Khác với liên hoan năm trước, lần này số lượng HCV, HCB được trao ít hơn. Cũng có nhiều tranh luận, tâm tư sau khi kết thúc liên hoan nhưng điều giới chuyên môn quan ngại qua liên hoan lần này là trong số các vở đoạt HCV, HCB không hề thấy bóng dáng của tác giả trẻ, kể cả đạo diễn trẻ cũng hiếm, nếu không muốn nói tác phẩm của họ đều có sự nhúng tay của các đạo diễn bậc thầy.
Trước hết phải kể đến căn bệnh trầm kha của liên hoan kịch nhiều năm liền không trị dứt, đó là các đơn vị dự thi đều chọn kịch bản có độ an toàn, dễ dàng đoạt huy chương. Chính vì thế, kịch bản của tác giả trẻ không có cơ hội tranh tài. Đạo diễn trẻ cũng thế, nhà tổ chức đầu tư vốn để đi thi, đều nhờ đạo diễn chuyên nghiệp "chuốt" vở, dẫn đến mảng miếng, tư duy cấu trúc, những khám phá sáng tạo của thế hệ trẻ bị chặt đứt từ trong trứng nước. Chưa kể thực trạng các đơn vị tham gia không chú tâm đến việc giành huy chương cho vở diễn mà chỉ cốt "săn" huy chương cho diễn viên để đạt tiêu chí xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND sau này.
Cảnh trong vở kịch "Bông cúc xanh trên đầm lầy" của tác giả Lưu Quang Vũ, do Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn Ảnh: LINH ĐOAN
Điểm lại 4 vở đoạt HCV gồm: "Bão tố Trường Sơn" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" (Nhà hát Tuổi Trẻ), "Tiếng giày đêm" (Công ty TNHH Giải trí Hero Film), "Vùng lạnh" (Nhà hát Kịch Việt Nam) và 6 vở giành HCB: "Gương mặt kẻ khác" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B), "Khi con tốt sang sông" (Nhà hát Kịch nói Quân đội), "Yêu là thoát tội" (Nhà hát Thế Giới Trẻ), "Người mẹ thứ hai" (Nhà hát Kịch TP HCM), "Dưới ánh đèn" (CLB Sân khấu thể nghiệm Hội Sân khấu Việt Nam), "Gặp lại người đã chết" (Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân) đều là kịch bản của những tác giả đã quá quen thuộc với hội diễn, liên hoan như: Lưu Quang Vũ, Lê Chí Trung, Bích Ngân, Nguyễn Anh Kiệt, Xuân Đức, Trần Minh Ngọc, Chu Thơm… và đa phần được dàn dựng bởi các đạo diễn đã từng ngang dọc trong nhiều cuộc so tài mang danh hội diễn, liên hoan như: Trần Ngọc Giàu, Trần Minh Ngọc, Trần Nhượng…
Khoảng trống quá lớn giữa các thế hệ kịch tác gia và đạo diễn ngay trong liên hoan đặt ra câu hỏi phải chăng tác giả trẻ không theo kịp thế hệ sáng tác tiền bối, đạo diễn trẻ chưa đặt hết tâm huyết cho nghề?
Chỉ có một đạo diễn trẻ được trao giải triển vọng là Lê Đăng Khoa với vở "Hiu hiu gió bấc" (Công ty TNHH Giải trí sân khấu Buffalo). Đây chưa phải đại diện cho sức trẻ cần có của một liên hoan cấp quốc gia để gọi là đợt khảo sát tình hình sân khấu kịch nói chuyên nghiệp.
Hai cơ chế, đặc thù hoạt động khác nhau ở hai miền Nam và Bắc hòa chung vào một liên hoan, xem ra không ổn về bình đẳng trên sân chơi đúng chất. Kịch quốc doanh dựng vở đi thi bằng tiền nhà nước, thi xong cất kho hoặc chỉ diễn vài suất phục vụ khán giả khách mời khác hẳn với nghệ sĩ trong Nam, bỏ tiền túi của mình dựng vở để có tác phẩm đi thi, sau đó phải bán vé lấy lại vốn. Áp lực bán vé đôi khi khiến cho tác phẩm của họ không đạt được ý muốn của ban tổ chức.
Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc sẽ lại được tổ chức, nhiều vở diễn, nhiều nghệ sĩ tiếp tục được trao HCV, HCB nhưng những trăn trở của người trong giới về sáng tạo tác phẩm sân khấu vừa có chất lượng chuyên môn vừa bán được vé vẫn nặng mang.
Bình luận (0)