xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng những cây bút "Văn học tuổi 20"?

ANH LƯU

Sau khi đoạt giải, những người viết trẻ có dám dấn thân, "chơi" hết mình với nghiệp văn chương hay không mới là điều quan trọng

Cho đến thời điểm này, có thể ghi nhận trong các NXB của cả nước, chỉ có NXB Trẻ vẫn bền bỉ đầu tư, tìm kiếm tác phẩm mới từ các cây bút trẻ. Sự nỗ lực đáng ghi nhận ấy thể hiện qua cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20". Và nay, đã trở thành "thương hiệu" khẳng định chất lượng của tác phẩm. Dù rằng tiền không thể làm cho tác phẩm đó hay hơn/kém hơn nhưng phải thừa nhận giải nhất lên 70 triệu đồng vẫn là số tiền không nhỏ, "ăn đứt" những nơi khác đã và đang "treo giải".

Những dấu ấn buổi đầu

Khởi đầu từ năm 1995, dấu ấn của cuộc vận động này đã góp phần quan trọng vào đời sống văn chương nước nhà. Công chúng vẫn chưa quên tập truyện ngắn "Quà muộn" của nhà văn Nguyên Hương - người trước nhất được vinh danh. Kế đến là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với "Những ngọn đèn không tắt" - giải nhất "Văn học tuổi 20" lần 2 (năm 2000).

Qua các lần sau, ta còn có thể kể thêm những nhà văn mới được "xướng danh" như Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Phan Việt, Thu Trân, Dương Thụy, Nguyễn Thị Việt Nga, Phong Điệp... Trong thời điểm đó, tác phẩm của họ đã góp thêm tiếng nói khẳng định tài năng của những người trẻ say mê văn chương. Rồi kế đến một loạt tác phẩm mới đã được trao giải như "Tạm trú" (Đỗ Duy), "Visa" (Hải Miên), "Cô con gái ngỗ ngược" (Võ Diệu Thanh), "Thuê bao quý khách" (Hương Thị)… Trong danh sách này, ta còn có thể kể thêm "Người ngủ thuê" (Nhật Phi), "Cơ bản là buồn" (Nguyễn Ngọc Thuần), "Gia tộc ăn đất" (Lê Minh Nhựt), "Hạt hòa bình" (Minh Moon)…

Sở dĩ cần phải liệt kê ngọn ngành để thấy rằng sức hút từ cuộc vận động sáng tác này rất lớn, có tầm ảnh hưởng trong cả nước. Và qua mỗi cuộc thi, ban tổ chức cũng đều tìm ra tác phẩm mới, chất lượng cao để trao giải và phục vụ bạn đọc. Bấy giờ, đã có lần, ông Nguyễn Thế Truật - Trưởng Ban Tổ chức, Phó Giám đốc NXB Trẻ - phát biểu: "Giá trị của một giải thưởng văn chương là tác phẩm. Giá trị của giải "Văn học tuổi 20" bên cạnh tác phẩm còn là phát hiện những cây bút mới. Kết quả đã góp vào đời sống văn học những tác giả thành danh sau giải". Ý kiến này hoàn toàn chính xác bởi lẽ sau mỗi cuộc thi vẫn là chất lượng tác phẩm chứ không gì khác. Phải thừa nhận từ một "bệ phóng" sáng giá, các nhà văn này đã có cơ hội để bạn đọc cả nước cùng biết mặt, biết tên. Với tài năng thật sự, đến nay, đều đặn hằng năm, có người đã có tác phẩm mới, không phụ lòng tin cậy của bạn đọc.

Kỳ vọng những cây bút Văn học tuổi 20? - Ảnh 1.

Một số tác phẩm đã lọt vào vòng chung khảo cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” lần này được xuất bản

Nỗ lực thôi chưa đủ

Dù chưa công bố kết quả chính thức của giải thưởng lần này nhưng NXB Trẻ cũng đã ấn hành một loạt tác phẩm đã lọt vào vòng chung khảo, như "Thỏ rơi từ mặt trăng" (Nguyễn Dương Quỳnh), "Nhân gian nằm nghiêng" (Đặng Hằng), "Cánh đồng ngựa" (Nguyên Nguyên), "Chuyến tàu nhật thực" (Đinh Phương), "Cô ấy khiêu vũ một mình" (Tịnh Bảo), "Người kể chuyện tình trên phố yêu đương" (Yudin Nguyễn), "Bữa đời lạc phận" (Ka Bình Phương), "Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải" (Nông Quang Khiêm)… Lần này, những người viết trẻ đã nỗ lực thể hiện qua nhiều thể loại khác nhau, kể cả thể loại kỳ ảo và cũng khác trước. Nhà văn Phan Hồn Nhiên, thay mặt ban giám khảo, bày tỏ: "Để làm ra tác phẩm hay thì tác giả phải có đời sống rất là hay", ta hiểu khi người trẻ tham dự vào văn chương, họ có ưu thế của họ, đó vẫn chính là hiện thực của đời sống mà họ trải qua, chưa chắc nhà văn thành danh đã có. Chẳng hạn, "Người ngủ thuê" của Nhật Phi là một ví dụ.

Qua 6 cuộc vận động với các tác phẩm cùng tên tuổi mới được định hình, nói một cách nghiêm túc thì ngoài Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Trương Anh Quốc, Dương Thụy, Lê Minh Nhựt, Nguyên Hương, Võ Diệu Thanh, Phong Điệp… vẫn thường xuyên "trình làng" tác phẩm mới, còn lại hầu như "im hơi lặng tiếng". Nói thì nói thế, biết đâu, sau giải thưởng, họ vẫn đang nung nấu, đang viết tác phẩm mới thì sao? Hay "bỏ cuộc chơi"? Nói như thế vì hiện nay đã có không ít người viết trẻ quan niệm văn chương chỉ là cuộc dạo chơi ngẫu hứng hơn là suốt đời tận tụy với nó.

Kỳ vọng được không ở những cây bút trẻ? Vấn đề ở chỗ những người viết trẻ hiện nay khi đến với văn chương, họ có chuẩn bị tâm thế "chơi hết mình", hay chỉ "ngứa cổ hót chơi"? Để có được câu trả lời, chúng ta phải cần có thời gian chăng? 

Bạn đọc là nguồn cảm hứng

Hiện nay, các cây bút trẻ có quá nhiều cơ hội để khẳng định mình, cuộc vận động sáng tác "Văn học tuổi 20" cũng là một kênh rất quan trọng. Tiền trao giải thưởng không thiếu. Cuộc thi nhằm kích thích cảm hứng cũng không thiếu. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, hoàn toàn có lý khi chia sẻ: "Vấn đề giờ đây thuộc về cộng đồng đông đảo người đọc tìm sự đồng cảm, nhận ra những đồng điệu để đồng hành với các trang văn trên những tác phẩm đoạt giải. Bạn đọc chính là nguồn cảm hứng của người viết, dõi theo sự trưởng thành từng ngày của nhà văn. Còn chúng tôi chỉ góp một phần khiêm tốn là tạo cơ hội để nhà văn đến với người đọc, tạo cho người đọc có được nhiều tác phẩm đáng đọc". Thiết nghĩ, đây cũng là suy nghĩ chung của mọi người, vì rằng sau bất kỳ một cuộc thi nào, vấn đề then chốt nhất vẫn thuộc về tài năng của người đoạt giải. Họ dừng lại hay tiếp tục đi tiếp lại là câu chuyện khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo