Việc đưa kịch nói đến với khán giả sinh viên, học sinh không phải mới nhưng chưa lúc nào hàng loạt sân khấu kịch thi nhau tổ chức đưa kịch vào diễn tại các trường trung học phổ thông và đại học như lúc này.
Kịch học đường khác "phở mậu dịch"
Rạp Công Nhân nhiều ngày qua đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ cho vở kịch "18 tuổi" của đạo diễn Thái Kim Tùng. Đó là những suất diễn phục vụ khán giả học sinh và cả phụ huynh qua việc ký kết hợp đồng giữa sân khấu này cùng nhiều trường học. Tương tự, Kịch Phú Nhuận cũng tái diễn vở "Số đỏ", "Chí Phèo"… nhắm đến đối tượng này. Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đã chạm mốc 30 suất diễn vở "Dấu xưa" tại các trường học…
Cảnh trong vở kịch “18 tuổi” của Nhà hát Kịch TP HCM
Khác với các chương trình sân khấu học đường giới thiệu về đờn ca tài tử và nhạc âm hưởng dân ca, kịch học đường mang thêm trọng trách rất lớn là tạo ra thế hệ khán giả yêu kịch. Do vậy, vào thời điểm này, kịch học đường được chăm chút về mặt nội dung, hình thức biểu diễn và trên hết là thông điệp giàu tính nhân văn.
NSND Hồng Vân cho biết: "Đừng nghĩ đưa kịch vào học đường thì xem nhẹ tiêu chí chất lượng. Do vậy, chủ trương của kịch Phú Nhuận khi liên kết với các trường, đều muốn giữ đúng chất lượng của kịch, để thu hút các em đến rạp xem".
Ông Nguyễn Anh Kiệt, Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM, cho biết những buổi diễn phục vụ khán giả học sinh đã làm tăng thêm phần hứng khởi đối với diễn viên của nhà hát. Phụ huynh đi xem cũng đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với nhà hát. "Cách chọn đề tài đúng, phù hợp sẽ đem lại hiệu quả cho chương trình sân khấu kịch học đường" - ông Kiệt đúc kết.
Theo đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc: "Các em xem và học văn học hiệu quả hơn qua những vở kịch như kịch Phú Nhuận thực hiện: "Số đỏ", "Chí Phèo", "Bỉ vỏ", "Kỹ nghệ lấy Tây"…". Thực tế, kịch kích thích các khả năng tiềm ẩn của học sinh. Ở hầu hết các nước phương Tây, nghệ thuật kịch được đưa vào giảng dạy như một bộ môn riêng biệt".
Cần hiệu ứng kép
Thực tế cho thấy sân khấu kịch nói muốn đạt được mục tiêu rất cần hiệu ứng kép. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: "Thứ nhất, đó là hiệu ứng truyền tải thông điệp giáo dục đến với nhận thức của khán giả trẻ. Thông điệp đưa ra cần rõ ràng, cách diễn xuất chân thật của diễn viên sẽ gợi mở trong suy nghĩ trong sáng của các em về những điều tốt đẹp nhất từ câu chuyện kịch. Thứ hai, hiệu ứng của việc giúp học sinh tăng khả năng tập trung và ghi nhớ bài học một cách thoải mái, dễ dàng hơn, thông qua vở kịch được xem. Hiệu ứng này muốn đạt được rất cần sự phối hợp với nhà trường, nơi có giáo trình giảng dạy và đặt hàng kịch học đường sát sườn với bài giảng về văn học, về lịch sử, về giáo dục công dân".
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn nói: "TP HCM có hơn 400 trường tiểu học, chưa kể các trường THCS, THPT, nhưng số suất diễn đến với các trường còn rất khiêm tốn. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để dàn dựng thêm nhiều vở kịch đạt hai hiệu ứng này". NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM - cũng thấy cần thiết dàn dựng thêm nhiều vở kịch phù hợp lứa tuổi học sinh, nhất là giáo dục giới tính cho các em, bên cạnh các vở kịch truyền thống.
Không thể đưa nghệ thuật kịch tới giới thiệu ở trường học một cách đơn thuần như giải trí. Kịch học đường rất cần sự chọn lựa để có thể ứng dụng trong giảng dạy và học. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ khó khăn, những điều mà các em quan tâm về đời sống, học tập, những giá trị nhân văn, đạo đức, truyền thống của dân tộc.
NSƯT Trần Minh Ngọc cho biết hằng năm tại Đức, hội thảo "Kịch trong giáo dục" được tổ chức nhằm bàn luận những nghiên cứu mới của việc sử dụng kịch trong các bộ môn giảng dạy, đặc biệt là văn học và ngoại ngữ. Các bài tập về giọng nói, hành động, cử chỉ, sáng tạo tình huống và nhân vật giúp học sinh tăng khả năng tập trung và ghi nhớ bài học một cách thoải mái và dễ dàng hơn. Đặc biệt, giáo viên cũng được tiếp cận và thực hành kịch để làm mới cách truyền đạt của mình. Bằng chứng là dòng kịch văn học của Kịch Phú Nhuận đã giúp cho các giờ lên lớp của giáo viên dạy văn thuận lợi hơn.
Giới làm nghề rất cần những buổi thảo luận, lập lộ trình để đạt hiệu quả thiết thực cho kịch học đường, nhân đà đang rộ lên phong trào, để không bị tắt ngúm.
NSND Hồng Vân đưa kịch về Cần Thơ
Với mô hình đưa kịch vào học đường, TP Cần Thơ đã tạo mọi điều kiện để Sân khấu Kịch Hồng Vân phối hợp với Công ty TNHH Biểu diễn nghệ thuật và Hội chợ triển lãm Đất Việt, tổ chức chương trình biểu diễn tại Nhà hát Tây Đô, phục vụ đối tượng chính là học sinh, sinh viên của TP này. Với hai vở "Xóm trọ 3D" và "Cưới giùm", Kịch Hồng Vân sẽ công diễn 4 suất tại đây vào ngày 30-4 và 1-5. NSND Hồng Vân cho biết lượng vé phát hành từ các trường phổ thông và đại học bước đầu khả quan.
Bình luận (0)