Phim "Cha ma" của đạo diễn Bá Vũ (ra rạp từ ngày 23-8) là tác phẩm tiếp theo sau "Lật mặt 4: Nhà có khách" của đạo diễn Lý Hải có cái kết không biến chuyển thành giấc mơ hay ảo giác, thủ đoạn do con người gây ra. Những thay đổi tích cực từ phía cơ quan kiểm duyệt khiến người trong giới lẫn khán giả bất ngờ, vì lâu nay vấn đề nhạy cảm này đã thành định kiến tưởng chừng không thể vượt qua.
"Mở cửa" kiểm duyệt
Phim "Cha ma" được lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Hoàng Anh Tú, có nội dung kể về cô sinh viên Vân Nhi (Ngọc Duyên đóng) nhận công việc bảo mẫu cho bé Kitty 4 tuổi (Chiêu Nghi đóng), con gái của Thanh (Phương Anh Đào đóng). Công việc bận rộn, Thanh giao nhà và giao việc đưa đón, dỗ bé Kitty ăn ngủ cho Vân Nhi. Ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, bé Kitty ngoan ngoãn, Vân Nhi sẽ rất thoải mái với công việc nếu cô không nghe thấy những tiếng động kỳ quái, ca khúc "Gió mùa thu" do một người đàn ông mà Kitty nói là cha mình hát vang lên mỗi đêm. Cô hoang mang nhắn tin liên tục cho người thầy (Đan Trường đóng) mà mình âm thầm gửi gắm tình cảm để xin lời khuyên nhưng chưa bao giờ được trả lời. Vân Nhi nỗ lực khám phá điều bí ẩn này và rồi đau khổ đối mặt với sự thật bi thương.
Cảnh trong phim “Cha ma”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Cũng giống "Lật mặt 4: Nhà có khách", phim "Cha ma" mang đến cái kết khẳng định sự tồn tại của cõi âm bên cạnh cõi dương, có linh hồn người đã khuất. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này nhanh chóng bị chìm khuất trong khoảnh khắc xúc động về tình người, tình cảm gia đình, tình vợ chồng, phụ tử đầy nhân văn được tạo ra. Không bàn đến sạn trong kịch bản, diễn xuất còn yếu của Ngọc Duyên, Đan Trường và một số điểm trừ khác, "Cha ma" chuyển tải được những bài học về giá trị tình cảm gia đình, thể hiện quan điểm về cõi âm theo tâm linh Việt mà lâu nay khó ai nghĩ sẽ được duyệt cho chiếu trên màn ảnh rộng. Bởi phim kinh dị Việt tồn tại "luật bất thành văn", buộc cái kết câu chuyện phải lý giải những gì đã diễn ra là giấc mơ hay do nhân vật bị hoang tưởng. Phim kinh dị gần đây là "Người bất tử" của đạo diễn Victor Vũ cũng xử lý cái kết cuối cùng là giấc mộng của nhân vật An. Trước nay, nhiều phim kinh dị không qua được cửa kiểm duyệt, bị cấm chiếu như "Bẫy cấp 3", "Rừng xác sống" hay phải chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu từ hội đồng kiểm duyệt như "Thiên linh cái". Nỗi lo lắng phim không qua được kiểm duyệt hoặc nếu qua cũng sẽ bị cắt, chỉnh sửa mất đi cái hay, cái cốt lõi của câu chuyện luôn ám ảnh nhà sản xuất.
Tuy nhiên, từ "Lật mặt 4: Nhà có khách" đến "Cha ma" cho thấy đã có sự "cởi mở" hơn trong kiểm duyệt. "Kết quả kiểm duyệt là một trong những bất ngờ lớn nhất của bộ phim "Cha ma". Ban đầu, tôi nghĩ ít nhất cũng phải có 3 chỗ bị yêu cầu chỉnh sửa. Nhưng cuối cùng, tôi chỉ phải chỉnh đúng một câu thoại cho phù hợp. Có lẽ đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử phim kinh dị Việt. Sau khi "Cha ma" vượt qua khâu kiểm duyệt an toàn và nguyên vẹn, tôi nhận ra chủ đề ma quỷ trong phim Việt không hề là "vùng cấm" như xưa nay mọi người vẫn nghĩ. Vấn đề hoàn toàn thuộc về cách xử lý của các nhà làm phim" - đạo diễn Bá Vũ khẳng định.
Cởi mở đến đâu?
"Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện về tình cảm gia đình, cha con, vợ chồng, thầy trò... trên nền của thể loại kinh dị. Thật sự, tôi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện kịch bản và đặc biệt là giai đoạn dựng phim. Bởi vì, tôi đã liều lĩnh bỏ hết tất cả những yếu tố cơ bản của thể loại phim kinh dị thông thường: không bạo lực, không máu me, không trả thù, không giết người... Quá trình này mất của tôi hơn năm rưỡi" - đạo diễn Bá Vũ cho biết về "Cha ma". Ở phim "Lật mặt 4: Nhà có khách" của Lý Hải cũng tập trung nhiều vào yếu tố hài hước, hù dọa và cái kết lại chuyển hướng sang tình mẫu tử. Điều đó cũng cho thấy các phim này khẳng định sự tồn tại của thế giới âm nhưng hạn chế cảnh kinh dị, bạo lực đi sâu vào yếu tố tâm linh theo cách dễ hướng con người vào mê tín dị đoan. Rõ ràng, cánh cửa cho phim kinh dị có mở nhưng vẫn còn đó các giới hạn nhất định, kinh dị nhưng vẫn phải hướng đến chân - thiện - mỹ, ngăn cản nhà làm phim đi quá xa, trở thành phản cảm.
Việc cơ quan quản lý mở cửa cho phim kinh dị Việt dù chưa phải rộng rãi nhưng cũng làm an lòng người làm phim. "Tôi nghĩ sự "cởi mở" của cơ quan kiểm duyệt là tín hiệu đáng mừng, một bước tiến giúp cho biên kịch thoải mái hơn trong sáng tạo khi chạm đến chủ đề kinh dị nhưng phải hướng đến chân - thiện - mỹ" - biên kịch Thanh Hương bày tỏ.
Biết rõ những điều cần giới hạn
Thực tế, trong lịch sử phim Việt, đã từng có tác phẩm khai thác thế giới cõi âm, đó là phim "Bao giờ cho đến tháng mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, công chiếu năm 1984, với trường đoạn về chợ âm dương - nơi người sống và linh hồn người đã khuất được gặp nhau đầy xúc động. Tuy nhiên, để giữ được trường đoạn phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã phải đấu tranh vất vả trước quan điểm cho rằng như thế là mê tín dị đoan.
"Theo quan điểm của tôi, phim kinh dị hay phim thể loại nào khác, yếu tố tâm linh nếu được nhắc đến theo hướng tích cực, có giá trị nghệ thuật, không phản cảm hay làm ảnh hưởng người xem theo hướng tiêu cực, phương hại xã hội thì nên được tôn trọng. Đó là sự tôn trọng sáng tạo trong nghệ thuật, chấp nhận để nhà làm phim đưa ra suy nghĩ cá nhân trong tác phẩm của mình. Nhưng với những ai lợi dụng làm nghệ thuật để cố ý truyền bá mê tín dị đoan, hướng công chúng suy nghĩ lệch lạc thì nên sàng lọc. Điều này đòi hỏi hội đồng kiểm duyệt phải nỗ lực xác định rõ để tôn trọng những điều cần tôn trọng và giới hạn những điều cần giới hạn" - nhà báo Cát Vũ nêu ý kiến.
Bình luận (0)