Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 do Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Hội Sân khấu TP tổ chức. Sau 3 đêm tranh tài của 23 thí sinh ở TP HCM, tối 8-10, đến lượt 7 thí sinh khu vực phía Bắc đã thể hiện xuất sắc vai diễn dự thi tại Nhà hát Cải lương Việt Nam (TP Hà Nội).
Vươn tầm quốc gia
Sàn tập Nhà hát Cải lương Việt Nam những ngày qua như nóng lên với sự tập luyện của 7 thí sinh khu vực phía Bắc. Hàng chục nghệ sĩ tham gia phụ diễn và dàn nhạc cổ, công nhân sân khấu... cũng bị áp lực trước màu cờ sắc áo của sàn diễn cải lương đất Bắc.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, sự chăm chút về mặt diễn xuất và hình thức dàn dựng cho thấy cuộc thi đã đi đúng quỹ đạo, khơi nguồn ý thức làm nghề trong giai đoạn khó khăn nhất của sàn diễn cải lương cả nước.
Sau đợt tranh tài của 23 thí sinh tại TP HCM, giới chuyên môn cho rằng việc nâng tầm cuộc thi là kịp thời và cần thiết. Sân khấu cải lương cần một lực lượng diễn viên dám đối diện các vai khó. Bảy thí sinh phía Bắc đã quan sát 3 đêm tranh tài của thí sinh ở TP HCM rồi chuẩn bị tiết mục hết sức chu đáo, đặt vai diễn dự thi vào chuẩn mực của một sân chơi đã nâng tầm.
NSƯT Thiên Hoa dự thi với trích đoạn “Vua thánh triều Lê”
Theo NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức từ năm 1991 đến 2014 đã khiến diễn viên phía Bắc háo hức. Nhiều lần, nhà hát của ông muốn đưa diễn viên vào dự thi nhưng giải thưởng lúc đó chỉ dành cho khu vực miền Nam.
"Lần này, cuộc thi đã nâng tầm quốc gia, mở rộng tiêu chí cho các nghệ sĩ cả nước tham dự là một tín hiệu vui, tạo cơ hội cho người làm nghề được giao lưu, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm biểu diễn. Hiệu ứng sau cuộc thi chính là cùng gánh vác sứ mệnh giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật có hơn 100 tuổi này" - NSND Triệu Trung Kiên kỳ vọng.
Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 không phải hướng đến con số 30 HCV, HCB mà là để rà soát nội lực hiện tại của lực lượng làm nghề, qua đó bổ sung nhiều bài học quý cho sàn diễn. NSND Thoại Miêu, thành viên Hội đồng Giám khảo vòng sơ tuyển, đánh giá: "Một giải thưởng tầm quốc gia không phải chỉ nhằm gặt hái huy chương mà là nơi để nghệ sĩ cải lương nhìn lại mình, nâng cao giá trị sáng tạo. Cuộc thi là cơ hội để đặt ra những chuẩn mực mới trong diễn xuất các loại vai mà lâu nay tại các hội diễn chưa được xem trọng".
Lộ diện những diễn viên triển vọng
Khán giả Hà Nội đã mê đắm nét diễn vai đào độc của nghệ sĩ Lệ Hằng (trích đoạn "Kêu cứu", tác giả Đào Mộng Long), một bà mẹ chồng đanh đá, ức hiếp nàng dâu. Trước đây, trong vở "Chuyện tình Khau Vai" (đoạt Giải Mai Vàng năm 2019), Lệ Hằng đã chinh phục khán giả TP HCM khi diễn vai bà Mo. Lần này, vào vai bà Phán trong "Kêu cứu", chị tư duy vai diễn trong bố cục trích đoạn chặt, không thừa chi tiết nào.
Vai kép lão Trình Anh (trích đoạn "Trình Anh trả nghĩa", tác giả Mã Kiện Linh, Nhà giáo Ưu tú Triệu Quang Vinh chuyển thể) của NSƯT Hoàng Tùng cũng cho thấy sức bật mới của anh. Diễn vai lão là sở trường của Hoàng Tùng nhưng anh đã biết chọn sắc thái mới để khoe nghề khi trong khoảnh khắc diễn ra hai mặt tính cách: trung thần và nịnh thần.
Nghệ sĩ Minh Phương với vai đào mùi Trần Thị Dung (trích đoạn "Dấu ấn giao thời", tác giả Triệu Trung Kiên) thật sự thu hút người xem bởi nét ca diễn đằm thắm. Nghệ sĩ Phương Nga (trích đoạn "Đêm cuối cùng của danh nhân", tác giả Lưu Quang Hà - Lê Chức), Như Quỳnh (trích đoạn "Mê Đê", tác giả Triệu Trung Kiên), NSƯT Thiên Hoa (trích đoạn "Vua thánh triều Lê", tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Ngọc Chi), nghệ sĩ Hải Yến (trích đoạn "Lý Chiêu Hoàng", tác giả Ngọc Chi) cũng để lại nhiều cảm xúc với khán giả Hà Nội.
NSƯT Thiên Hoa tâm sự chị đến với cuộc thi là để tìm kiếm chất liệu mới trong ca diễn nhằm tiếp cận khán giả trẻ qua cách thể hiện sao cho nhân vật đời hơn, gần gũi hơn. Trong khi đó, NSƯT Hoàng Tùng cho rằng lâu nay, diễn viên sân khấu cải lương gần như mất niềm tin vào các liên hoan, hội diễn, khi mà quy chế chỉ chấm giải cho đào kép chính. Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang ra đời đúng lúc, xóa đi những mặc cảm của nhiều nghệ sĩ chuyên đóng các vai phụ, vai tính cách, để họ có cơ hội trổ tài, đúc kết kinh nghiệm diễn xuất.
Khép lại vòng sơ tuyển ở phía Bắc, 7 thí sinh tỏ ra hồ hởi khi họ bước vào cuộc thi rất thoải mái, cùng khoe nghề mà không bị áp lực huy chương. Đó cũng là ước muốn của ban tổ chức nhằm nhận rõ diện mạo của lực lượng làm nghề, hướng đến giá trị mới trong công cuộc chấn hưng sàn diễn cải lương. Sứ mệnh của cuộc thi chính là hướng mọi người cùng gánh vác trách nhiệm giữ gìn những chuẩn mực của bộ môn nghệ thuật độc đáo này, không để nó mai một.
Sơ tuyển tại 3 địa điểm
Vòng sơ tuyển cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 tổ chức tại 3 địa điểm: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP HCM), dành cho thí sinh khu vực phía Nam, diễn ra từ ngày 3 đến 5-10; Nhà hát Cải lương Việt Nam (TP Hà Nội), dành cho thí sinh phía Bắc, ngày 8-10 và Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), dành cho thí sinh ĐBSCL, từ ngày 12 đến 14-10.
Vòng chung kết cuộc thi được tổ chức tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ ngày 26 đến 30-10. Đêm gala trao giải thưởng diễn ra vào tối 3-11.
Bình luận (0)