Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trao bằng công nhận danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ (ảnh Thanh Hiệp)
Bên cạnh niềm tự hào về lòng nhân ái tỏa sáng của con người Việt Nam thì chúng ta càng tự hào hơn vì bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng kinh tế ở nhóm cao nhất thế giới. Ngược về trước khi chưa có đại dịch, tăng trưởng kinh tế qua từng năm của Việt Nam cũng luôn ổn định và ở mức tỉ lệ cao so với mặt bằng chung thế giới.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng sâu rộng với hàng loạt chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế đã đem lại những thành tựu to lớn. Chính tăng trưởng kinh tế cao và ổn định đã làm thay da đổi thịt bộ mặt xã hội. Không chỉ có mức sống của người dân được nâng lên, cũng không chỉ cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn được cải thiện ngày càng khang trang hiện đại mà điều kiện để thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng rộng mở hơn.
Văn hóa thì sao?
"Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Những câu chữ này hơn 10 năm gần đây chúng ta đã nghe rất nhiều và không ít người làm công tác văn hóa thuộc đến mức nhập tâm, trở thành cẩm nang hành động. Nhưng ngay thời điểm Đảng và Nhà nước ta thực hiện tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vào cuối năm 2013, vấn đề mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa đã được đặt ra, vừa mang tính định hướng vừa là khâu trọng yếu đối với yêu cầu phát triển bền vững bởi thực tiễn tổng kết đã nhận định một trong những nguyên nhân của hạn chế yếu kém là việc "coi trọng kinh tế hơn văn hóa".
Thực tiễn cho thấy, cả trước và sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến nay, phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế vẫn có những "độ chênh" đáng lo ngại. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần phát triển trong tình trạng có mặt thì ì ạch, mặt khác lại có chiều biến tướng, dị dạng.
Dường như động lực tối đa hóa lợi nhuận trong mọi ngành nghề đang là xu hướng "kèo trên" của nhận thức phát triển. Đi theo nó là lối sống thực dụng, thang giá trị xã hội truyền thống bị đảo lộn, bản sắc văn hóa dân tộc đứng trước thách thức sống còn của hội nhập và toàn cầu hóa.
Bây giờ người ta nói đến nhiều thứ văn hóa như văn hóa tri thức, văn hóa ứng xử, văn hóa từ chức hay văn hóa tâm linh, văn hóa mạng... Những gì được nói đến nhiều chắc chắn là đang được quan tâm nhiều, có độ "phủ sóng" cao, dù tích cực hay tiêu cực. Được sự quan tâm nhiều của cộng đồng thì chắc chắn là nó đang tác động mạnh đến đời sống xã hội. Đơn cử như văn hóa tâm linh với sự phục hồi của những loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu, cúng Tổ hay du lịch tâm linh. Tín ngưỡng, tâm linh đều là những yếu tố cấu thành của văn hóa nhưng sự biến tướng trong thời hiện đại như giẫm đạp lên nhau để cướp lộc, cướp ấn ở đền Đức Thánh Trần (Nam Định), đốt tiền thật ở mộ chị Võ Thị Sáu (Côn Đảo) và cả việc những giá hầu hoành tráng, nhiều tiền thì "độ linh" mới cao… Nghịch lý là kinh tế càng phát triển thì xã hội càng "tâm linh", người giàu hình như lại "tâm linh" hơn người nghèo.
Kỷ nguyên số và tác động của cuộc cách mạng 4.0 cho ra đời cái gọi là văn hóa mạng. Sống ảo đang đan xen với sống thực. Nhu cầu "sống ảo" trở thành một nhu cầu sống "rất thực". Mới cuối năm ngoái, cộng đồng mạng xôn xao về các tượng dung tục, kinh dị trong một khu du lịch sống ảo ở Đà Lạt và mới đây lại thêm tượng nữ thần Tự do trong một khu sống ảo ở Sa Pa bị "thiên hạ ném đá". Người ta đang đua nhau đầu tư cho những điểm du lịch phục vụ nhu cầu sống ảo mà không ai kiểm soát được tính văn hóa của nó ra sao.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển". Tinh thần này, ý chí này đã được phát huy trong tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, sự cần thiết song hành của nó vẫn là vấn đề gai góc cả trong tư duy và hành động.
Bình luận (0)