xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ niệm một thời xa vắng

Bài và ảnh: NGUYỄN NGỌC HẠNH

Đừng bao giờ gieo thêm khổ đau lên số phận hẩm hiu của những người đàn bà bất hạnh trong chiến tranh. Đó cũng là thông điệp của nhà thơ Bùi Hoàng Tám mà nhạc sĩ Thái Nghĩa đã chắp nối bằng giai điệu đến với cuộc đời

Mới đây, nhân ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Thái Nghĩa, tôi được biết tạp chí văn học của Mỹ Prairie Schooner đã bầu chọn bài thơ "Lời thề mùa đông" của Bùi Hoàng Tám là bài thơ hay tiêu biểu. "Lời thề mùa đông" còn là một kỷ niệm nhỏ khó quên giữa tôi và nhạc sĩ Thái Nghĩa khi anh phổ nhạc, chắp cánh cho bài thơ này đi vào lòng người bằng những giai điệu đẹp, lắng sâu về nỗi buồn của một thời xa vắng.

Kỷ niệm một thời xa vắng - Ảnh 1.
Kỷ niệm một thời xa vắng - Ảnh 2.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám và nhạc sĩ Thái Nghĩa

Bài thơ "Lời thề mùa đông" của Bùi Hoàng Tám đã được nhạc sĩ Thái Nghĩa phổ thành ca khúc cách đây gần 20 năm. Đó là kỷ niệm khó quên với tôi trong một lần hai anh em ngồi ở quán cà phê Long, Đà Nẵng, tôi đã gợi ý để Thái Nghĩa phổ nhạc bài thơ. Nơi chiến trường máu lửa, người lính trận có thể sống, có thể chết, tất cả đều phải chấp nhận điều đó dù không ai muốn. Nhưng sự khốc liệt của chiến tranh ở hậu phương, nơi đầu ngõ những bà mẹ chờ con, nơi bậu cửa những đứa trẻ mong cha và những người vợ đêm đêm trằn trọc chờ chồng, họ cứ sống trong nỗi cô đơn hết cả một đời...

Nhạc sĩ Thái Nghĩa không xa lạ gì với công chúng yêu nhạc ở Quảng Nam - Đà Nẵng và thiếu nhi cả nước. Ngoài những ca khúc nổi tiếng viết cho các em như "Điệu lý quê em", "Mẹ cấy giữa mùa vui", "Chim thơ rao hót"… thì những "Tình khúc Thu Bồn", "Thao thức với rừng", "Cung trầm cung thương", "Dòng sông còn lại" (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh)… với âm hưởng của các làn điệu dân ca ngọt ngào đã để lại những ấn tượng đẹp cho người nghe. Có người cho rằng chất hồn hậu đằm thắm đậm đà trong ca khúc của Thái Nghĩa phần nào hiển hiện cá tính dân dã chân chất của người nghệ sĩ được sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Thu Bồn. Có phải vì thế mà nỗi đau khôn nguôi trong chiến tranh ở vùng đất La Thọ (Điện Hòa) quê anh cứ bật lên da diết trong mỗi thanh âm. Sau "Cảm tác vọng phu" (1990) đến "Lời thề mùa đông" (1998) là sự nối tiếp về những số phận nghiệt ngã trong ca khúc của Thái Nghĩa. Vọng phu ngày xưa có khác gì nỗi mong chờ hôm qua và còn mãi mãi những bất hạnh lẻ loi dồn hết về phía người đàn bà trông chồng: "Bắt đầu từ một mùa đông/Anh tôi ra trận rồi không trở về/Cũng từ một buổi chiều quê/Chị tôi đã nhận lời thề mùa đông".

Dường như có điều gì đó se thắt trong tâm hồn người nghệ sĩ về một chuyện tình buồn. Bây giờ là hiện tại nhưng là để nói cái đã qua, để nói cái bao giờ về sự ra đi không trở về của người lính, người chồng của "chị tôi". Người nghệ sĩ đã trở thành nhân chứng cho mối tình ấy. Đồng cảm hồn nhiên thơ dại như một cậu bé trước nỗi đau và tình yêu cao cả của người thân mình, đó là độ sâu lắng suy tư, là cảm xúc ngập tràn của người nghệ sĩ trước bao nhiêu mất mát ở đời.

Cũng là phận gái chưa chồng

người còn hóa đá, chị không hóa gì!

đá còn đợi bước thiên di

còn con để bế, chị thì chịu không

núi còn hòn vợ, hòn chồng

chị tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu

Một khổ thơ đẹp mà buồn của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, khi đọc lên làm cho người ta liên tưởng đến những lời thì thầm ẩn ức nhỏ nhẹ của người đàn bà hẩm hiu trong đêm đông với đất trời, là tiếng thở than trong đêm mưa não lòng của "chị tôi" về số phận mình. Sự đồng cảm giữa thơ ca và âm nhạc dường như có sợi chỉ mong manh mơ hồ từ trong cảm xúc của người nghệ sĩ. Có phải vì thế mà nhạc sĩ Thái Nghĩa đã phóng tác từ tứ thơ của Bùi Hoàng Tám thành chuỗi ca từ mang âm điệu thanh bằng chan chứa: "Mùa đông ơi mùa đông/Trời nghiêng vai đầy mưa/Sầu đông tan mùa hoa/Mà người đi đi mãi"…

Một sự tĩnh lặng trong giai điệu nhưng lại lay động tâm hồn người nghe. Nếu ở đoạn đầu Thái Nghĩa sử dụng chất liệu âm nhạc mang tính kể lể êm dịu sâu lắng với âm hình tiết tấu bình ổn thì đoạn sau được phát triển trên nền kỹ thuật cung bậc tạo ra cao trào diễn tả được nỗi đau ẩn sâu trong lòng người thiếu phụ tạo cảm xúc mãnh liệt cho người nghe: "Mùa đông ơi mùa đông, chị tôi còn bên sông". Chị còn đứng chờ mong nơi bến cũ. Chị vẫn ngồi một mình với khúc vui buồn đêm đông dù người lính ấy không bao giờ về nữa! Tác giả cứ để tâm hồn mình ứa ra những cảm xúc trong sáng hồn nhiên, cứ như một đứa em thương chị lỡ đò:

Cái ngày tôi bước qua cầu

chị không khóc sợ nhạt màu áo tôi

bây giờ chị đã về trời

thắp hương lạy chị, lạy lời mùa đông!

Đó vừa là thái độ sống vừa là trách nhiệm công dân nghệ sĩ trước cuộc đời này: đừng ai làm cho nỗi đau của chị, số phận những người đàn bà như chị trong "Lời thề mùa đông" thêm đau, thêm bất hạnh. Bây giờ là mấy mùa đông, là bao nhiêu năm sau cuộc chiến tranh, cho đến tận hôm nay họ vẫn khắc khoải chờ chồng dù trong tuyệt vọng! Người lính ấy không bao giờ về nữa. Vẫn là chị đấy thôi nhưng đâu còn trẻ như ngày xưa để thấp thỏm mong chờ. Đừng bao giờ gieo thêm khổ đau lên số phận hẩm hiu của những người đàn bà bất hạnh trong chiến tranh. Có lẽ đó cũng là thông điệp của nhà thơ Bùi Hoàng Tám mà nhạc sĩ Thái Nghĩa đã chắp nối bằng chính giai điệu buồn ẩn ức đầy tính nhân văn đến với cuộc đời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo