CHỐN ĐÂY THUỘC VÙNG SƠN CƯỚC đầu đèo Bảo Lộc. Vắng lặng. Không một bóng người. Tôi vừa đi vừa hú, như người trong rừng gọi nhau.
Vài chấm kiến trúc đơn giản le lói trên đỉnh đồi, sườn Đông và sườn Tây. Im lặng nội tâm. Như chốn tu hành hơn là chốn người thế tục thông thường. Nếu ở đây mà là người, hẳn phải là dị nhân, kẻ thất chí hoặc đắc đạo gì đó.
Dấu tích đồi Thượng vẫn lờ mờ đâu đây. Ngoài bìa rừng, chỉ dấu cái am đã lụi tàn của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn trơ ra dăm ba phiến đá nền cùng lưa thưa cây bụi. Cốc Thiền Duyệt Thất của thiền sư Thích Thanh Từ nằm ở trung tâm vùng đồi với riêng 10 trụ đá vẫn còn…
Thời trai trẻ, bắt đầu đường tu, hai sa môn giờ đã lừng danh trong và ngoài nước kia gặp nhau, hành thiền nhiều năm chốn này. Từ Phương Bối Am đã thành tên, như "pháp danh" cho cả ngọn đồi và những cánh rừng đi theo nó.
Cái tên mà tăng sĩ Thích Nhất Hạnh đặt, có kẻ đến tá túc sau khi ông xuất ngoại xiển dương Phật pháp được lấy làm tên cho một người con gái sinh ra trong cánh rừng này. Khe nước duy nhất chảy dưới chân đồi mang tên Tiểu Khê, bắt qua cây cầu Mai mà tăng sĩ Thanh Từ đặt, cũng đã lấy làm thế danh cho một người con gái khác. Tiểu Khê, Phương Bối, vọng âm thanh tịnh và tao nhã, thiên nhiên và tinh khiết.
Phương Bối Am, như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng thổ lộ, là chốn cội nguồn tâm linh ở ông, nơi nghĩ ra con đường tu, pháp môn của mình. Thiền sư Thích Thanh Từ, sau nhiều thập kỷ hành giả đó đây, cũng thừa nhận giai đoạn phiêu diêu an trú tịnh tâm ở Phương Bối đã sinh khởi trong ông ý thức điều nghiên, chỉ và tìm cho ra con đường về Phật giáo pháp môn đúng nghĩa Việt Nam.
Đất Việt thời hiện đại sản sinh ra hai thiền sư quan trọng của thế giới mà ở đó, tinh thần Phật quốc đã rõ. Tình bạn đồng đạo thâm sâu của họ thì càng đẹp kỳ biệt, nhìn nhau là hiểu, làm thay cho nói, như vô ngôn, chạm đến cái lấp lánh tựa chuyện chỉ có ở trong văn chương, thi ca.
TÔI BƯỚC THẬT NHẸ, rút tiếng hú vào trong, nghe dư vị thiền xa xăm, dù không gian không vang lên tiếng kinh kệ, gõ mõ hay chuông chùa.
Quái lạ, ngọn đồi ở trong rừng mà nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước. Không còn bóng dáng thiền sư Thích Nhất Hạnh hay Thích Thanh Từ nữa, Phương Bối bơ vơ từ độ ấy. Quả đồi như mỡ treo trước miệng mèo.
Nhưng kìa…, bóng người phụ nữ hiếm hoi đang đi hái rau má dại dưới thảm lá N’go ở bìa rừng đưa tôi về với thực tại. Bà là một phụ nữ lai Tây. Bà xưng tên Phượng, là vợ của gã nhà thơ đang cai quản quả đồi này.
Thì ra, đây là người phụ nữ từng đẹp nức xứ B’lao 50 năm trước, người mà bất cứ ai ở Bảo Lộc cũng ít nhiều nghe nói đến và thương cảm. Ông bố Pháp quay về bản quốc, người mẹ Việt chịu áp lực vì yêu đàn ông Tây đã tự tử khiến cô bé thành kẻ mồ côi. Cô lớn lên trong một ngôi chùa của người cậu trụ trì ở Thủ Dầu Một.
Gã nhà thơ đã lôi nàng ra khỏi ngôi chùa đó. Họ yêu nhau lúc nàng mới 16 tuổi và gã thi sĩ đã đưa nàng lên xứ núi Bảo Lộc. Những chỏm kiến trúc kia là do nàng và gã nhà thơ đắp lên trên nền Phương Bối buổi nào. Nàng đã sinh ra 9 người con, mà Phương Bối và Tiểu Khê là 2 cô gái.
Nàng sống ru rú, bất giao với bên ngoài. Gã nhà thơ nghe nói rất tài năng nhưng độc đoán, phàm phu, thô lỗ, ngạo mạn, bất cần, lập dị. Cuộc đời cơ hàn như tiều phu thất vận của gã đã đưa nàng vào miên trạng bị vùi hoa dập liễu. Bầy con của nàng lâm nạn theo, mà sau này có nhà văn đã viết "như bầy thú hoang". Có đứa vì ăn phải lá độc trong rừng mà chết.
Ê chề đau đớn nhưng vốn hiều dịu nên nàng đành buông theo - như người cậu dự báo khi tiễn cháu rời chùa "coi như là cái nghiệp của con vậy". Trịnh Công Sơn lúc tại thế cũng cảm thông, thương nàng như em gái nhưng nhạc sĩ mỏng manh này làm gì đủ sức giải cứu cho một cành hoa. Theo thời gian, có khi nàng cũng yêu "cái nghiệp" của mình mất rồi.
Giờ thì nàng đã thành bà. Người ta không lý giải được vì sao cai quản trên 20 mẫu đất, giữa xứ sở ai cũng làm nông để sống nhưng gia đình bà không có nông phẩm để thu, sống đói nghèo, tạm bợ lâu nay. Không thể lý giải được vì sao bà và gã nhà thơ nếu có nổi hứng trồng trọt thì chỉ trồng thông. Người ta cũng không thể lý giải được vì sao gã nhà thơ chủ trương không cho đàn con của mình đi học, đến trường.
Đạo Bụt, Phật pháp cũng tự nhiên đến với họ từ sự đẩy đưa kỳ lạ này. Hết thảy họ đều ăn chay trường. Bà thì ăn chay để làm thinh, lặng trầm. Còn gã nhà thơ ăn chay mà mở miệng ra là chửi thề! Còn với bà, những đứa con mới là tuyệt tác chứ còn thơ phú có ích chi. Gã oai vệ trong hư danh. Bà xơ xác vì bầy con và sự thiếu thốn, khốn cùng. Vậy mà bà cứ làm thinh khi sống với gã và cười khi có ai lạc bước vào quả đồi. Bà mới là hình ảnh "thơ" ở quả đồi này!
Ngọn đồi kỳ lạ, luôn xung đột giữa siêu thoát và níu kéo, cao cả và dung tục.
XỨ B’LAO GIỜ AI CŨNG BIẾT trọn ngọn đồi Phương Bối đất đã chia. Tự tay gã nhà thơ chia đều cho 8 người con. Tăng sĩ Nhất Hạnh buổi đó mua ngọn đồi của hai người bản địa, lập ra thảo am. Gã nhà thơ đã nhảy vào tá túc và ôm giữ ngọn đồi từ sau năm 1975 khi nó bỏ hoang.
Những đứa trẻ ngày nào tung tăng trên đồi thông giờ có người đã tuổi trung niên. Họ bắt đầu bêu riếu nhau trên mạng xã hội về việc hành xử trên đất đai, cách thức chia chác cũng như công năng sử dụng mỗi phần được chia. Một người con ít chữ và khờ khạo nhất nhà từng nhờ người viết hộ đơn để bày tỏ sự không đồng tình với việc lấy đất chia nhau và đòi trả lại nó cho thiền sư đang ở trời xa.
Bà và gã nhà thơ cũng như những người con đều tự hào về cái tên Phương Bối và luôn khoe về nó. Lại một sự xung đột dữ dội - giữa hướng đẹp và hướng xấu, cao thượng và thấp hèn, buông xả và thực dụng, tri ân và chiếm hữu - của những người mà cuộc đời họ được Phương Bối vỗ về, an ủi lâu nay.
Có người bảo nếu không có gã nhà thơ và bà thì Phương Bối chắc chắn đã bị dân nhập cư chiếm sạch rồi. Mà thật, máu gã từng đổ khi những kẻ kia trỗi lòng tham đến xâm chiếm. Giờ thì trước con tạo, làm sao biết được những năm tháng tiếp, các mảnh đất xẻ lẻ kia có rơi vào tay ai nữa?
Ai đó vừa kiến nghị lập tượng đài Phương Bối để tạc hình tượng thiền sư Thích Nhất Hạnh và Thích Thanh Từ. Cũng nghe ai đó muốn gìn giữ mọi dấu vết về hai vị. Lại còn nghe ai đó đang bắt đầu toan tính chuyện bán đi những phần đất vừa được chia.
Phương Bối tâm linh và Phương Bối nhân thế. Phương Bối đẹp rực rỡ và Phương Bối quay cuồng. Phương Bối tinh tế và Phương Bối mê lầm. Di chỉ của ký ức Phật giáo kỳ lạ trên miền cao nguyên và di chỉ của áng văn chương đẹp hiếm thấy trong nền văn chương Việt Nam hiện đại, tác phẩm "Nẻo về của ý" của thiền sư Thích Nhất Hạnh, như đang vật vờ trong trang kinh và bề bộn thế tục.
Sẽ thành một khu dân cư, một địa chỉ du lịch hay chốn hành hương, hỡi Phương Bối? Tôi muốn gục ngã, nằm dưới ngọn đồi này để la lên một tiếng: Loài người luôn bất lực - trên con đường hướng đến cái đẹp tuyệt đối!
Hay là tàn lụi đi, sạch trơn dư dấu, để Phương Bối trở nên bất tử, thành huyền thoại? Cái hư vô mới là vô biên, đỉnh cao cuối cùng của bất cứ giá trị hay hình bóng nào? "Tu là chuyển nghiệp" - cuốn sách của thiền sư Thích Thanh Từ - thấu rõ tính vô thường ở tạo vật, thoát đường sinh tử, vượt bể luân hồi. Hãy cho tàn tro được đốn ngộ.
"Thế sự như đại mộng", có thiền sư từng làm câu thơ như thế. Còn tôi, "Ta van cát bụi vô thường/ Dù dơ dù sạch đừng vương gót này".
Sẽ thành một khu dân cư, một địa chỉ du lịch hay chốn hành hương, hỡi Phương Bối?
Bình luận (0)