ra, chọn những vở của đạo diễn trẻ trong mùa tốt nghiệp, sau đó đưa về tăng cường, chỉnh sửa theo hình thức, phong cách của Kịch IDECAF để tạo nguồn lực mới. Chính vì thế, "Mơ giấc tình tình" của đạo diễn Lê Hoàng Giang đã thu hút đông khán giả, dù đó là vở của một đạo diễn trẻ.
Sân khấu Kịch Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân cũng đi theo mô hình này khi chọn đạo diễn trẻ Tuấn Anh dựng vở "Đại ca mình đi đâu thế?", kết quả mang lại thật tích cực.
Nhà hát Thế Giới Trẻ của ông bầu Trần Đại cũng thành công trong việc tạo ngôi sao cho chính sàn diễn của mình. Sân khấu này có thế mạnh là dung nạp những diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ vừa tốt nghiệp, giúp họ có cơ hội làm nghề và phát huy tài nghệ. Nhiều tên tuổi đã trưởng thành từ sàn diễn này và gắn bó máu thịt với nó: Khả Như, Diệu Nhi, Anh Tú, Thu Trang, Hoàng Phi, Quang Tuấn, La Thành…
Thay đổi tư duy phải đi kèm với đầu tư nguồn lực. Trước hết là phải có được nguồn kịch bản hay. "Chúng tôi triển khai những tổ chế tác để cùng gia cố kịch bản trước khi đưa lên sàn diễn. Do vậy, chiến lược cả năm 2019 của Nhà hát Thế Giới Trẻ vẫn là đầu tư cho những kịch bản bám sát đời sống, nói được những điều giới trẻ đang quan tâm. Sàn diễn hôm nay phải mang tính đối thoại và có sự phản biện" - đạo diễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Kinh doanh linh hoạt
Nhìn nhận sân khấu kịch cần có chiến lược phát triển lâu dài, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF cho rằng trong một năm, muốn dựng một tác phẩm đỉnh cao thì phải có 3 - 4 vở diễn chiều theo thị hiếu giải trí của công chúng.
"May mắn là Sân khấu IDECAF có vở "Tấm Cám" cứu doanh thu cùng lợi nhuận có được từ chương trình "Ngày xửa ngày xưa" để bù đắp cho vở mới và tác phẩm đỉnh cao. Bên cạnh việc tạo nguồn lực mới vẫn là tạo ra những vở diễn có sức hút. Cụ thể, "Ngôi nhà không có đàn ông" vẫn đông khách. Sau mùa Tết, "Cái đẹp đè bẹp cái nếp" và "Mơ giấc tình tình" cũng hứa hẹn sẽ là 2 vở đông khách quanh năm" - ông bầu đầy tâm huyết của Kịch IDECAF phấn khởi.
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng để cứu nguy cho kịch sau mùa Tết vừa qua, các sàn diễn cần mạnh dạn xếp kho các vở yếu về doanh thu, lấy các vở cũ ăn khách rồi thay diễn viên ngôi sao để giữ sàn diễn sáng đèn. Giải pháp lâu dài vẫn là làm giàu kịch bản, đổi mới hình thức thể hiện, ổn định được dàn diễn viên mới mong định hình được phong cách.
Bị game show truyền hình đè bẹp?
Nhiều ý kiến trong giới nghệ sĩ cho rằng sở dĩ kịch sân khấu không còn ăn khách là do đang bị game show, truyền hình thực tế đè bẹp. Kịch IDECAF thắng là vì Thành Lộc, Hữu Châu không tham gia game show nên thu hút khán giả đến sàn diễn.
Thế nhưng, chính những người trong cuộc lại khẳng định do thiếu sự chuyển dịch có tính chiến lược, sân khấu kịch cứ "ăn xổi" theo nếp nghĩ cũ dẫn đến hậu quả thua đậm. Theo nhiều nhà chuyên môn, chính sự chai lì trong sáng tạo đã giết chết thị phần kịch mùa Tết.
Bình luận (0)