xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ký ức tuổi học trò

Mai Mộng Tưởng

Sau trận lụt lịch sử kinh hoàng cuối năm Giáp Thìn (1964), ở quê tôi, từng gia đình bị thiệt hại chưa kịp khắc phục hậu quả thì đầu năm 1965, chính quyền Sài Gòn đã bắt tay với chính quyền Mỹ đưa quân lính vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam.

 Gia đình tôi sống ở gần dốc Ông Kinh thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) phải chuyển ra ở khu phố Mỹ Khê, quận 3 (nay là phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dựng nhà tranh ở tạm trên đất của ngoại để tránh bom rơi, đạn lạc.

Ở quê, tôi học lớp 5 (tương đương lớp 1 bây giờ) 3 năm liền vì hồi đó trường làng chỉ có một lớp 5. Đến Mỹ Khê, tôi được các anh chị xin vào học lớp 3 theo kiểu nhảy cóc cho kịp tuổi. Thời gian học lớp 3 ở trường làng Mỹ Khê đã giúp tôi rèn nét chữ qua những buổi học chính tả. Nhưng trước hết nói về thầy Tùng, ông giáo già trường tôi có chiếc xe đạp với bộ khung bằng inox sáng choang. Chắc thầy dành dụm nhiều năm mới mua nổi bởi chúng tôi thấy thầy cưng chiếc xe của mình không gì bằng. Giờ ra chơi, với chiếc kính cận dày cộp, thầy cặm cụi lau từng chiếc căm xe.

Không biết từ góc nhìn nào mà thầy Tùng chọn tôi là người phải thường xuyên lên bảng đen viết bằng phấn trắng trong giờ học chính tả. Bảng đen của lớp được thiết kế có một tấm màn ngăn cách giữa người viết trên bảng với người học bên dưới. Vào giờ học chính tả, thầy đọc bài trong sách cho cả lớp viết. Tôi viết lên bảng còn các bạn thì viết vào vở của mình. Viết xong bài chính tả thì tôi trở về chỗ ngồi, thầy Tùng kéo tấm màn sang một bên và đọc lại từng đoạn trên bảng, sai chữ nào thì thầy sửa chữ đó, cả lớp theo thầy mà sửa.

Ký ức tuổi học trò - Ảnh 1.

Trẻ em tại một trường tiểu học ở Đà Nẵng trước năm 1975 Ảnh: Internet

Đó là cách dạy chính tả rất dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ của thầy Tùng. Nhờ đó mà sau này, khi có dịp soạn thảo văn bản, chúng tôi hiếm hoi lắm mới mắc một vài lỗi chính tả. Học thì học nhưng nghịch thì vẫn nghịch. Tôi là tác giả của những lần thầy Tùng mệt mỏi dắt bộ xe về nhà do xe bị xì lốp. Đó là "hiệu ứng" của những lần tôi "đau bụng" xin ra khỏi lớp.

Học xong lớp 3 ở trường Mỹ Khê, tôi được chuyển vào học ở Trường An Hải sát bờ Đông sông Hàn, vì lúc bấy giờ ai học ở Trường Mỹ Khê cũng chỉ đến lớp 3 là "đội trần". Hai năm học cuối cấp tiểu học, tôi phải ôm cặp băng bộ qua mấy dãy cồn cát mới tới trường, mùa nắng chói chang thì cát nóng rát bàn chân, mùa đông giá buốt thì gió thổi cát bay trùm kín cả người rất là khó chịu.

Khi tôi bắt đầu học ở Trường An Hải cũng là thời kỳ quân đội Mỹ liên tục đưa quân vào miền Nam. Học tại trường này, tôi được xếp vào loại học sinh "cá biệt" với các lý do: gia đình có liên quan mật thiết với cộng sản, học sinh nhà nghèo nhất lớp và là học sinh nghịch nhất… trường! Nhưng "quan trọng" hơn cả là tháng nào tôi cũng được gọi tên lên nhận "Bảng vàng danh dự", không hạng nhất thì cũng hạng nhì dành cho các học sinh giỏi hằng tháng, cứ đều đặn như vậy cho đến hết tiểu học tại trường này.

Là "học sinh thân cộng" nên việc thi vào trường công lập, mẹ và các anh chị tôi chẳng hy vọng gì. Mặc kệ, anh Năm nộp hồ sơ cho tôi thi vào lớp đệ thất tại Hội đồng thi Trường Sao Mai. Tôi tự tin làm bài thi chóng vánh, nhanh tay nộp bài ra khỏi trường thi. Khi tôi được xướng tên trong danh sách học sinh thi đậu vào Trường Đông Giang niên khóa 1968-1972 vào một buổi chiều mùa thu năm đó, tôi hét lên sung sướng, bỏ cuộc chơi đá banh gần trường, chạy vội về báo tin cho mẹ, bà mừng rưng rưng muốn khóc. Tôi trở thành một trong 3 người của trường Mỹ Khê trong kỳ thi chuyển cấp năm đó đậu vào trường trung học công lập Đông Giang (nay là Trường THPT Hoàng Hoa Thám) tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Mãi sau này, bạn bè có lúc khéo chọc rằng tôi có "hoa tay", chữ viết thì đẹp, trong khi chữ ký thì quá "bay bướm". Mỗi lần như thế, tôi chỉ cười xòa cho qua chuyện nhưng trong thâm tâm, tôi thật tình biết ơn và luôn nghĩ về người thầy đã rèn chữ cho mình từ những buổi học chính tả năm xưa ở ngôi trường Mỹ Khê, với đầy ắp những kỷ niệm không bao giờ quên trong ký ức tuổi học trò.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo